Phấn đấu có ít nhất 300 km cao tốc cho ĐBSCL

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Thị Yến Linh (tỉnh Cà Mau) về đầu tư các tuyến đường cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đến năm 2025, ĐBSCL sẽ có ít nhất 300 km đường cao tốc.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trả lời hàng loạt câu hỏi của các đại biểu liên quan đến lĩnh vực giao thông. Ảnh: VGP/ Đoàn Bắc.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trả lời hàng loạt câu hỏi của các đại biểu liên quan đến lĩnh vực giao thông. Ảnh: VGP/ Đoàn Bắc.

Sáng 10/11, Quốc hội bước sang ngày cuối cùng của phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trả lời hàng loạt câu hỏi của các đại biểu liên quan đến lĩnh vực giao thông, hàng không.

“Nếu hoàn thành đúng kế hoạch của Chính phủ thì đến năm 2025 chúng ta có thể có 400 km đường cao tốc. Tuy nhiên vẫn còn rủi ro, vì thế xin báo cáo Quốc hội là từ nay đến năm 2025 sẽ có ít nhất 300 km đường cao tốc. Cùng với đường cao tốc, 4 trục dọc và 4 trục ngang sẽ giúp giao thông vùng ĐBSCL được cải thiện”, Bộ trưởng cho biết.

Trả lời rõ hơn về con số này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, khu vực ĐBSCL hiện nay có 40 km đường cao tốc đoạn TPHCM - Trung Lương, cuối năm nay sẽ thông xe tuyến Trung Lương-Mỹ Thuận (dài 54 km). Theo kế hoạch của nhà đầu tư, năm 2021 sẽ thảm nhựa để đưa toàn bộ 54 km này vào sử dụng và có 7 km đường kết nối vào cầu Mỹ Thuận 2.

Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai cả 4 gói thầu và theo kế hoạch đến năm 2023 chúng ta sẽ xây dựng xong cầu Mỹ Thuận 2. Đối với 23 km từ cầu Mỹ Thuận đến Cần Thơ, trong tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát lệnh khởi công cả 3 gói thầu.

Phần còn lại, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu và Quốc hội cũng đã thảo luận, sẽ thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào năm 2025. Như vậy đoạn từ TP. Cần Thơ đến TP. Cà Mau dài khoảng 170 km sẽ là ưu tiên số 1 trong nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Ngoài ra còn đoạn cao tốc từ cầu Cao Lãnh ra An Hữu dài 30 km, khi làm xong thì từ TPHCM đi Kiên Giang sẽ có nhánh thứ 2 đi cao tốc.

Ngoài các tuyến cao tốc, Bộ GTVT cũng đang tập trung 4 trục dọc phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL gồm đường Hồ Chí Minh qua Đồng Tháp Mười, QL1 được nâng cấp, tuyến cao tốc TPHCM - Cà Mau và QL60, khởi công cầu Rạch Miễu 2. Bên cạnh đó, phát triển 4 trục ngang là QL62, cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư

Trả lời đại biểu Nguyễn Quốc Hận (tỉnh Cà Mau) về thu phí tuyến TPHCM - Trung Lương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, căn cứ các quy định của pháp luật, năm 2019, sau khi kết thúc hợp đồng thu phí, cao tốc TPHCM - Trung Lương đã dừng thu phí.

Tuy nhiên, sau khi dừng thu phí, giao thông tuyến đường này nảy sinh nhiều bất cập, xe hai bánh cũng đi vào. Ngành GTVT đã phối hợp với công an tăng cường tuần tra kiểm soát, tuy nhiên với thực trạng giao thông hỗn loạn này, việc đảm bảo tiêu chuẩn đường cao tốc rất khó khăn.

Bộ GTVT và Bộ Tài chính đang nghiên cứu thu phí trở lại, thời gian tới, nội dung này sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết thêm, hiện Chính phủ đang trình Quốc hội dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, một trong các điểm mới là sẽ thu phí các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Đây là các tuyến đường làm song hành với quốc lộ. Do vốn đầu tư, bảo trì rất lớn, trong điều kiện ngân sách khó khăn, việc thu phí để tiếp tục có nguồn đầu tư, sửa chữa là rất cần thiết.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) về xã hội hóa các cảng hàng không, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định chủ trương này đang được thực hiện.

“Những sân bay mới như Vân Đồn, Lào Cai, chúng tôi kêu gọi xã hội hóa toàn bộ, các doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng toàn bộ sân bay từ đường băng đến nhà ga... Việc này không hạn chế và Chính phủ đang khuyến khích”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Tiếp tục xử lý tồn tại của các trạm BOT

Trả lời câu hỏi của đại biểu về hoạt động thu phí BOT của Tập đoàn Đèo Cả trên QL1 và QL26, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Việc đặt trạm BOT Đèo Cả phù hợp với quy định vì các dự án này có hầm, có đường, thực hiện đúng quy định xây dựng ở đâu thì đặt trạm ở đó.

Theo thông tư của Bộ Tài chính quy định khoảng cách giữa các trạm BOT là 60 km, trong trường hợp đặc biệt thì có ý kiến của các địa phương. Các trạm BOT trên QL1, QL26 và tất cả các quốc lộ mà Bộ GTVT đang quản lý đều có ý kiến của UBND cấp tỉnh, trong một số trường hợp, Bộ GTVT còn xin ý kiến của HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Do đó, việc đặt trạm BOT trên QL26 phù hợp với quy định của pháp luật.

Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận các trạm BOT hiện nay có một số bức xúc. Trong thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là giảm chi phí cho các phương tiện xung quanh trạm BOT, giảm chi phí xã hội đến mức thấp nhất.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/phan-dau-co-it-nhat-300-km-cao-toc-cho-dbscl/413588.vgp