Phân định rõ vai trò công - tư trong giải bài toán nước sạch

Theo các chuyên gia nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ dân tiếp cận nước sạch không cao là do quá trình đô thị hóa của Việt Nam quá nhanh, giá bán và sự chồng chéo trong khâu quản lý nước sạch.

Cấp nước sạch của Hà Nội. Ảnh: VGP

Cấp nước sạch của Hà Nội. Ảnh: VGP

Cấp nước sạch không đuổi kịp tốc độ đô thị hóa

Theo báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ hộ tiếp cận nước máy chỉ chiếm khoảng 52%, có 22,8% hộ sử dụng nguồn nước giếng khoan.

Lý giải về nguyên nhân còn tồn tại tình trạng này tại tọa đàm “Chìa khóa nào cho bài toán nước sạch”? ngày 29/6, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường – TN&MT) phân tích, hiện nay cả nước có khoảng 4.500 hệ thống công trình cho cả đô thị và nông thôn với công suất đến khoảng 11 triệu m3 nước, đang khai thác hằng ngày khoảng 8,3 triệu m3, tập trung chủ yếu là khai thác nguồn nước mặt là 87% và nước ngầm là 13%.

Theo đó có một số nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại trên. Với cấp nước đô thị, do dân số tăng, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, hệ thống cấp nước đô thị có nhiều khó khăn trong đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân.

Đặc biệt, những đô thị lớn và lâu đời có tình trạng hệ thống cấp nước có sự suy giảm, sự phát triển về mặt đường ống cấp nước, phải có cơ chế tập trung đẩy mạnh. Trong khi đó, trong bối cảnh đang có sự đô thị hóa rất nhanh thì lại có sự phân tách chức năng quản lý, khi ngành xây dựng quản lý cấp nước đô thị còn ngành nông nghiệp quản lý cấp nước nông thôn.

“Lúc triển khai ra thực tế, nhiều địa phương ở xã lên phường nên do chưa rõ trách nhiệm cấp nước đô thị hay nông thôn. Ví dụ như trường hợp Xuân Phương trước thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội, trước đây có hệ thống cấp nước tương đối tốt theo hiện trạng cấp nước tập trung nông thôn. Nhưng khi lên phường thì Công ty cấp nước Hà Nội kéo đường ống đến, nhiều khi có cả tình trạng chồng lấn đường ống”.

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước

Ngoài ra, theo ông Vĩnh, còn vấn đề giá nước và thói quen sử dụng nước của người dân, đặc biệt là người dân nông thôn.

Bổ sung lý giải nguyên nhân của ông Vĩnh, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng nguyên nhân còn đến từ thể chế chính sách vẫn còn chồng chéo, có chỗ chưa cụ thể. Chính sách về đầu tư, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư cho đấu thầu, chính sách cổ phần hóa, chính sách thu hút công nghệ xử lý nước sạch vẫn còn bất cập.

“Việc này Trung ương và Chính phủ đã chỉ đạo, trong đó Chính phủ đã có Nghị quyết giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đối với vấn đề cấp thoát nước. Vì vậy, những vấn đề về văn bản, quy phạm pháp luật của vấn đề cấp thoát nước trong thời gian tới sẽ được giải quyết”, ông Điệp nêu ý kiến.

Gỡ rối sự chồng chéo trong quản lý

Sự chồng chéo trong quản lý, không phân định rõ ràng vai trò công – tư đã dẫn đến những khó khăn trong triển khai, do vậy cần có một Luật về nước sạch. Góp ý về Luật này, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông cho rằng, phải xác định trước nước sạch là một dịch vụ công thiết yếu, Nhà nước phải là người chủ trì nắm vững toàn bộ thị trường như vậy.

Thứ hai, nhìn nhận nước sạch là một thị trường. Đó là thị trường dịch vụ công, cần phải có tổ chức thị trường hài hòa minh bạch, chia ra thành các khâu, mỗi khâu có cách tiếp cận riêng.

Thứ ba là những vấn đề về mặt kỹ thuật. Nghiên cứu về mặt luật pháp chúng tôi có thể thấy được, về mặt thị trường cấp nước thì có bài học ngành điện, cứ mở cửa cho tư nhân tham gia vào.

“Khâu cấp nước có thể thực hiện theo Luật Đầu tư với hình thức đối tác công tư. Luật này đã được Quốc hội ban hành rồi. Vấn đề nên có Nghị định riêng cho thị trường này. Ngành giao thông cũng đã cụ thể hóa Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư cho thị trường hạ tầng giao thông”.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông

Về vấn đề vai trò điều phối liên ngành từ nguồn nước, ông Đồng đánh giá đây là vai trò quan trọng không thuộc về một địa phương, cần có sự thống nhất đồng bộ, hài hòa giữa các vùng, không nên quá xé lẻ cho từng tỉnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Điệp nhận định chính sách về nước của Việt Nam có một chút lạc hậu vì các nước đều có luật cấp thoát nước còn Việt Nam thì chưa có. Khi ngành nước phát triển đến mức như hiện nay thì đòi hỏi điều chỉnh quy định trong ngành nước phải thực tế hơn, ví dụ như chuyển đổi số trong ngành nước.

“Cần phân định rõ công đoạn nào cổ phần, công đoạn nào Nhà nước trực tiếp nắm giữ. Tất cả cái đó chúng ta phải quy định, học hỏi kinh nghiệm của các nước để bổ sung, có hành lang pháp lý với tầm nhìn dài hạn hơn để nhà đầu tư yên tâm, người dân có điều kiện hưởng lợi hơn”.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cũng nhắc đến yêu cầu cần có công cụ để tính toán giá nước hợp lý. Trên cơ sở tất cả yếu tố đầu vào để tính toán đầy đủ các chi phí, lợi nhuận để tính toán ra chính sách nước cho người dân thì việc này không khó.

Hằng năm, Hội Cấp thoát nước Việt Nam có khảo sát tình hình của các công ty cấp nước. Số liệu mới nhất trong tháng 4 vừa rồi có 72 công ty cấp nước giá rất khác nhau. Có địa phương ngay cạnh nhau nhưng giá gấp đôi nhau. Giá cao nhất tới 15.000-16.000 đồng,giá thấp nhất chỉ 6.000 - 7.000 đồng. Vì vậy, vấn đề này phụ thuộc chính quyền địa phương.

Thông tư 44 hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định: chính quyền địa phương xác định giá bán cho người tiêu dùng trong sinh hoạt. Còn bán cho khu công nghiệp hoặc khu dịch vụ thì có một khung giá trần để xác định giữa đơn vị sản xuất nước và đơn vị tiêu thụ nước.

“Nếu địa phương quan tâm ngành nước và việc cung cấp nước sạch cho người dân thì UBND sẽ căn cứ Thông tư 44 này để tính giá nước cho người dân. Giá nước này cũng tạo điều kiện để các nhà đầu tư biết rằng đầu ra được giá bao nhiêu để tính toán đầu tư. Do đó, mong các địa phương khẩn trương ban hành xây dựng giá này để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cấp nước tính toán minh bạch, hiệu quả đầu tư”, ông Trần Vĩnh Châu đưa ra khuyến nghị.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1566/QĐ-Ttg về Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước sạch giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ dân cư được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95-100%. Cũng trong chương trình này, mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 90- 95%, đến năm 2025 có 95-100% người dân thành thị và 93-95% người dân ở nông thôn có nước sạch để dùng.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/phan-dinh-ro-vai-tro-cong-tu-trong-giai-bai-toan-nuoc-sach-post8082.html