Phấn đấu trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến, uy tín trong nước và quốc tế

Trong 5 năm qua (2015 - 2020), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ðảng bộ Ðại học Quốc gia Hà Nội (ÐHQGHN), sự nỗ lực của cả hệ thống, ÐHQGHN đã đạt được nhiều thành tựu, trở thành cơ sở giáo dục đại học có uy tín về đào tạo, nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế. Ðó cũng là tiền đề để ÐHQGHN phấn đấu đến năm 2025 đứng vào nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á, nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới.

Trong 5 năm qua (2015 - 2020), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ðảng bộ Ðại học Quốc gia Hà Nội (ÐHQGHN), sự nỗ lực của cả hệ thống, ÐHQGHN đã đạt được nhiều thành tựu, trở thành cơ sở giáo dục đại học có uy tín về đào tạo, nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế. Ðó cũng là tiền đề để ÐHQGHN phấn đấu đến năm 2025 đứng vào nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á, nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới.

Theo PGS, TS Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc ÐHQGHN, những năm qua, quy mô, tầm vóc của ÐHQGHN đã lớn mạnh một bước quan trọng, cả về tổng số đơn vị thành viên, ngành nghề đào tạo, số lượng cán bộ, quy mô sinh viên, nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, ảnh hưởng trong nước và quốc tế. Ðảng ủy ÐHQGHN đã tập trung chỉ đạo đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng thông tin, nâng cao nhận thức, tăng "sức đề kháng" của cán bộ, đảng viên. Các chủ trương, quyết sách lớn của ÐHQGHN đều được đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ trong cấp ủy và tập thể lãnh đạo, lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, công chức, viên chức, tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao. Ðảng ủy ÐHQGHN luôn quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Triển khai hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác củng cố, kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đạt kết quả tốt theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), gắn với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy phù hợp mô hình, cơ cấu, phương thức quản trị của đại học nghiên cứu,... Trong 5 năm qua, ÐHQGHN có bốn chi bộ cơ sở được thành lập mới, đổi tên sáu chi bộ cơ sở, giải thể hai chi bộ cơ sở cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Kết quả đánh giá, phân loại chất lượng chi bộ "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên trong toàn Ðảng bộ, trung bình hằng năm đạt hơn 90%; đảng viên "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên đạt 96%/năm. Công tác phát triển đảng viên mới đạt kết quả cao, trong nhiệm kỳ vừa qua, tính đến hết tháng 12-2019, toàn Ðảng bộ ÐHQGHN có 958 đảng viên mới được kết nạp, trong đó có 584 đảng viên là sinh viên, vượt 46% chỉ tiêu đại hội trước đề ra.

Cùng với công tác xây dựng Ðảng, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, các nghị quyết của Ðảng bộ ÐHQGHN gắn với hoạt động chuyên môn cũng được triển khai đạt kết quả tích cực. ÐHQGHN chú trọng quản trị đại học hiện đại, gắn với xây dựng mô hình đại học thông minh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường, góp phần đơn giản hóa, công khai hóa thủ tục hành chính. Trong đó, thư viện thông minh 4.0 được đầu tư phát triển, thu hút gần 7 triệu lượt người đọc (tăng 715% so với năm 2015) với 120 nghìn học liệu số; 28 nghìn luận án, luận văn điện tử; 52.378 sách điện tử, 4.118 tạp chí điện tử; 100 nghìn tên sách, 2.000 kết quả nghiên cứu… Cho đến nay, 100% các chương trình đào tạo của ÐHQGHN được xây dựng trên cơ sở xác định rõ mục tiêu và chuẩn đầu ra. Từ năm 2015 đến nay, cơ cấu ngành nghề đào tạo của ÐHQGHN được chuyển dịch theo thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng tính ứng dụng và khả năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong đó, tỷ lệ cơ cấu ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật chiếm 9% (năm 2015), tăng lên 18% (năm 2019). Ðặc biệt, lĩnh vực thế mạnh của ÐHQGHN về khoa học và công nghệ liên ngành, liên lĩnh vực cũng có sự chuyển dịch lớn từ 5% (năm 2015) lên 15% (năm 2019).

