Phân chia tài sản khi ly hôn: Đừng làm tổn thương nhau

Phân chia tài sản luôn là một trong những vấn đề quan trọng cần được giải quyết trước khi quyết định ly hôn. Nếu các bên có thể tự thỏa thuận được với nhau để giải quyết vấn đề này thì sẽ dễ dàng và thuận tiện. Tuy nhiên trên thực tế, đa phần trong các vụ việc ly hôn giữa các bên không thể thỏa thuận được với nhau.

Thành viên Trung tâm hòa giải Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa hòa giải cho một cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn. Ảnh: Tố Tâm

Thành viên Trung tâm hòa giải Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa hòa giải cho một cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn. Ảnh: Tố Tâm

* Dùng dằng tài sản chung - riêng

Chị T.L. (ngụ xã Tam An, huyện Long Thành) đến gặp luật sư trong chương trình tư vấn pháp luật miễn phí của Báo Đồng Nai trong tâm trạng âu lo về chuyện chia tài sản nếu vợ chồng ly hôn. Theo lời kể của chị L., năm 2001, chị lấy anh S. khi trong tay không có chút tài sản nào giá trị. Vợ chồng nghèo làm đủ nghề, tích góp 3 năm họ mới mua được căn nhà nhỏ.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (thuộc Hội Luật gia tỉnh) cho biết, khi ly hôn, nếu các đương sự không thể tự thỏa thuận chia tài sản thì có thể đề nghị tòa án giải quyết theo quy định. Mặt khác, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định rõ về sự đóng góp của các bên. Do đó khi phân chia tài sản, vợ chồng nên tôn trọng sự đóng góp của nhau, đừng làm tổn thương nhau...

Năm 2013, một người bạn rủ anh S. đi TP.Hồ Chí Minh làm môi giới bất động sản. Nhờ “mát tay” kinh doanh, mấy năm tích lũy anh S. đã mua được 1 căn hộ chung cư ở quận 9 (TP.Hồ Chí Minh) và 1 căn nhà cấp 4 ở TX.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng. Sau một thời gian, 2 người xảy ra mâu thuẫn nên anh S. đòi ly hôn. Căn nhà ở xã Tam An vốn là tài sản chung, anh S. muốn chia đôi. Tuy nhiên, 2 căn nhà còn lại thì người chồng không chịu vì cho rằng đó là “cơ nghiệp” do mình tạo dựng.

Một trường hợp khác là chị T.N. (ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa) cũng rơi vào tình cảnh khó xử vì phân chia tài sản khi ly hôn. Chị N. kể, năm 2013, chị lập gia đình với anh Q.B. Thương con gái sống trong cảnh ở nhà thuê, cha chị N. nói vợ chồng chị về ở chung, được 4 năm thì ông qua đời. Chuyện tình cảm vợ chồng chị cũng không suôn sẻ vì anh B. lao vào cờ bạc.

Khuyên can và nhiều lần trả nợ thay cho chồng, nhưng không giải quyết được vấn đề, cuối cùng chị N. đi đến quyết định ly hôn. Anh B. thỏa thuận sẽ ký giấy ly hôn nếu chị N. đồng ý chia cho anh một nửa giá trị căn nhà đang ở. Chị N. không bằng lòng vì cho rằng đây là tài sản do cha chị để lại. Hai người nhiều lần cãi vã, anh B. quyết không ra khỏi nhà khiến chị N. bức xúc.

Ngoài ra, còn có trường hợp tranh chấp tài sản là quà mừng cưới. Cụ thể như vợ chồng anh L.T. và chị T.T. (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) quyết định “đường ai nấy đi” sau thời gian chung sống ngắn ngủi. Điều đáng nói, anh T. và gia đình nhà chồng đòi chị T. phải trả lại hết tài sản là quà mừng cưới mà họ đã cho chị trước đó.

* Phân chia tài sản theo pháp luật

Khi còn chung sống với nhau, mọi tài sản đều là “của chồng công vợ”, nhưng khi ly hôn thì các bên đưa ra đủ lý do để giành phần của mình. Với từng trường hợp cụ thể, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (thuộc Hội Luật gia tỉnh) đã tư vấn, hướng dẫn cách giải quyết để những người trong cuộc hiểu và nhận ra vấn đề mà họ đang gặp vướng mắc.

Chẳng hạn như trường hợp chị T.L., theo luật sư Định, 2 căn nhà ở TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương dù chồng chị mua và đứng tên, nhưng theo Khoản 1, Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vẫn được coi tài sản chung của vợ chồng. Bởi lẽ 2 căn nhà này được tạo lập trong quá trình hôn nhân. Do đó theo quy định, chị vẫn được chia khối tài sản này, nếu như hai người không tự thỏa thuận được.

Hay trường hợp chị T.T. bị đòi quà cưới, theo Khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trong ngày cưới, cha mẹ chồng cho con dâu vàng, trang sức mà không nói rõ là cho hai vợ chồng thì đó là tài sản riêng của người vợ. Nếu trường hợp cho chung hai vợ chồng thì hai bên tự thỏa thuận trong phân chia hoặc có thể nhờ tòa án phân chia tài sản theo quy định của pháp luật.

Luật sư Định cho rằng, với trường hợp anh N.Q.B. đòi chia đôi căn nhà của cha chị V.T.N. là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, đây là tài sản thuộc về những người trong gia đình chị N. nên anh B. không có quyền đòi chia tài sản không thuộc về mình.

An Nhiên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201910/phan-chia-tai-san-khi-ly-hon-dung-lam-ton-thuong-nhau-2968579/