Phấn đấu đến cuối tháng 6 thông xe đoạn tuyến cao tốc Tam Kỳ - Quảng Ngãi

Ngày 24-2, Chủ tịch HÐTV Tổng công ty Ðầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Mai Tuấn Anh - đơn vị đại diện chủ đầu tư dự án cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết, ngay sau Tết, VEC đã yêu cầu các đơn vị quản lý, thi công tăng cường kiểm soát tiến độ, chất lượng các gói thầu tại dự án.

Phấn đấu đến ngày 30-6 tới, sẽ thông xe đoạn tuyến cao tốc Tam Kỳ - Quảng Ngãi do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ để kết nối toàn tuyến cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, trên công trường dự án, các nhà thầu đã huy động đông đảo nhân lực, phương tiện dồn sức cho thi công. Hiện, khối lượng thi công dự án còn khá nhiều, trong khi mục tiêu thông xe chính tuyến còn vài tháng là áp lực rất lớn, đòi hỏi toàn dự án phải bứt phá rõ nét. Các đơn vị cần bảo đảm quân số quản lý, điều hành, mục tiêu cao nhất là tổ chức lại các mũi thi công, tập kết vật liệu, huy động nhân lực, vật lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ.

* Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các nhà thầu thi công dự án đường cao tốc La Sơn - Túy Loan (nhánh đông đường Hồ Chí Minh) đã tổ chức khai Xuân, trở lại nhịp độ thi công trên công trường. Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh Lâm Văn Hoàng cho biết, đây là tuyến cao tốc xây mới qua vùng địa hình miền núi đặc biệt khó khăn, liên tục gặp bất lợi về thời tiết, vấn đề kỹ thuật phát sinh, vướng mắc về giải phóng mặt bằng,... Tuy nhiên, các đơn vị tham gia dự án đã nỗ lực vượt khó, thực hiện hàng loạt giải pháp trọng tâm như tập kết vật liệu, trang thiết bị, dây chuyền thảm, kiểm soát khối lượng hằng ngày, hằng tuần trên công trường,… Các đơn vị đặt mục tiêu đến cuối năm 2018 dự án thông xe toàn tuyến để chính thức hoàn thiện, đưa vào khai thác vào đầu năm 2019. Hiện, tiến độ toàn tuyến đạt hơn 55%, cơ bản hoàn thiện, thông tuyến nền đường, cầu cống giai đoạn 1, đang vào cao điểm triển khai giai đoạn 2, thảm cấp phối đá dăm, tập kết vật liệu, thảm bê-tông nhựa mặt đường đại trà. Nhiều "đường găng kỹ thuật" đã được tập trung xử lý, hoàn thiện như công tác nền đường, cầu cống, các vị trí bền vững hóa,...

* Ngày 24-2, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, trong những ngày đầu Xuân mới, tại Cảng Gò Dầu (Ðồng Nai), TKV đã xuất 22 nghìn tấn a-lu-min cho tàu Rattana Naree (quốc tịch Thái-lan), xuất khẩu sang thị trường Ấn Ðộ cho khách hàng Marubeni. Công ty cổ phần than miền Nam đã tổ chức bốc xếp 22 nghìn tấn a-lu-min xuống tàu an toàn và tàu đã rời cảng theo thời gian đã định. Trong thời gian tới, Công ty cổ phần than miền Nam sẽ làm việc với Cảng Ðồng Nai, triển khai nạo vét luồng để tiếp nhận các tàu lớn hơn, giúp việc xuất khẩu a-lu-min chuyên nghiệp, thuận lợi hơn. Công ty đã thỏa thuận với Cảng Ðồng Nai trong năm nay đầu tư thêm một cầu cảng, đủ năng lực tiếp nhận tàu 30 nghìn tấn phục vụ sản lượng tăng thêm của hai nhà máy a-lu-min, nhằm phục vụ tốt hơn xuất khẩu a-lu-min và phát triển dịch vụ logistics cảng biển cho cả khu vực công nghiệp Ðồng Nai.

* Chủ tịch HÐTV Tập đoàn TKV Lê Minh Chuẩn vừa dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình sản xuất tại Công ty cổ phần Than Vàng Danh. Với khí thế mới, tỷ lệ công nhân đi làm ngay trong ngày làm việc đầu Xuân đạt 94%. Do làm tốt công tác chuẩn bị, hệ thống dây chuyền thiết bị vận tải sàng tuyển toàn công ty hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Sản lượng than khai thác trong ngày ra quân đạt gần 10 nghìn tấn, cao hơn mức bình quân 1.000 tấn; đào mới 95,4 m lò. Từ năm 2017, công ty đã áp dụng hai công nghệ khai thác lò chợ gồm công nghệ chống giữ bằng giàn mềm ZRY và cơ giới hóa đồng bộ. Kết quả, lò chợ cơ giới hóa đạt sản lượng bình quân hơn 1.000 tấn than/ngày, có ngày đạt 1.500 tấn; lò chợ ZRY đạt sản lượng 300 tấn/ngày.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/35636302-phan-dau-den-cuoi-thang-6-thong-xe-doan-tuyen-cao-toc-tam-ky-quang-ngai.html