Hằng năm, ÐHQGHN đào tạo hơn 5.000 cử nhân, hàng nghìn thạc sĩ và hàng trăm tiến sĩ. Ngoài ra, ÐHQGHN đã tạo nguồn cho Ðảng, Nhà nước nhiều cán bộ nghiên cứu và tuyên truyền lý luận có trình độ đại học và sau đại học; đào tạo, bồi dưỡng tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp,... Các trường THPT chuyên trực thuộc tiếp tục khẳng định uy tín hàng đầu cả nước trong công tác đào tạo năng khiếu và phát hiện tài năng trẻ, với 50 giải thưởng trong các kỳ thi Ô-lim-pích và cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế. Tỷ lệ sinh viên sau một năm tốt nghiệp ra trường có việc làm năm 2015 là 70%, năm 2019 là 94%.

Cùng với đào tạo, tiềm lực khoa học và công nghệ của ÐHQGHN được quan tâm đầu tư phát triển. Tỷ lệ cán bộ khoa học trình độ cao tiếp cận tiêu chí của đại học nghiên cứu, với 73 giáo sư, 365 phó giáo sư, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhiều nhà khoa học đạt đến trình độ quốc tế. ÐHQGHN có gần 100 nhóm nghiên cứu cấp đơn vị và 30 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ÐHQGHN. Hệ thống phòng thí nghiệm được quy hoạch với tổng số 216 phòng thí nghiệm, trong đó, có 10 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ÐHQGHN, 10 phòng thí nghiệm hợp tác doanh nghiệp và 10 phòng thí nghiệm hợp tác quốc tế. ÐHQGHN đã thực hiện hàng chục công trình nghiên cứu cung cấp cơ sở và luận cứ khoa học tư vấn chính sách cho Ðảng, Nhà nước. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học của ÐHQGHN là thành viên, có đóng góp tích cực trong Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo,... Ðáng chú ý, các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã tích cực tham gia vào công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận của Ðảng, Nhà nước; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối, chính sách, bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Ðảng; xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2015 - 2019, toàn ÐHQGHN có 65 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích; 38 giải pháp khoa học và công nghệ. Trong 5 năm qua, các nhà khoa học của ÐHQGHN đã công bố 3.602 bài báo khoa học trong hệ thống ISI/SCOPUS, chiếm 10% tổng số bài báo ISI/SCOPUS của cả nước, trong đó một công trình về khoa học xã hội được đăng trên Tạp chí Nature, là tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.

Uy tín quốc tế của ÐHQGHN không ngừng tăng lên khi đang triển khai 28 chương trình liên kết đào tạo quốc tế; 14 chương trình đào tạo bán phần hoặc toàn phần bằng tiếng Anh. Giai đoạn 2015 - 2019, cử 3.498 cán bộ và 3.142 sinh viên đi trao đổi học thuật, nghiên cứu, giảng dạy, học tập và giao lưu tại nước ngoài; đồng thời thu hút được 2.569 chuyên gia, giảng viên đến nghiên cứu, giảng dạy; 6.441 sinh viên nước ngoài đến học tập. Theo xếp hạng THE (Times Higher Education), ba năm liên tục từ 2019 - 2021, ÐHQGHN luôn xếp vị trí số một Việt Nam và nằm trong nhóm 801-1.000 thế giới. Tại bảng xếp hạng dành cho các trường đại học có thời gian thành lập dưới 50 năm của Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds), ÐHQGHN ở vị trí trong nhóm 101-150 các trường đại học có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới…

Với những kết quả đạt được trong 5 năm vừa qua, Ðảng bộ ÐHQGHN xác định phương châm hành động những năm tới sẽ là "Ðổi mới sáng tạo - Trách nhiệm quốc gia - Phát triển bền vững" nhằm tiếp tục xây dựng đảng bộ gương mẫu, trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu và khả năng lãnh đạo, dẫn dắt cao, tạo bước phát triển quan trọng, từng bước đưa ÐHQGHN trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển con người và đất nước. Thực hiện có hiệu quả chủ trương của Ðảng, Nhà nước, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về nền giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực khu vực và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025 đứng vào nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á, nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới.

MẠNH XUÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/phan-dau-tro-thanh-dai-hoc-nghien-cuu-tien-tien-uy-tin-trong-nuoc-va-quoc-te-612655/