Phân bổ nguồn lực đầu tư công hợp lý, tránh cú sốc thay đổi trong cân đối thu chi

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn là một trong những phương thức quản lý đầu tư công đảm bảo vừa chủ động, hiệu quả, vừa tránh yếu tố tiêu cực. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn có những hạn chế nhất định, đó là độ trễ của chính sách. Nội dung này đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu bên lề Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, lần đầu chúng ta có kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm theo quy định của Luật Đầu tư công. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, tất cả hoạt động trong cả nhiệm kỳ phải được dự tính trước và được Quốc hội phê duyệt ngay từ đầu.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang): Phân bổ nguồn lực tài chính hợp lý

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang)

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang)

Có thể khẳng định, đây là một nội dung rất đúng và kịp thời. Việc sửa đổi khái niệm nguồn vốn đầu tư công như Luật Đầu tư công 2019 sẽ tác động tích cực đến hoạt động phân loại các dự án và phân loại kế hoạch đầu tư, đơn giản hóa được các trình tự thủ tục liên quan.

Điều này tạo ra sự phân biệt rõ ràng về trình tự thủ tục giữa các nguồn vốn, tránh sự chồng chéo và không thống nhất trong cách hiểu về nguồn vốn đầu tư công, cũng như tác động tích cực đến tỷ lệ giải ngân trong năm của các đơn vị. Nhờ đó, chúng ta có căn cứ để xây dựng dự toán ngân sách cũng như kế hoạch đầu tư trung hạn.

Nền kinh tế có kế hoạch, chiến lược, tầm nhìn 20-30 năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 đến 10 năm, và có thể hơn. Trong tất cả kế hoạch, chiến lược đó, yếu tố quan trọng để thực hiện được là nguồn lực tài chính. Đi liền với nó là đầu tư xây dựng cơ bản. Do đó, cần được xây dựng theo mốc kế hoạch trung hạn, ít nhất là 5 năm để gắn vào đó thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn là đòi hỏi từ nhu cầu thực tiễn. Khi xây dựng phải đảm bảo kế hoạch hóa được việc bố trí các nguồn lực tài chính trong một giai đoạn dài. Từ đó, phân bổ hài hòa, hợp lý, tránh việc thiếu kế hoạch, đội vốn, phát sinh bội chi, tăng nợ công khó kiểm soát.

Mặc dù những mặt tích cực có thể thấy rõ, nhưng việc thực hiện lại không dễ do hai yếu tố. Thứ nhất, về khách quan, chúng ta không thể ngồi tại thời điểm này mà tính hết được các yếu tố tác động đến kinh tế - xã hội và tình hình tài chính, thu - chi ngân sách của 2-3 năm tới, thậm chí 10 năm tới lại càng khó. Do đó, việc xây dựng kế hoạch trung hạn nhiều khi không sát với thực tế.

Thứ hai là yếu tố chủ quan vì tư duy nhiệm kỳ. Mỗi lãnh đạo mới lên đều muốn tạo dấu ấn riêng. Thế nên, các kế hoạch dài hạn xây dựng xong rồi nhưng đôi khi lại vẫn muốn điều chỉnh, thay đổi một chút theo tư duy của mình để tạo sự đổi mới, bứt phá. Bản chất của kế hoạch trung hạn bị gò chặt nên khó điều chỉnh. Nếu bằng mọi cách muốn thay đổi thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Do đó theo tôi, yêu cầu đặt ra thời gian tới là người xây dựng kế hoạch, lập dự toán là phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, phân kỳ hợp lý để có lộ trình, bước đi phù hợp năng lực, điều kiện và bố trí sử dụng nguồn lực hợp lý. Tầm nhìn của người hoạch định chiến lược, kế hoạch dài hạn rất quan trọng; cùng đó, phải đặt ra kỷ luật tài chính, bắt buộc phải tuân thủ để không được vi phạm.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Chủ động, hiệu quả, tránh yếu tố tiêu cực

