Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do

Sáng 9-12, tại TP Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị giải pháp ổn định dân di cư tự do (DCTD) trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự hội nghị giải pháp ổn định dân di cư tự do. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự hội nghị giải pháp ổn định dân di cư tự do. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

Sáng 9-12, tại TP Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị giải pháp ổn định dân di cư tự do (DCTD) trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên.

Cùng dự, có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Trịnh Ðình Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các tập đoàn, tổng công ty nông, lâm nghiệp; lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành của 20 tỉnh, thành phố liên quan.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2005-2017, tổng số dân DCTD trên địa bàn cả nước là 66.738 hộ, trong đó vùng Tây Bắc 5.811 hộ, Tây Nguyên 58.846 hộ và Tây Nam Bộ 2.081 hộ. Ðể sắp xếp và ổn định số dân DCTD này, đến hết năm 2017, các tỉnh đã lập, phê duyệt 65 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTD với tổng nhu cầu vốn 3.951 tỷ đồng.

Ngoài ra, hằng năm ngân sách Trung ương cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân phải di chuyển theo quy hoạch với tổng kinh phí trung bình mỗi năm khoảng 120 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2017, tổng số hộ dân DCTD được hỗ trợ, bố trí sắp xếp theo quy hoạch và người dân tự ổn định 42.500 hộ, số còn chưa được bố trí, sắp xếp ổn định vào các dự án, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên với khoảng 22 nghìn hộ...

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các tỉnh đã nỗ lực sắp xếp, ổn định dân DCTD trong thời gian qua; cho rằng, dân DCTD là vấn đề lớn không chỉ riêng của Việt Nam mà cả thế giới phải đối mặt. Ngay từ năm 2004, Chính phủ đã có Chỉ thị về chủ trương, giải pháp giải quyết tình trạng dân DCTD và từ đó đến nay, Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách để sắp xếp ổn định dân DCTD. Nhờ đó, đến nay, vấn đề dân DCTD đã được giải quyết cơ bản, số hộ DCTD hằng năm giảm mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ, thời gian qua, dân DCTD đã gây nhiều hệ lụy đối với các tỉnh nơi đi và nơi đến, nhất là gia tăng tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép làm nương rẫy; phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp như việc mua bán, sang nhượng, tranh chấp đất đai gia tăng; gia tăng tình trạng khiếu nại, khiếu kiện và gây mất an ninh trật tự tại nhiều địa phương... Nếu các tỉnh tiếp tục bị động, không có biện pháp xử lý hiệu quả thì tình hình sẽ tiếp tục phức tạp hơn. Vì vậy, các tỉnh phải tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp thiết thực để ngăn chặn việc di dân này.

Thủ tướng cho rằng, công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường tại Tây Nguyên còn lỏng lẻo, yếu kém, gây thất thoát, lãng phí lớn tài nguyên rừng và đất. Diện tích đất rừng ngày càng bị thu hẹp do các nông, lâm trường cho thuê khoán, phát canh thu tô, bị người dân lấn chiếm; việc cho thuê, mượn đất của các nông, lâm trường chưa đúng quy định; công tác giải quyết tranh chấp đất đai chưa hiệu quả, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn...

Về mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo, các tỉnh miền núi phía bắc tiếp tục chăm lo nâng cao đời sống nhân dân, không để người dân DCTD vào Tây Nguyên. Ðối với các tỉnh dân DCTD đã đến, phải tập trung mọi nguồn lực để sắp xếp, ổn định, giải quyết đất ở, đất sản xuất, tăng cường quản lý dân cư, không để người dân tiếp tục phá rừng, lấn chiếm đất đai. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành xem xét hỗ trợ kinh phí cho các địa phương hoàn thiện các dự án sắp xếp, ổn định dân DCTD còn dang dở. Các hộ dân DTCD đã được sắp xếp ổn định phải có mức sống ngang bằng với mức sống của người dân địa phương. Ðến năm 2025, cơ bản không còn dân DCTD và hoàn thành việc sắp xếp dân DCTD đã đến vào vùng quy hoạch để cuộc sống người dân tốt hơn. Các bộ, ngành phối hợp các tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường tại Tây Nguyên, không để tình trạng đất đai vô chủ, triệt tiêu tình trạng tranh giành đất đai, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng để giữ mầu xanh cho Tây Nguyên. Các tỉnh cần tập trung giải quyết đất đai cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất ở, đất sản xuất để người dân ổn định cuộc sống.

Thủ tướng giao các bộ, ngành hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý, giao khoán, bảo vệ rừng, chính sách về đất đai, đồng thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến các cấp, các ngành và mọi người dân chấp hành tốt chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Về sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp, các địa phương phối hợp các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị; chấm dứt tình trạng phát canh thu tô như lâu nay, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tranh chấp đất đai, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhất là khu vực biên giới. Ðề cao trách nhiệm của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và các đơn vị, chịu trách nhiệm trước Ðảng, Nhà nước khi để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất đai và các điểm nóng gây mất an ninh trật tự. Tăng cường thanh tra diện tích đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong quản lý, sử dụng đất...

Thủ tướng cho biết, ngay sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về bố trí ổn định dân DCTD trong cả nước và đề nghị các bộ, ngành Trung ương và địa phương khẩn trương thực hiện nhằm sớm ổn định dân DCTD.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38521402-phan-dau-den-nam-2025-co-ban-khong-con-tinh-trang-dan-di-cu-tu-do.html