Phấn đấu đưa Khu di tích lịch sử Chi Lăng thành Di tích Quốc gia đặc biệt

Hội thảo sắp tới sẽ đề cập vấn đề xây dựng hồ sơ khoa học để trình Bộ VHTTDL xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu di tích lịch sử Chi Lăng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Ngày 10/4 tới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Bộ VHTTDL) phối hợp với UBND huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) tổ chức hội thảo Khu di tích lịch sử Chi Lăng, giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy.

Hội thảo nhằm đóng góp các tư liệu nghiên cứu để làm rõ giá trị lịch sử, vai trò của vùng đất Chi Lăng nói chung và Khu di tích lịch sử Chi Lăng nói riêng trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước qua nhiều thời kỳ lịch sử. Đặc biệt là việc xây dựng hồ sơ khoa học để trình Bộ VHTTDL xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu di tích lịch sử Chi Lăng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Ải Chi Lăng - một địa điểm trong khu di tích lịch sử Chi Lăng.

Ải Chi Lăng - một địa điểm trong khu di tích lịch sử Chi Lăng.

Trước đó, ngày 26/4/1962, Khu di tích chiến thắng Chi Lăng được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích quốc gia đợt đầu - khẳng định vị trí quan trọng của khu di tích trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Ngày 15/11/2012, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 1697/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử Chi Lăng tỷ lệ 1/2000, huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn.

Ngày 11/4/2018, tại quyết định số 652/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt Đề án "Xây dựng và phát triển khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035". Đề án đã xác định nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo đồng thời phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử Chi Lăng gắn với phát triển du lịch phải thực hiện đồng bộ".

Khu di tích Chi Lăng trải dài gần 20km dọc theo thung lũng sông Thương, bắt đầu từ địa phận Sông Hóa đến giáp xã Mai Sao (km 100 - km 115 quốc lộ 1A Hà Nội - Lạng Sơn), trải dài địa phận 05 xã, thị trấn nhưng các điểm di tích tập trung chủ yếu thuộc hai xã Chi Lăng và Quang Lang của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Khu di tích lịch sử Chi Lăng có giá trị vô cùng quan trọng trên mọi lĩnh vực: Quân sự, chính trị, văn hóa, lịch sử, đời sống và khoa học… chính vì vậy tỉnh Lạng Sơn luôn xác định công tác bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Chi Lăng là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và liên tục.

X.Hinh (T/H)

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/phan-dau-dua-khu-di-tich-lich-su-chi-lang-thanh-di-tich-quoc-gia-dac-biet-532422.html