Phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ: Người Dalit bị đánh đập, lột da đầu

Bị đánh gãy tay và cắt da đầu, ông Sadar là một trong hơn 300 triệu người Ấn Độ phải đối mặt với bạo lực dã man vì họ thuộc đẳng cấp bị coi là 'không đáng đụng tới'.

Khi Sardar Singh Jatav vừa ra đường vào một buổi tối oi bức đầu tháng 9 để tới nói chuyện với những người thuê con trai ông làm việc, ông thấy họ đứng đợi sẵn, nhưng trông không có vẻ gì là muốn nói chuyện.

Nhóm người thuộc đẳng cấp cao hơn chào người đàn ông khoảng 55 tuổi bằng một cú đấm vào mặt. Sau đó, họ đánh gãy cánh tay ông. Trong lúc bị vật ngã xuống đất, Sardar la hét kêu cứu nhưng không ai tới.

Một người nhét giẻ vào miệng ông, người khác thì hưng phấn lấy ra một con dao cạo. Chuyện sau đó là nối tiếp những điều kinh hoàng khi hắn túm đầu ông, cắt rồi lại cắt từng mảng da đầu.

“Nhận lấy đi này! Nói với mọi người là chúng tao lột da đầu mày!”, ông Sardar nhớ lại những lời nói của kẻ ác.

Sardar Singh Jatav nằm trên giường bệnh và được vợ chăm sóc sau khi bị tấn công ngày 20/9. Ảnh: New York Times.

"Không đáng đụng tới"

Ông Sardar là người Dalit, tầng lớp không những thấp kém mà thậm chí bị coi là “không đáng đụng tới”. Nằm dưới đáy của chế độ đẳng cấp trong xã hội đạo Hindu hàng thế kỷ qua, người Dalit, với dân số hơn 300 triệu, đã luôn bị ngược đãi. Theo số liệu thống kê tội phạm, bạo lực nhắm vào họ đang tiếp tục gia tăng.

Đây có vẻ như là điều bất ngờ đối nghịch với hình ảnh mà Ấn Độ đang cố xây dựng. Đất nước này đã thay đổi quá nhiều. Hàng triệu người thoát cảnh đói nghèo khi Ấn Độ vươn lên đứng trong hàng ngũ những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khắp cả nước, người ta thấy những con đường mới, sân bay mới và cơ sở hạ tầng được xây dựng.

Tuy nhiên, tại nhiều nơi, đặc biệt là khu vực nông thôn, chế độ đẳng cấp vẫn được coi trọng và là vấn đề lớn. Tương tự ông Sardar, những người nổi dậy chống lại tình trạng phân biệt đối xử thường được chào đón bằng bạo lực dã man.

Tội ác diễn ra khắp cả nước và người Dalit không đơn giản là bị sát hại. Họ bị làm nhục, bêu xấu, tra tấn và hủy hoại. Đó là những hành vi bạo lực có chủ đích, những nỗi đau được gây ra nhằm duy trì trật tự xã hội cũ tại Ấn Độ.

Những người phụ nữ Dalit không chỉ được coi là thấp kém nhất mà thậm chí bị gọi là những người bị xã hội ruồng bỏ. Ảnh: New York Times.

“Ở đây tồn lại một loại bệnh tâm thần”, Avatthi Ramaiah, giáo sư xã hội học tại Mumbai nhận định.

“Bạn có thể nói Ấn Độ trở thành cường quốc thế giới, phóng vệ tinh vào không gian. Nhưng thế giới bên ngoài không biết về một hình ảnh khác của Ấn Độ. Chừng nào đạo Hindu còn phát triển mạnh, chế độ đẳng cấp vẫn sẽ kiên cố, và chừng nào còn chế độ này thì vẫn sẽ có những người thuộc tầng lớp thấp”, ông nói. Sau đó, kết quả là bạo lực "tàn nhẫn và dã man”.

Cuối tháng 10, một bé gái Dalit, 14 tuổi, bị người đàn ông đẳng cấp cao hơn chặt đầu. Vợ người này cho biết y thù ghét cô bé vì giai tầng thấp kém. Hồi tháng 5, một người nhặt rác bị trói và quật roi bên ngoài nhà máy. Toàn bộ vụ đánh đập được quay video đăng trên cả nước. Trước đó hai tháng, một người đàn ông Dalit bị giết vì cưỡi ngựa, điều mà họ không được phép làm, theo truyền thống.

