Phân cấp, phân quyền trong đầu tư công đã rõ, nhưng nhiều địa phương vẫn né tránh, đùn đẩy

Chiều 27/7, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về tài chính quốc gia; vay, trả nợ công; đầu tư công trung hạn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tại hội trường nhiều đại biểu kiến nghị cần kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả; cần xóa bỏ cơ chế "xin cho", tham nhũng, lợi ích nhóm và các hạn chế, bất cập; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; linh hoạt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đánh giá, Luật Đầu tư công đã sửa đổi theo hướng đổi mới, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Bên cạnh các địa phương thực hiện nghiêm túc thì một số địa phương chưa thực hiện đúng quy trình, chưa tuân thủ thứ tự ưu tiên.

Đại biểu này lấy ví dụ, vào tháng 2 năm 2020 một số dự án thuộc diện được phân bổ nguồn lực dự phòng vì xuất phát từ tính cấp bách.

Nhưng cũng chính các dự án đó, chỉ sau 6 tháng khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn thì đã không còn là cấp bách.

"Điều này cho thấy nhiều khi việc xây dựng danh mục dự án không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà xuất phát từ ý muốn chủ quan" - đại biểu cho ý kiến.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chấn chỉnh đối với một số địa phương, nhưng có những vấn đề vẫn cần được hết sức lưu tâm. "Bởi vì có lẽ vốn đầu tư công phải cần được hiểu là từ thuế của nhân dân, kể cả đi vay thì người trả cũng là nhân dân. Đây không phải là sở hữu của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, trong quá trình phân bổ nguồn lực, có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn tự cho mình quyền ban phát. Và câu chuyện về cơ chế "xin cho" không biết khi nào kết thúc" - đại biểu nhấn mạnh.

Từ đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị cần đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức, thực hiện phân bổ vốn đầu tư công. Cùng với việc động viên những địa phương thực hiện tốt thì cũng cần xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ.

Đại biểu Quốc hội Tp Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống pháp luật về kinh tế. "Trong trường hợp thực sự có những hạn chế thì cần đề xuất phương án kịp thời sửa đổi; trong trường hợp những hạn chế là do tổ chức thực hiện thì cũng cân nhắc để đánh giá, tránh gây ra những nghi ngại đối với hệ thống pháp luật" - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh. Quốc hội là cơ quan lập pháp cũng cần kịp thời rà soát, điều chỉnh.

Trong trường hợp Chính phủ đề xuất sửa đổi, Quốc hội cần kịp thời đưa vào chương trình, phối hợp để hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, tạo thuận lợi cho Chính phủ trong quá trình thực hiện.

Tại hội trường, nhiều đại biểu đề nghị cần kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả; linh hoạt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh việc thực hiện và giải ngân dự án…

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận việc phân cấp, phân quyền trong giải ngân vốn đầu tư công hiện nay chưa gắn với trách nhiệm giải trình kết quả thực hiện.

“Chủ trương thì phải phân cấp mạnh, thế nhưng phân cấp rõ ràng rồi, luật rất rõ rồi nhưng nhiều địa phương vẫn né tránh, đùn đẩy và liên tục hỏi lại Trung ương để hướng dẫn lại những vấn đề đã rõ, gây mất nhiều thời gian và không cần thiết. Đó là liên quan đến mặt trái của phân cấp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Lý giải những ý kiến về việc dàn trải vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng theo quy định phân cấp, phân quyền, quyết định cuối cùng là của địa phương, Trung ương chỉ phân bổ vốn dựa trên khả năng thu ngân sách.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội về thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận vẫn còn "tư duy nhiệm kỳ", lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho, trông chờ, ỷ lại Trung ương; thiếu chủ động, sáng tạo, chưa tận dụng hết các lợi thế trong phân cấp, ủy quyền; quyết định dự án còn thiếu liên kết với nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội, chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn.

Về triển khai vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn chỉ ra vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ; phân bổ vốn đầu tư công còn bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; trách nhiệm trong phối hợp xử lý công việc và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách còn chưa chặt chẽ./.

TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phan-cap-phan-quyen-trong-dau-tu-cong-da-ro-nhung-nhieu-dia-phuong-van-ne-tranh-dun-day/204739.html