Phấn đấu năm 2030, ngành chăn nuôi xuất khẩu 15-30% sản phẩm chăn nuôi

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2008 - 2018, sản lượng thịt các loại tăng trên 1,5 lần, trứng tăng 2,3 lần, sữa tươi tăng 3,6 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần.

Sáng 2-11, Bộ NN-PTNT cho biết, sau 10 năm triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018, ngành chăn nuôi đã đạt được sự tăng trưởng khá cao và ổn định; tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 5-6%/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, thay thế nhập khẩu và bước đầu cho xuất khẩu một số sản phẩm như mật ong, lợn sữa, lợn thịt, trứng muối, trứng cút, thịt gà, các sản phẩm sữa và thức ăn chăn nuôi.

Trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi đã có 77 tiến bộ kỹ thuật được công nhận, trong đó có 4 dòng, giống lợn mới, 12 dòng gà, 6 dòng ngan, 6 dòng vịt mới, 2 tổ hợp lai đà điểu, 1 tổ hợp bò lai hướng thịt, 4 giống tằm đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất với quy mô lớn và có hiệu quả kinh tế cao. Góp phần rất quan trọng vào sự phát triển của ngành nông nghiệp và sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước, ngành chăn nuôi đã tạo sinh kế và nâng cao đời sống cho khoảng 6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2008 - 2018, sản lượng thịt các loại tăng trên 1,5 lần, trứng tăng 2,3 lần, sữa tươi tăng 3,6 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần. Tỷ trọng ngành chăn nuôi năm 2018 đạt 32%, thấp hơn so với mục tiêu của chiến lược đặt ra là 38%, khả năng khó đạt mục tiêu 42% vào năm 2020. Chiến lược đề ra đến năm 2020 là sản lượng thịt sản xuất khoảng 7,8 triệu tấn thịt hơi (5,5 triệu tấn thịt xẻ) sẽ khó đạt được như mục tiêu. Tuy nhiên, sản lượng trứng 13,8 tỷ quả và sản lượng sữa tươi 1 triệu tấn đến năm 2020 thì về cơ bản có thể đạt được.

Ngành chăn nuôi phải phát triển trang trại theo mô hình an toàn sinh học để đảm bảo cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập và hướng tới xuất khẩu

Ngành chăn nuôi phải phát triển trang trại theo mô hình an toàn sinh học để đảm bảo cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập và hướng tới xuất khẩu

Để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, ông Nguyễn Văn Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) xác định, bắt đầu từ năm 2020, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, với hàng rào thuế quan bằng 0%, nhiều sản phẩm chăn nuôi nước ngoài sẽ nhập khẩu vào thị trường trong nước. Trong bối cảnh này, thị trường chính là yếu tố quyết định. Do vậy, ngành chăn nuôi phải phát triển, để sản phẩm cạnh tranh ngay trên được thị trường trong nước. Chính phủ đưa ra chính sách kiến tạo, còn doanh nghiệp, hiệp hội tổ chức liên kết với nông dân để ngành chăn nuôi phát triển.

Đến 2020, ngành chăn nuôi cơ bản chuyển sang chăn nuôi trang trại, công nghiệp trên 45% về quy mô và trên 60% về sản lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu các sản phẩm chăn nuôi cho tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu; kiểm soát tốt dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường; phúc lợi động vật… Trước tiên là đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung nhằm nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm. Đến 2030, ngành chăn nuôi phải xuất khẩu được từ 15-30% các sản phẩm chăn nuôi.

THANH HẢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phan-dau-nam-2030-nganh-chan-nuoi-xuat-khau-1530-san-pham-chan-nuoi-626251.html