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Theo tôi, kế hoạch đầu tư công trung hạn bảo đảm các yếu tố như chủ động với các dự án đưa vào đầu tư định trước được nguồn vốn có hay không, dự án nào được ưu tiên đưa trước và dự án nào sau. Như vậy, nhu cầu đầu tư xã hội bằng nguồn vốn đầu tư công sẽ được bảo đảm thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt từ đầu nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó sẽ tránh được tình trạng xin cho. Bởi, nếu không có kế hoạch này, thực tế rất dễ phát sinh nhu cầu mà đơn vị, cơ quan nào mạnh dạn xin thì được, còn đơn vị cần cấp bách không biết cách thức xin thì không được. Tôi cho rằng, việc ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn là một trong những phương thức quản lý đầu tư công đảm bảo vừa chủ động, hiệu quả vừa tránh yếu tố tiêu cực.

Thực tế cho thấy, những dự án đầu tư công trong nhiệm kỳ vừa qua không quá nhiều nhưng dự án nào đã được khởi công đều bảo đảm được nguồn vốn triển khai, bảo đảm tiến độ; không để xảy ra tình trạng khởi công xong không có vốn thực hiện. Hay không có dự án đầu tư và khởi công xong nhưng xã hội cho rằng, đó là dự án không cần thiết, không cấp bách.

Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn trong nhiệm kỳ này cũng có hạn chế nhất định. Bởi, đây là lần đầu tiên thực hiện kế hoạch này cũng như Luật Đầu tư công. Những năm đầu của kế hoạch 2016 - 2020 nhiều dự án được thực hiện rất chậm do vướng thủ tục, quy định pháp lý. Ngay sau đó, chúng ta đã có sửa đổi Luật Đầu tư công và những thủ tục phê duyệt, triển khai dự án được giải quyết nhanh chóng và dồn dập tiền đầu tư vào giai đoạn cuối trong năm 2019 - 2020.

Đặc biệt, năm 2020, Chính phủ rất quyết liệt trong việc thúc đẩy đầu tư công, riêng phần vốn đầu tư công của năm này chiếm 1/3 trong cả nhiệm kỳ. Thực tế, việc này cũng do yếu tố khách quan của việc thay đổi Luật Đầu tư công. Do đó, tôi hy vọng trong nhiệm kỳ tới, khi Luật Đầu tư công đã được sửa đổi, việc ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ phát huy hiệu quả trong việc quản lý đầu tư công từ ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau): Có dự toán cân đối trong thu chi

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

Chúng ta có thể thấy, đây là lần đầu tiên Quốc hội ban hành quy định từ pháp luật về kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm. Điểm nổi bật trong việc ban hành hai kế hoạch này là Quốc hội, Chính phủ cũng như cơ quan Nhà nước có tính chủ động trong xác định nhiệm vụ chi cho đầu tư công, chi hoạt động thường xuyên và các hoạt động chi khác.

Đặc biệt, khi có kế hoạch này, có dự toán cân đối trong thu chi, có kiểm soát tốt nguồn lực về tiền bạc trong xã hội, tránh cú sốc thay đổi cân đối thu chi. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn có những hạn chế nhất định, đó là độ trễ của chính sách. Theo đó, nhiều cơ quan đã có sự thích ứng nhưng cũng có không ít cơ quan, người đúng đầu chưa theo kịp thay đổi này khiến cho tiến bộ giải ngân các dự án đầu tư còn chậm trễ. Do đó sẽ tác động đến việc huy động nguồn lực nói chung.

Thực tế, đồng tiền bỏ ra vào thời điểm có lợi sẽ sinh sôi và đầu tư công cũng vậy. Nếu được triển khai đúng kế hoạch, mong đợi sẽ tác động đến các mặt phát triển kinh tế - xã hội. Còn nếu chậm trễ thì tác động tiêu cực, không bảo đảm mục tiêu chương trình dự kiến. Do đó, theo tôi, đây là điểm được và hạn chế để Quốc hội khóa mới cần rút ra bài học và có sự điều chỉnh, bổ sung hợp lý.

Đỗ Nga - Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phan-bo-nguon-luc-dau-tu-cong-hop-ly-tranh-cu-soc-thay-doi-trong-can-doi-thu-chi-154247.html