“Những vụ việc đó không xảy ra khi tôi còn nhỏ”, Chandra Bhan Prasad, nhà bình luận chính trị nổi tiếng nói. Prasad cũng là một người Dalit. “Khi tôi còn bé, người Dalit không cưỡi ngựa. Trước năm 1990, hầu hết Dalit đi làm thuê cho người khác. Giờ họ đang trả giá cho tự do”.

Bạo lực duy trì trật tự xã hội

Trong hàng chục năm qua, Ấn Độ vật lộn với chế độ đẳng cấp. Khi Hiến pháp được soạn vào cuối thập niên 1940, giới trí thức biết rằng đây là vấn đề nhức nhối cần được khẩn trương giải quyết và đã bao gồm một số biện pháp cụ thể để bảo vệ người Dalit, bộ phận chiếm 15-20% trong dân số 1,3 tỷ.

Những chính sách đặc cách giúp một số người Dalit thoát nghèo, dù chúng cũng tạo ra sự oán giận trong những tầng lớp cao hơn. Ngày nay, người Dalit làm nhà thơ, bác sĩ, viên chức, kỹ sư và thậm chí là tổng thống.

Dẫu vậy, các chuyên gia cho biết 95% người Ấn Độ vẫn kết hôn với người cùng giai tầng. Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng thu nhập và trình độ giáo dục nằm trong mối tương quan chặt chẽ với tầng lớp. Người Dalit bị tụt hậu, và tình trạng phân biệt đối xử vẫn tồn tại mạnh mẽ ở nơi làm việc.

Theo các học giả, môi trường chính trị hiện tại làm gia tăng nạn phỉ báng về cả đẳng cấp, tín ngưỡng và giới tính. Dữ liệu thống kê tội phạm quốc gia cho thấy số vụ phạm tội liên quan đến phân biệt đẳng cấp tăng 25% từ năm 2010, lên tới gần 41.000 vụ trong năm 2016.

Nhiều nhà phân tích quy trách nhiệm cho đảng Nhân dân Ấn Độ cầm quyền (BJP). Gốc rễ chủ nghĩa thượng đẳng của đảng này đã thúc đẩy những người ủng hộ công kích thiểu số, lấy cớ nhân danh đạo Hindu. Ví dụ điển hình là hàng loạt nạn nhân, phần lớn là người Dalit và Hồi giáo, bị đánh đập hoặc sát hại vì giết bò, linh vật trong đạo Hindu.

Các chuyên gia nhận định bạo lực được gây ra để gieo rắc nỗi sợ. Họ ví tình trạng này giống nỗi kinh hoàng phổ biến mà phụ nữ phải đối mặt, tất cả nhằm mục đích hạ nhục nhân phẩm và đưa ai nấy về đúng chỗ của họ.

"Những gì tôi xứng đáng được hưởng"

Một nhân tố trong tình trạng này là việc những người Dalit, giống như ông Sadar, đang lên tiếng đòi những gì thuộc về họ.

Cuộc đụng độ hồi cuối tháng 9 xuất phát từ việc ông Sardar kiên quyết yêu cầu chủ lao động phải trả cho con trai ông, người được họ thuê làm việc trên đồng lúa, số tiền lương còn thiếu là 80 USD.

“Tất cả những gì tôi yêu cầu là những gì tôi xứng đáng được hưởng”, ông nói.

Đoạn đường đất ở làng Thaiti, nơi ông Sardar bị những người tầng lớp trên tấn công. Ảnh: New York Times.

Làng Thati, nơi ông sống, cách thủ đô New Delhi hơn 320 km. Đây là nơi ở của khoảng 300 gia đình chen chúc trong những ngôi nhà nhỏ bằng gạch. Phụ nữ làm đồ gốm với bàn tay lấm lem bùn, còn đàn ông lớn tuổi cởi trần nằm trên võng.

Trong xã hội Ấn Độ truyền thống, các tầng lớp khác nhau ứng với công việc khác nhau. Những người “không đáng đụng tới” làm nghề dơ bẩn như lột da động vật hay dọn nhà vệ sinh. Ngày nay, mối liên hệ đẳng cấp - nghề nghiệp không còn mạnh mẽ như trước. Tại Thati, hầu hết tất cả hộ dân đều theo nghề nông, bất kể giai tầng.

Dẫu vậy, trật tự xã hội cũ vẫn tồn tại và được phản ánh qua việc tầng lớp thấp kém không được tiếp cận với điện, điện thoại di động và nhiều cơ hội khác.

