Phân biệt luật điều chỉnh hợp đồng và luật điều chỉnh tố tụng

Trong thực tế, chúng ta thường xuyên gặp trường hợp các bên thỏa thuận pháp luật điều chỉnh hợp đồng như pháp luật Việt Nam, pháp luật Trung Quốc, pháp luật Campuchia,...

Việc thỏa thuận pháp luật điều chỉnh hợp đồng có ảnh hưởng tới pháp luật điều chỉnh tố tụng, nhất là pháp luật điều chỉnh tố tụng trọng tài không?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tình tiết sự kiện: Công ty Campuchia và Công ty Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Bị đơn cho rằng “Luật điều chỉnh hợp đồng 008 phải là luật của Campuchia” và “việc áp dụng pháp luật về trọng tài thương mại của Việt Nam để khởi kiện là hoàn toàn không phù hợp”. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài cho rằng pháp luật điều chỉnh hợp đồng và pháp luật điều chỉnh tố tụng trọng tài là hai vấn đề khác nhau nên quan điểm nêu trên của Bị đơn là không có cơ sở.

Trong vụ việc trên, Bị đơn theo hướng pháp luật điều chỉnh hợp đồng có ảnh hưởng tới pháp luật điều chỉnh tố tụng trọng tài. Ở đây, chúng ta thấy Bị đơn cho rằng “Luật điều chỉnh hợp đồng 008 phải là luật của Campuchia” và “việc áp dụng pháp luật về trọng tài thương mại của Việt Nam để khởi kiện là hoàn toàn không phù hợp”.

Tuy nhiên, theo Hội đồng Trọng tài, “pháp luật điều chỉnh (về nội dung) hợp đồng có tranh chấp và pháp luật điều chỉnh tố tụng trọng tài là hai vấn đề khác nhau. Bị đơn cho rằng Luật điều chỉnh hợp đồng 008 phải là luật pháp của Campuchia, nhưng lại viện dẫn các quy định của Bộ luật dân sự về việc xác định pháp luật áp dụng quan hệ hợp đồng để từ đó khẳng định rằng phải áp dụng Luật Trọng tài thương mại của Campuchia để xác định thẩm quyền của trọng tài là không đúng. Hội đồng Trọng tài thấy rằng, để xác định thẩm quyền của VIAC và thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, cần phải căn cứ vào luật áp dụng tại nơi tiến hành tố tụng trọng tài”.

Vẫn theo Hội đồng Trọng tài, “Trong vụ tranh chấp này, Hội đồng Trọng tài được thành lập theo pháp luật Việt Nam và địa điểm giải quyết tranh chấp tại Việt Nam. Do đó, pháp luật về trọng tài thương mại của Việt Nam là pháp luật điều chỉnh tố tụng trọng tài. Vì vậy, Hội đồng Trọng tài không có cơ sở để chấp nhận ý kiến của Bị đơn cho rằng áp dụng Luật Trọng tài thương mại của Campuchia để xem xét thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài. Từ các phân tích trên đây, Hội đồng Trọng tài xét thấy, để xác định sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài, hiệu lực cũng như tính có thực hiện được của thỏa thuận trọng tài và thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, thì việc áp dụng các quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 để xem xét là phù hợp”.

Từ vụ việc trên, doanh nghiệp cần rút ra bài học là pháp luật điều chỉnh hợp đồng và pháp luật điều chỉnh tố tụng trọng tài giải quyết tranh chấp hợp đồng là hai vấn đề khác nhau. Thực chất, pháp luật điều chỉnh hợp đồng lệ thuộc vào hợp đồng và thỏa thuận của các bên còn pháp luật điều chỉnh tố tụng trọng tài để giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào pháp luật nơi tiến hành trọng tài.

Hướng như vậy đã phần nào được ghi nhận tại Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/03/2014 của Tòa án nhân dân tối cao theo đó việc “Xác định thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam” được xử lý như sau “Trọng tài nước ngoài tiến hành việc giải quyết tranh chấp và có yêu cầu Tòa án Việt Nam hỗ trợ hoạt động thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền đối với hoạt động của Trọng tài nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều 7 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (điểm a khoản 5): Ở đây, Trọng tài nước ngoài hoạt động tại Việt Nam chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam về các hoạt động nêu tại các điểm của khoản 2 Điều 7 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.”

TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ VIỆT NAM

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/phan-biet-luat-dieu-chinh-hop-dong-va-luat-dieu-chinh-to-tung-165786.html