Phản cảm cảnh chen lấn sờ 'Hổ thần' để mong trị bệnh

Chen lấn, xô đẩy để sờ tay lên tượng 'Hổ thần' và xức dầu xoa lên người cầu mong trị bệnh tật… là những hình ảnh đang gây phản cảm tại chùa Hương Tích (thuộc huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Hàng nghìn người dân hành lễ tại chùa Hương Tích (Hà Tĩnh). Ảnh: Sơn Nguyễn

Hàng nghìn người dân hành lễ tại chùa Hương Tích (Hà Tĩnh). Ảnh: Sơn Nguyễn

Sờ bằng được tượng “Hổ thần” để mong trị bệnh

Chùa Hương Tích tọa lạc trên đỉnh núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Đây là quần thể các công trình tôn giáo tín ngưỡng bao gồm Thượng điện, nền Trang Vương, am Thánh Mẫu. Xung quanh chùa còn có nhiều thắng tích, kỳ quan như động Tiên Nữ có 36 cửa vào, am Phun Mây, Miếu Cô, khe Tiên Tắm, suối Hương Tuyền, đập nhà Đường... Nơi đây, từ rất lâu đã trở thành điểm tâm linh, khu du lịch được nhiều người biết đến. Hàng năm, cứ vào dịp lễ hội, các du khách từ Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình... vừa vào đây hành lễ, cầu may, vừa để ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Chùa Hương Tích nổi tiếng khắp xa gần không chỉ ở các điển tích, sự linh thiêng mà còn là danh thắng được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”. Trong khuôn viên chùa Hương Tích, ngoài ngôi thượng điện thì khu vực đặt tượng "hổ thần" cũng là nơi thu hút rất đông du khách.

Tượng hổ được làm bằng bê tông, ở tư thế đang nằm nghỉ ngơi. Tượng được đặt ở phía bên phải, theo hướng đi lên khu vực Chính điện chùa Hương Tích. Tương truyền khi xưa "hổ thần" linh thiêng đã che chở cho công chúa Diệu Thiện, ái nữ thứ 3 của vua Diệu Trang Vương nước Hương Lâm tới núi Hồng Lĩnh dựng am, tu hành. Dân gian cho rằng, hổ cõng công chúa Diệu Thiện chính là hổ thần. Nếu bị đau xương khớp… về chùa Hương Tích khấn vái Thần Hổ, cầu xin ngài, lấy tay vuốt ve ngài rồi xoa vào chỗ đau mỏi thì tự nhiên sẽ khỏi.

Chính vì những tin đồn thất thiệt đó, đi đôi với những buổi hành lễ, cầu may là hình ảnh người dân chen lấn, xô đẩy gây phản cảm tại chùa Hương Tích. Thậm chí, người dân không ngần ngại dùng tay sờ vào “Hổ thần”, xức dầu rồi xoa lên người để mong hết bệnh tật. Thứ lễ mà người dân dâng trước tượng hổ chính là những lọ dầu phật linh, dầu gió hoặc dầu bạch hổ, thuốc chữa đau bụng Becberin… Bà Nguyễn Phương Tý (ở TP Vinh, Nghệ An) cho biết: "Năm nào tôi cũng về chùa Hương Tích để hành hương, những lúc về chùa tôi luôn mang theo hộp dầu đã khấn xin trong chùa đem xoa khắp mình tượng hổ, sau đó xoa lên những chỗ đau trong cơ thể, tự nhiên thấy lành, mọi cái mệt nhọc khi leo núi cũng tiêu tan…"(?).

Đừng đi lễ theo phong trào, mê tín mù quáng

Hình ảnh xoa tượng “Hổ thần” để mong chữa bệnh tại chùa Hương Tích.

Trước tình trạng đang diễn ra tại chùa, đại diện Ban Quản lý chùa Hương Tích cho hay, việc người dân sờ lên tượng hổ để chữa bệnh đã tồn tại nhiều năm. Nhiều người tin rằng việc sờ, xức dầu lên tượng hổ là “mẹo” chữa bách bệnh... chỉ là do người dân truyền tai nhau. Để khắc phục hình ảnh phản cảm này, Ban quản lý đã đặt biển báo cấm sờ lên tượng hổ. Tuy nhiên, do lượng khách đổ về chùa quá đông, nên biển cấm cũng không ăn thua.

Từ những hình ảnh sờ tượng hổ lan truyền, nhiều ý kiến đã thẳng thắn nhận định rằng, người dân đi hành lễ không nên sờ hay xức dầu lên tượng hổ, bởi không có cơ sở khoa học nào khẳng định việc sờ lên tượng hổ ở chùa Hương Tích có thể chữa được bệnh.

Anh Nguyễn Văn Huy (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Việc người dân đến đền, chùa vào các dịp đầu năm để cầu nguyện cho cuộc sống, có thể thấy rằng, công việc và cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Song, việc thành hay bại cũng phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan, khách quan tác động. Tôi cho rằng, người dân có thể đến cửa đền, chùa để cầu bình an, sám hối theo đúng nét văn hóa vốn có của người Việt. Tuy nhiên, không nên mưu cầu những tham vọng vượt quá khả năng của bản thân, để tránh bị hiểu lầm rằng, đến cửa đền, chùa là theo phong trào a dua, là sự mê tín dị đoan mà nguyên nhân gốc rễ chính là sự kém hiểu biết và nhận thức không đúng đắn về tín ngưỡng”.

Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Trưởng ban Kiểm soát Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ chí Minh cho rằng, tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề nhạy cảm. Nhận thức được những mặt tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo để phát triển và giáo dục, định hướng người dân tự do tín ngưỡng một cách đúng đắn sẽ góp phần loại bỏ những hiện tượng tiêu cực trong xã hội và tạo nên nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc.

Chùa Hương Tích hay còn gọi là Hương Tích Cổ tự, được xếp hạng Di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 309/QĐ-BVHTT ngày 08/6/1990 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL). Chùa nằm ở độ cao 650m so với mực nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh, thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Hội chùa diễn ra vào ngày 18/2 Âm lịch, cứ 3 năm lại tổ chức hội lớn một lần, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế Khu di tích danh thắng cấp quốc gia chùa Hương – núi Hồng đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Bảo Minh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/phan-cam-canh-chen-lan-so-ho-than-de-mong-tri-benh-20190225220200477.htm