Người Gujjar là tầng lớp quyền lực nhất ở Thati và sở hữu hầu hết đất, dù họ không nằm trên tầng cao của thang đẳng cấp chung. Người Gujjar sống trong nhà to hơn, có máy kéo và ôtô trong khi người Dalit không có đến một chiếc xe đạp.

Đẳng cấp thấp phải thể hiện sự kính trọng với đẳng cấp trên. Người Dalit không được nhìn thẳng vào mắt người Gujjar hay chạm vào đồ ăn, cốc uống nước của họ bởi hành vi này được cho là ô uế. Hai tầng lớp cũng không dùng chung vòi nước.

Dù tất cả những điều trên là bất hợp pháp và Hiến pháp Ấn Độ có điều khoản cụ thể nghiêm cấm những hành vi cổ súy “tính bất khả xâm phạm”, các khảo sát gần đây chỉ ra rằng nhiều người vẫn hành xử như vậy, kể cả tại thành phố.

Vết sẹo không bao giờ lành

Ở vùng rìa làng Thati có cây bồ đề thiêng. Dưới tán cây là đền thờ Hindu nhỏ. Người Dalit không được phép ngồi ở đây nhưng bất kỳ Gujjar nào, kể cả một đứa bé, cũng có thể. Đây là cách người Dalit phải sống mỗi ngày, họ bị hạn chế bởi những thứ không được phép làm.

Khi một thanh niên Dalit tuyên bố muốn phá vỡ những điều cấm kỵ, một người khác nhanh chóng nắm cánh tay anh ta và thốt lên: “Đừng! Nếu cậu làm thế thì ngày mai sẽ có một cuộc chiến”.

Cùng lúc đó, một người nông dân Gujjar tình cờ đi ngang qua. Nhìn thấy 3 nhà báo nói chuyện với nhóm đàn ông Dalit, người này không kìm được mà cũng tham gia vào cuộc trò chuyện. Ông kể rằng Thati từng là một nơi vui vẻ, hai đẳng cấp cùng sống “như anh em”.

“Anh em ư?”, một người Dalit phản pháo. “Anh em không lột da đầu của nhau!”.

Người Gujjar được phép ngồi trên bậc đền thờ ở làng Thati, Ấn Độ, trong khi người Dalit phải ngồi dưới đất. Ảnh: New York Times.

Cảnh sát đã bắt giữ một số người Gujjar bị cáo buộc tấn công ông Sardar. Tuy nhiên, giới chức cho biết chế độ đẳng cấp không liên quan đến vụ việc mà cuộc ẩu đả xuất phát từ mâu thuẫn giữa ông Sardar và chủ đất.

Lời khẳng định đó khiến ông Sardar phải bật cười, khô khốc và cay đắng. Ông lắc đầu quấn băng gạc, vẫn phải nằm trên giường bệnh để hồi phục cái tay gãy và vết trầy xước trên đùi. Những gì ông nói cũng là những lời phàn nàn phổ biến: cảnh sát, thường thuộc đẳng cấp cao, luôn đứng về phe chống lại Dalit.

Một chỉ huy cảnh sát còn cố nói rằng những kẻ hành hung không cố ý cắt da đầu ông Sardar mà da chỉ đơn giản là “rơi ra” khi họ dùng gậy đánh vào đầu ông. Tuy nhiên, hai bác sĩ điều trị cho Sardar không đồng tình. Họ khẳng định toàn bộ phần da trên đầu bệnh nhân bị cắt bằng vật sắc, xương sọ không có thương tổn nhưng nhiều phần bị lộ ra ngoài.

Người đàn ông 55 tuổi kể rằng lúc da đầu ông bị cắt, những người Gujjar chế nhạo ông quấn khăn đội đầu turban trong khi đẳng cấp thấp không được phép làm thế. Ông nhớ lại lời một người nói: “Chúng tao sẽ lấy đi vương miện của mày”.

Từ giờ trở đi, ông Sardar sẽ luôn phải mang theo trên người vết sẹo nhắc nhở về chuyện khủng khiếp mà những người tầng lớp cao hơn đã gây ra.

“Tôi ước tôi thuộc một đẳng cấp khác”, ông thở dài.

Ngọc Hà
Theo New York Times

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phan-biet-dang-cap-o-an-do-nguoi-dalit-bi-danh-dap-lot-da-dau-post893212.html