Phấn đấu đến 2020 tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo thông lệ quốc tế

Phó Thủ tướng đề nghị đưa tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng về mức an toàn theo thông lệ quốc tế.

“Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp tích cực với các Bộ, ngành, địa phương liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và Quyết định 1058, kịp thời phát hiện và chủ động thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, không để quá trình này chậm lại”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội, về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058 ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, diễn ra sáng nay (28/8) tại Hà Nội. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu trong cả nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Tính đến ngày 30/6/2018, hệ thống Tổ chức tín dụng đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng chiếm 50,78%, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 21,59 nghìn tỷ đồng chiếm 15,61% và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được hạch toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng chiếm 33,59%.

Tuy nhiên qua thảo luận, một số đại biểu cho rằng, nhiều bất cập cũng đã xuất hiện khi triển khai Nghị quyết 42 như việc thực hiện nội dung liên quan đến hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42; vấn đề liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nghĩa vụ nộp thuế có ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục sang tên cho người mua; việc đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu; vấn đề xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản còn dở dang…

Bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An kiến nghị với Chính phủ, đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Thi hành án dân sự theo hướng người được tạm giao bảo quản tài sản kê biên là bên thứ 3 độc lập, không như Luật hiện nay quy định là tạm giao cho người bị thi hành bảo quản tài sản kê biên khi họ không phối hợp sẽ rất khó trong công tác xử lý.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương và hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý và kiểm soát nợ xấu để đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng về mức an toàn theo thông lệ quốc tế.

Đồng thời, phấn đấu từ nay đến năm 2020, hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058; riêng năm 2018, phấn đấu hoàn thành 30% mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020.

“Đương nhiên chúng ta sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát. Đề nghị các Tổ chức tín dụng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp đạo đức thực hiện nghiêm các Đề án đã được Thống đốc NHNN phê duyệt, hoặc rà soát bổ sung để hoàn thiện các Đề án này. Chúng ta phải phấn đấu nâng cao tỷ trọng doanh thu các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng, cùng với đó là tính toán để xử lý rất đúng đắn mối quan hệ giữa số lượng, quy mô tín dụng đối với nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước chủ động phối hợp với các Bộ, ngành địa phương liên quan xác định những giải pháp then chốt, hiệu quả, đúng pháp luật để xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra những rủi ro phát sinh trong quá trình cơ cấu lại, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cả ngân hàng, người đi vay và người gửi tiền./.

Văn Hiếu/VOV1

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/phan-dau-den-2020-ty-le-no-xau-ve-muc-an-toan-theo-thong-le-quoc-te-805806.vov