Phân bón hữu cơ tìm cơ hội

Nhà sản xuất đang tích cực đầu tư, đón đầu xu hướng bùng nổ nhu cầu phân bón cho sản xuất hữu cơ trong 5-10 năm tới

Vừa khánh thành, đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất ở KCN Long Hậu (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cuối tháng 3-2018, Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh phân bón Bình Điền II đã lên kế hoạch sát sao để sang năm 2019 đầu tư thêm hơn 200 tỉ đồng cho dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ.

Đón đầu thị trường

Ông Lê Quốc Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh phân bón Bình Điền II, cho biết trong giai đoạn 2, nhà máy sẽ đưa ra thị trường khoảng 40-50 tấn phân hữu cơ nano, phân hữu cơ thế hệ mới. Trước mắt, Bình Điền II chưa có phân bón hữu cơ 100% nhưng đã đưa hàm lượng hữu cơ thế hệ mới cùng với các vi lượng thông minh vào phân bón vô cơ nhằm giúp cải tạo đất và tiết kiệm phân bón.

Tính toán của Bình Điền II là bước đi thận trọng trong bối cảnh sức tiêu thụ phân bón hữu cơ còn rất hạn chế. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phân bón hữu cơ đang chiếm khoảng 10% tổng sản lượng và 5% tổng sản phẩm phân bón tiêu thụ trong nước.

Ông Nguyễn Văn Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hữu cơ Daito, cho biết theo thống kê của Cục Trồng trọt, Việt Nam có hơn 300 cơ sở sản xuất các loại phân bón hữu cơ, trong đó khoảng 120 cơ sở được cấp phép sản xuất, khoảng 200 cơ sở còn đang trong tình trạng chờ đợi. Mỗi năm, các cơ sở này đưa ra thị trường khoảng 1,5 triệu tấn phân bón hữu cơ. Một số cơ sở, doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu cho phân bón hữu cơ, được người tiêu dùng ưa chuộng như liên danh Hữu cơ Daito, Thiên Sinh, Huy Bảo, Bình Điền, Điền Trang...

Phân bón hữu cơ được giới thiệu tại một triển lãm ở TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Riêng 3 nhà máy của Bình Điền - gồm: Bình Điền Lâm Đồng, Bình Điền Mê Kông và Bình Điền Quảng Trị - đang sản xuất phân hữu cơ nhưng sản lượng chưa nhiều, chỉ khoảng 60.000-70.000 tấn/năm, chiếm 10% tổng sản lượng của công ty. "Chiến lược của Bình Điền là phát triển song song cả mảng hữu cơ lẫn vô cơ. Nhu cầu thị trường hiện còn hạn chế nên sản lượng phân bón hữu cơ chưa đáng kể. Chỉ cần thị trường có tín hiệu tốt là chúng tôi tăng tốc ngay" - ông Phan Văn Tâm, Giám đốc marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền, cho biết.

Cần có tiêu chuẩn riêng

Theo ông Lê Quốc Phong, Chính phủ đang khích sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa yêu cầu các nhà máy sản xuất phân bón vô cơ phải dành 30% cho sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên, về mặt thị trường, không thể yêu cầu nông dân sử dụng 100% phân bón hữu cơ mà phải phát triển song song, từng bước tuyên truyền cho bà con hiểu tác dụng và sự cần thiết của loại phân bón này. Khi đã hiểu, họ sẽ chủ động chuyển sang dùng phân bón hữu cơ. Dự kiến 5-10 năm tới, sản xuất hữu cơ sẽ phát triển mạnh, phân bón hữu cơ theo đó sẽ tiêu thụ tốt.

Vướng mắc hiện tại là người dân vốn quen với sản xuất lệ thuộc vào phân bón hóa học và chưa có ý thức bảo vệ đất đai lâu dài bằng phương pháp canh tác hữu cơ. GS-TS Võ Tòng Xuân từng nhiều lần cảnh báo tình trạng nông dân chê phân bón hữu cơ vì khi sử dụng, cây trồng không xanh tốt tức thời như phân bón hóa học. Để bán được hàng, một số nhà sản xuất đã trộn thành phần vô cơ vào phân bón hữu cơ nhưng không ghi rõ, gây ra tình trạng nhập nhèm, ảnh hưởng uy tín chung của các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho biết công ty ông đã thử dùng nhiều loại phân sinh học, phân hữu cơ của các nhà sản xuất trong nước và phát hiện một số sản phẩm có hàm lượng vô cơ nhất định. "Vấn đề không hoàn toàn ở DN mà còn do quy định của nhà nước. Một số tiêu chuẩn về hàm lượng các chất trong phân bón không phù hợp với phân bón hữu cơ, nhà sản xuất muốn công bố sản phẩm hợp quy không có lựa chọn nào khác là phải thêm thành phần vô cơ vào sản phẩm. Vì vậy, muốn phát triển phân bón hữu cơ thì trước tiên, nên có tiêu chuẩn rõ ràng cho phân bón hữu cơ" - ông Viên nhìn nhận.

Lợi thế về nguyên liệu

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, Việt Nam có sẵn và tập trung nguồn nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ như phân gia súc, than bùn, các chế phẩm từ công nghiệp chế biến - bã cà phê, bã rong riềng, giá thể trồng nấm, tôm cá tạp, xương động vật, vỏ cua ghẹ..., than sinh học (biochar) làm từ vỏ trấu, mụn xơ dừa, bã khoai mì… Ngoài ra, các quặng thiên nhiên sẽ là nguồn cung cấp một số chất vi lượng cho phân bón hữu cơ.

Thanh Nhân

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/phan-bon-huu-co-tim-co-hoi-20180422211806083.htm