Phản bội con đường

Tôi thường tự hỏi ta cần gì ở mỗi con đường đi qua. Và gói hành lí ra đi.

Chuyến đi tượng hình mang theo giấc mơ về một chân trời mới, gương mặt người xa lạ, những chuyện kể thầm kín, lặng lẽ. Và tôi thường ước bắt gặp đâu đó một mảnh của chính mình - khi bắt đầu hoang mang về những ngày nhàn nhạt trôi đi vô định ở chốn quen thuộc.

Tôi rời khỏi mái nhà, đuổi theo con đường và mang theo chừng ấy kỳ vọng...

Nhưng Internet đã biến con đường thành một chân dung khác hẳn. Khi cơn sợ hãi điều chưa biết ập tới, tôi vớ vội điện thoại, lọc ra hàng mớ thông tin: khách sạn ở đâu, đường đi trên Google Maps thế nào, 25 điều phải làm ở Texas, 10 nơi cần ghé qua ở Oklahoma, 10 địa điểm đáng đến ở Bangkok về đêm. Không còn sợ hãi, hoàn toàn yên tâm, biết điều gì xảy ra trước mặt mình... điện thoại và những diễn đàn du lịch trấn an biết bao nhiêu...

Và khi bước vào hành trình, những tấm ảnh trên internet tuôn ra. Tất cả những người ta gặp đều đã tra thông tin tương tự trên mạng. Tất cả những gì ta muốn biết đều đã biết qua bài viết và hình ảnh trên Google Review. Tất cả những người bản địa biết ta cần gì - họ trao cho ta điều ta muốn.

Nụ cười là sắp đặt, chuyện kể địa phương được dựng tạc mua vui cho du khách, lễ hội chỉ là một sản phẩm... và có khi cả một thành phố khổng lồ chỉ còn là một sân khấu du lịch diễn những điều mà du khách muốn - như họ đọc thấy trên các bài tạp chí và các trang web du lịch miêu tả.

Tôi ngồi vào bàn, gọi một món ăn, và biết chắc đó là món được nhiều du khách khác gọi. Tôi đứng dậy đi lại sân khấu, và biết chắc đó là ban nhạc chơi vào ngày thứ Năm, sẽ hát một bản hay mê hồn trước khi rời đêm diễn.

Tôi đứng trước một ngọn đồi, và vừa kịp đọc xong lời giới thiệu biết vị trí nào có thể chụp ảnh selfie đẹp nhất với toàn bộ ngôi làng bên dưới. Tôi quay lại, loay hoay trở mình, thấy như đã đánh mất một điều gì đó, hay tôi chưa từng gặp con đường? Hay con đường đã bỏ rơi kẻ ra đi?

Chuyến đi đã bị bóp méo bởi vô vàn trải nghiệm hằn vết trước mặt, vẽ lại, đo ni đóng giày, vừa vặn tất cả những ai muốn có hành trình không sợ hãi, không ăn phải món dở, không nhìn phải cảnh xấu, bị trời mưa trái mùa, hoặc gặp phải người địa phương kỳ quặc.

Tương lai của hành trình bị xóa nhòa và đẩy vào quá khứ, nấu nhừ như món súp đậu, và dâng tới tay cho kẻ lang thang có tất cả mọi phẩm hạnh, chỉ trừ một khao khát: vỡ òa hạnh phúc vì gặp điều chưa biết.

Thấy một con đường chưa qua, hiểu một ngày có mùi của hoa trên đồi cao, nghe thấy gió quất vào mặt trên cánh đồng cối xay gió, nóng bong da dưới trời rát bỏng của Đông Nam Á mùa hè - tất cả cảm giác đều bị hút cạn - chỉ vì tôi - như mọi du khách trung thành với internet - đã kịp biết về con đường chưa quen trước cả khi chạm mặt.

Sẽ không còn trải nghiệm nào là mới mẻ, bởi hình ảnh trên Google Street View 360 độ thậm chí đã cho ta biết trước xung quanh quán ăn có gì, bên cạnh ngôi chùa cổ là cửa hàng bán kem ra sao, và vô số bình phẩm kịch tính, chê trách, than phiền hay ca ngợi, giờ đã đầy rẫy và phơi ra trước mặt người đi.

Ta đánh mất nụ cười háo hức đầu tiên như buổi hẹn hò gặp được kẻ tâm đầu ý hợp (sẽ chẳng còn hẹn hò nào là đầu tiên nữa). Ta tập trung toàn bộ giác quan mình vào một cảm giác được vẽ ra bởi những bản review du lịch như đánh giá món quần áo mua trong thương xá.

