Phấn đấu trở thành tỉnh năng động, phát triển

Đó là mục tiêu xuyên suốt đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng thông qua, với 6 chương trình cụ thể được ban hành nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Cao Bằng trở thành tỉnh năng động, phát triển. Thời gian qua, với quyết tâm chính trị cao độ của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, Cao Bằng đã và đang gặt hái được những thành công nhất định.

Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Phạm Khoa

Khai thác tiềm năng

Cao Bằng là tỉnh biên giới, có đường biên giới dài trên 333km giáp tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, với nhiều cửa khẩu, lối mở thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới với phía Trung Quốc.

Thiên nhiên còn ban tặng cho Cao Bằng nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng như thiếc, nhôm, sắt và mangan với chất lượng tốt. Trong đó, có một số loại khoáng sản có thể khai thác, chế biến tại chỗ.

Bên cạnh đó, Cao Bằng là tỉnh có danh thắng tuyệt đẹp như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen... Cao Bằng còn là quê hương cách mạng với một số di tích lịch sử được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, là cơ sở để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh nói trên, tỉnh Cao Bằng luôn xác định thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng.

Với phương châm sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực ở địa phương, tập trung phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững, trọng tâm là phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh như: khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng sức cạnh tranh và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 268 dự án với tổng số vốn đăng ký 40.715 tỷ đồng, trong đó có 13 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký là 1.110 tỷ đồng (riêng 9 tháng năm 2018 đã cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 28 dự án với tổng số vốn đăng ký là 2.037 tỷ đồng).

Các dự án được cấp chủ trương đầu tư đã đi vào hoạt động, bước đầu phát huy hiệu quả tốt như dự án: Trang trại chăn nuôi Thông Huề (Trùng Khánh); Trang trại chăn nuôi lợn rừng và trồng cây ăn quả ở xã Bế Triều (Hòa An); Trang trại chăn nuôi lợn hương rừng của Hợp tác xã Thắng Lợi...

Định hướng đầu tư

Với mục tiêu thu hút đầu tư, phát huy lợi thế sẵn có của tỉnh, các lĩnh vực và địa bàn khuyến khích kêu gọi đầu tư trong những năm tới của Cao Bằng là du lịch, phát huy tiềm năng du lịch lớn của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2020, định hình cơ bản mô hình phát triển du lịch của tỉnh với các giá trị đặc trưng, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu dịch vụ, hoạt động dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng thu nhập xã hội.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, hình thành nền nông nghiệp hữu cơ, hàng hóa có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao; khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về nông, lâm nghiệp, đầu tư phát triển nuôi, trồng, chế biến nông, lâm sản sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại.

Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hàng xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.

Đầu tư các dự án chế biến khoáng sản tái cơ cấu, hợp tác theo nhóm nhằm tăng năng lực tài chính, thiết bị và công nghệ, chế biến nguyên liệu và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh, giảm số cơ sở chế biến để đảm bảo hoạt động ổn định, lâu dài có hiệu quả kinh tế.

Tới đây, UBND tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức một loạt các sự kiện vào cuối tháng 11 này, như: Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng sẽ diễn ra vào sáng ngày 24/11/2018; Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; Công bố Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An là Di tích Quốc gia đặc biệt gắn với chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc... cho thấy quyết tâm lớn của địa phương trong việc tạo cơ hội để Cao Bằng quảng bá, mở rộng thương hiệu của địa phương, tăng cường kết nối, xúc tiến, thu hút nhiều nhà đầu tư uy tín, có tiềm năng vào tỉnh.

Để có một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch phấn đấu trở thành tỉnh năng động phát triển, trao đổi với phóng viên, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết: "Chúng tôi khẳng định cam kết với các nhà đầu tư là Cao Bằng không chỉ mời gọi, mà quan trọng hơn là chúng tôi sẽ đồng hành cùng các bạn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, luôn đứng bên cạnh, kề vai sát cánh và sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư.

Chúng tôi cũng cam kết với các nhà đầu tư về sự minh bạch khi các bạn đầu tư vào Cao Bằng. Bất cứ thắc mắc nào của các bạn về thủ tục đầu tư, về chính sách liên quan đến môi trường đầu tư đều được cấp có thẩm quyền giải quyết một cách nhanh chóng nhất".

Với những cam kết mạnh mẽ, một thông điệp rõ ràng luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến với Cao Bằng, cùng sự quyết tâm chính trị cao độ của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng, chắc chắn rằng mục tiêu trở thành tỉnh năng động phát triển của Cao Bằng sẽ sớm trở thành hiện thực.

Trung Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/van-hoa-giai-tri/du-lich/phan-dau-tro-thanh-tinh-nang-dong-phat-trien_t114c24n141381