Phấn chấn trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ

Dịp 30/4 - 1/5/2018, công chức, người lao động được nghỉ 4 ngày liên tiếp, từ 28/4 đến hết ngày 1/5. Đây là khoảng thời gian nghỉ đủ dài để công chức, người lao động, nhất là CNLĐ ngoại tỉnh trong các KCN&CX Hà Nội có dịp về quê gặp gỡ gia đình sau một thời gian xa cách hoặc tổ chức đi chơi, du lịch, nghỉ ngơi giúp tái tạo sức khỏe, năng lượng, tinh thần sau thời gian làm việc căng thẳng, mệt mỏi.

Dịp sum vầy

Khởi hành bằng xe khách đường dài từ lúc 16 giờ, đến 18 giờ chiều, vợ chồng anh Minh, chị Ánh (quê Ninh Bình, công nhân trong KCN Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai) và hai con nhỏ đã có mặt ở căn phòng trọ thuộc phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai.

Trong lúc anh Minh tranh thủ dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc và giục các con tắm rửa thì chị Ánh nhanh chân đi chợ, mua đồ thắp hương và chuẩn bị bữa tối. “Mai vẫn còn là ngày nghỉ, nhưng chúng tôi lên sớm để thắp hương ngày rằm. Bởi vì dù là ở trọ nhưng có thờ có thiêng, có kiêng có lành, ngày rằm mùng một chúng tôi đều có nén nhang, chút hoa quả thành tâm khấn xin thần linh thổ địa phù hộ cho gia đình được mạnh khỏe, bình an, công việc làm ăn thuận lợi. Hơn nữa ra trước một ngày cho đỡ đông, chứ mọi năm đến hết ngày nghỉ mới ra, chúng tôi luôn phải chịu cảnh kẹt xe, tắc đường”- chị Ánh giải thích.

Không ít công chức, người lao động quyết định về quê thăm gia đình nhân dịp kỳ nghỉ lễ 30/4- 1/5. Ảnh minh họa.

Không ít công chức, người lao động quyết định về quê thăm gia đình nhân dịp kỳ nghỉ lễ 30/4- 1/5. Ảnh minh họa.

Cũng theo chị Ánh, dù vợ chồng con cái đều đã sinh sống, làm việc, học tập hết ở Hà Nội nhưng ở quê vẫn còn ông bà nội già yếu, nên vào dịp cuối tuần và các ngày nghỉ, thay vì đi chơi đâu đó, gia đình anh chị lại tranh thủ về quê thăm ông bà.

“Để hai ông bà tuổi cao, sức yếu ở quê chăm sóc lẫn nhau, chúng tôi thật sự không an tâm. Nhưng cuộc sống ở thành phố đắt đỏ, thu nhập công nhân hạn hẹp, nhà cửa thì phải thuê mướn, chật chội, tạm bợ, nên chúng tôi cũng chỉ có thể cố gắng xoay sở tự nuôi con, không gửi các con về quê cho ông bà nuôi giúp như nhiều cặp vợ chồng công nhân khác chứ không thể đón ông bà ra ở cùng”- anh Minh trầm giọng nói. “Có 3 ngày nghỉ để gia đình quây quần, ông bà bố mẹ con cái vui vầy với nhau, ăn cùng nhau bữa cơm, biết tình hình sức khỏe ông bà ra sao, có vấn đề gì cần chăm lo, giải quyết không, thế là chúng tôi yên tâm để những ngày tiếp theo tập trung cho công việc rồi”- chị Ánh tiếp lời.

Cũng giống như gia đình chị Ánh, dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5 này, thay vì cùng bạn bè du lịch, vui chơi, Nguyễn Thị Thùy, công nhân trong khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh quyết định về quê Nghệ An thăm gia đình.

Thùy kể, khi gọi điện ra thăm con, mẹ cô dặn dò cô tranh thủ mấy ngày nghỉ thì đi chơi đâu đó cho vui, hoặc nghỉ ngơi ở khu trọ cho đỡ mệt, không phải về quê vì đi lại tàu xe ngày lễ đông đúc, vất vả, tốn kém, vả lại Thùy cũng mới về quê dịp Tết. Tuy nhiên, Thùy bộc bạch: “ Em biết mẹ lo cho em nên mới nói vậy chứ thật lòng mẹ nhớ và mong em lắm. Nhà chỉ có một cô con gái lại đi làm ăn xa biền biện quanh năm. Hết kỳ nghỉ Tết vừa rồi, hôm tiễn em ra ga trở lại Hà Nội làm việc, thấy mẹ nén thở dài, quay đi lau trộm nước mắt. Thế nên, đợt này em quyết định về thăm mẹ. Có mấy ngày ở bên mẹ, nấu giúp mẹ bữa cơm, giúp mẹ quét dọn, làm việc nhà và đặc biệt là biếu mẹ được một chút tiền là số tiền thưởng 30/4, 1/5 của Công ty, em thấy rất vui, lòng nhẹ bớt đi được nỗi day dứt, thương mẹ của đứa con quanh năm xa quê”.

Tận hưởng cơ hội nghỉ ngơi

Trong kỳ nghỉ dài lần này, Nguyễn Thị Mai, công nhân KCN Thạch Thất, Quốc Oai dành thời gian ở nhà nghỉ ngơi cùng bố mẹ. Mai chia sẻ: “Em là người địa phương, sống cùng gia đình ở ngay gần khu công nghiệp, nhưng thường ngày bận rộn đi làm, nên ít có thời gian trò chuyện, làm việc vặt trong nhà cùng bố mẹ. Vì vậy, những ngày nghỉ này là thời gian quý báu để em nghỉ ngơi với gia đình và “sạc pin”, lấy lại sức sau quãng thời gian làm việc vất vả. Em nghĩ chỉ cần được nghỉ ngơi như vậy là đầu ócđã rất thoải mái rồi, chẳng cần phải đi đâu xa”.