Ta thấy con đường ngắn quá, xấu quá, dài quá, dở quá… Ta bỏ qua, ta lao vào, ta thấy vui vì gặp được đúng điều đã mô tả - không phải điều trái tim ta lỡ nhịp đập vì chưa gặp bao giờ.

Cái thời của những kẻ ra đi vì hành trình kéo ta đi chẳng còn nữa. Mỗi du khách đã lăm lăm trên tay một thời khóa biểu dày đặc: hai giờ tại ngọn hải đăng, sau đó 45 phút quay về đảo, 4 giờ chiều đi thăm làng chài là đẹp nhất.

Ta trở thành những con robot, sầm sập lao tới, nhấn vào bản danh sách những việc phải làm như một công nhân du hành, chăm chú vào nhiệm vụ phải làm sao cho có đủ ảnh, đúng địa điểm, ăn chừng đó món, gặp chừng đó nhạc sĩ, ca sĩ, thấy chừng đó bình minh. Đầy đủ. Ra về. Ta hoàn thành nhiệm vụ, và lầm lẫn giữa sự thỏa mãn của một công nhân hết ngày làm việc với một người du hành muốn nhìn thế giới.

Chẳng có thế giới nào mới để nhìn cả. Chẳng có mảnh vỡ nào của bản thân ta có thể tìm thấy. Giác quan của ta trở thành tù nhân của con đường. Nó bị bẫy trong một chiều không gian hình vuông.

Ta có thể kể cho tất cả mọi người nghe ký ức của mình về hành trình, và hẳn sẽ ngạc nhiên đau đớn khi nhận ra giờ đây tất cả chúng ta đều có ký ức giống nhau. Ta đã ném chìa khóa ước hẹn trên cây cầu đó. Ta đã ăn kem trong tiệm đó. Ta đã chụp bức ảnh selfie tại góc đồi đó. Ồ, tất cả chúng ta đều làm vậy.

Ta sống trong một chiều không gian mà hành trình không còn chân dung nữa. Nó không còn là chuyện kể miên man của kẻ lữ hành lạc đường ở Ấn Độ, tìm thấy bản thân mình, sợ hãi quay về, hay đi tiếp để đến cùng với những kẻ suy niệm.

Ảnh: LG.

Nó không còn là hành trình dài dằng dặc không kể tháng ngày của người ra đi và cuối cùng trú thân bên bờ đại dương khi tìm thấy người yêu. Nó cũng không còn là hành trình như Ryszard Kapuciski như khi ông kể về Châu Phi - ngồi chờ xe bus bên vệ đường với những người da đen nằm la liệt trong bóng râm - và không biết khi nào xe bus tới, có thể một ngày, hai ngày, hay ba ngày nữa - và cũng không biết khi nào về đến bến - vì chưa biết chừng xe không đủ khách chưa chịu đi.

Nó cũng không còn là hành trình của một cậu trai 20 tuổi, ra đi để tìm phương Đông bên ngoài cửa sổ của kẻ viễn du, để hiểu thế giới ngoài kia quay theo một trục khác hẳn những điều cuốn anh đi hàng ngày.

Chẳng có gì to lớn hơn ngoài sự hiểu biết ngông cuồng của con người. Chẳng còn gì bất ngờ khi hương vị, con đường, thành phố, tiếng cười… đóng khung trên sân khấu của những hành trình được vẽ ra và biết trước.

Mọi điều không lường được loại bỏ. Không có gì nghiêm trọng. Chuyến đi giờ dễ dàng như công sở. Hãy đến đó, điền đầy đủ danh sách, chụp đủ hình. Hãy quay về. Và ta có một chuyến đi.

Giữa trạm xăng xa xôi ngoài cánh đồng trống hoác, tôi gặp một người. Anh hỏi: "Cô đến đây có đến thăm Bàn chân khổng lồ không?"

Vì sao anh hỏi thế?

Vì mọi người tới đây đều muốn tìm nó.

Cô có thể vào trung tâm để mua các sản phẩm da của người da đỏ làm, có các loại dao, tượng gỗ.

Tại sao anh đề xuất vậy?

Vì mọi người đều đến đây để tìm hàng da của người da đỏ.

Cô có thể muốn nghe nhạc đồng quê trong quán bar cuối con đường này.

Vì sao anh nghĩ thế?

Vì ai đến miền Tây cũng đi tìm các quán như vậy.

Trò chuyện với anh làm nổi lên một sự thật hi hữu: Con đường không phải người bạn mới. Nó trở thành một thực tại hài hước bởi những kẻ như tôi, đã dày vò nó trên internet 1000 lần trước khi chạm đường gặp gỡ.

Không một câu chào nào là hạnh ngộ... Phải chăng đó là nỗi đau của một hành trình?

Khải Đơn

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/22githang-phan-boi-con-duong-466884/