Mai nói thêm: “Bạn bè cũng rủ em đi du lịch để mở mang đầu óc, nhưng những ngày nghỉ này hầu hết các điểm vui chơi, du lịch đều đông, giá cả dịch vụ đắt đỏ, mà em lại không thích cảnh ồn ào, đông đúc . Hơn nữa, thu nhập của công nhân chẳng đáng là bao, tiền thưởng không nhiều, nên nếu có dư chút ít thì em cũng phải dành dụm để đỡ đần bố mẹ và lo cho cuộc sống bản thân chứ đi du lịch là chuyện có vẻ “xa xỉ” với em cũng như nhiều công nhân”.

Nhiều gia đình công nhân lại lựa chọn quây quần bên nhau ngay tại phòng trọ trong kỳ nghỉ. Ảnh minh họa.

Cùng có suy nghĩ như Mai, dịp lễ này, gia đình anh Nguyễn Văn Vượng, ở Đông Anh, Hà Nội không đi du lịch xa mà chọn cách quây quần bên nhau ngay tại Hà Nội. Anh Vượng cho biết, hai vợ chồng anh đều là công nhân trong KCN Bắc Thăng Long. Lương công nhân, nuôi hai đứa con ăn học cùng với nhiều chi phí khác cho cuộc sống nên kinh tế gia đình cũng không dư dả, việc tổ chức đi du lịch hiện tại vẫn là chuyện xa với với gia đình anh.

“Chúng tôi cũng không muốn đưa các con đi xa vào dịp này vì rất sợ cảnh tàu xe chen chúc, nguy cơ tai nạn giao thông, con cái mệt mỏi khi đi đường. Vì vậy trong mấy ngày nghỉ, thay vì đi du lịch xa, gia đình chúng tôi đã tổ chức những bữa ăn tươi để quây quần bên nhau và dành một ngày nghỉ đưa con vào Thành phố, cho con đi công viên, vào siêu thị, khu vui chơi, mua cho các con ít đồ chơi mà con thích. Các con tôi vui lắm và cả nhà cũng đã có một kỳ nghỉ rất vui.Dù sao đây là cũng dịp để gia đình bên nhau trọn vẹn mà không phải nghĩ ngợi đến công việc, nên nó đã mang lại cho tôi cũng như gia đình một sự thoải mái, phấn chấn để sau đó tiếp tục làm việc, lao động sản xuất” - anh Vượng cho cho biết.

Phấn chấn trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ

“Nghỉ lễ dài ngày là cơ hội kết hợp đi du lịch với thăm thân” là kế hoạch của anh Nguyễn Văn Tùng (công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội). “Vì đặc thù công việc lĩnh vực ngành xây dựng, luôn phải sống xa gia đình nên chúng tôi luôn tận dụng thời gian nghỉ dài ngày để đưa gia đình về thăm nội ngoại, kết hợp cùng du lịch. Từ Hà Nội về Thanh Hóa quê tôi khoảng 150km, phù hợp với việc đi lại và sức khỏe của vợ con. Quê tôi cũng có nhiều điểm du lịch nổi tiếng, là những địa điểm lý tưởng và thú vị để lựa chọn cho một chuyến đi của gia đình. Sau một thời gian làm việc về quê để thả lỏng cơ thể thưởng thức không khí trong lành, kể cho con nghe về tuổi thơ của mình cũng như hướng tuổi thơ của con gần thiên nhiên hơn là điều bổ ích nhất, sau đó, cả gia đình chúng tôi đều cảm thấy phấn chấn và tràn đầy năng lượng khi trở lại làm việc, học tập”- anh Tùng nói.

Và cũng có nhiều nhóm công nhân tranh thủ kỳ nghỉ dài để đi du lịch, vui chơi, tái tạo năng lượng cho những ngày làm việc sắp tới. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Đức Nhân- Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội, KCN Quang Minh cho biết, trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay, công nhân công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội nói riêng và công nhân trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội nói chung được nghỉ kỳ nghỉ dài 4 ngày (tại công ty ASTI, công nhân, người lao động nghỉ từ 29/4 đến 2/5). Các công nhân sử dụng kỳ nghỉ cho những mục đích đa dạng khác nhau. Không ít công nhân tranh thủ kỳ nghỉ để về quê thăm gia đình và cũng có những công nhân lựa chọn đi du lịch, vui chơi. Một bộ phận công nhân khác lại nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động ngay tại khu trọ và cũng có một bộ phận công nhân tranh thủ ngày nghỉ để làm thêm, kiếm tiền tăng thu nhập.

“Dù đi chơi, du lịch, về quê thăm gia đình hay ở lại ngay phòng trọ thì tôi tin rằng những ngày nghỉ lễ dịp 30/4-1/5 năm nay vẫn là những ngày nghỉ lễ thật sự ý nghĩa, vui vẻ với CNLĐ. Những hoạt động dã ngoại, vui chơi, giải trí, thăm thân hoặc những phút giây gia đình quây quần vui vẻ đầm ấm trong kỳ nghỉ lần này sẽ tiếp thêm động lực, nguồn năng lượng cho người lao động thêm hào hứng, phấn chấn để khi trở lại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thi đua lao động, sản xuất, công tác hăng say hơn” – ông Nguyễn Đức Nhân nhận định.

Ngọc Tú

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phan-chan-tro-lai-lam-viec-sau-ky-nghi-le-72697.html