Phản biện, tạo sự đồng thuận

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang Diêm Hồng Linh khẳng định: Nội dung phản biện các dự thảo chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy Đảng, các dự thảo quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Qua đó kịp thời điều chỉnh những chủ trương, chính sách phù hợp, mang lại hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Bà Diêm Hồng Linh .

PV: Thưa bà, sau 5 năm thực hiện công tác phản biện xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận tỉnh Bắc Giang đã tập trung vào thực hiện những vấn đề cụ thể ra sao?

Bà Diêm Hồng Linh: Từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2018, có thể đánh giá, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp từng bước được triển khai thực hiện có hiệu quả, đã tổ chức phản biện 2.973 dự thảo văn bản với 11.941 ý kiến phản biện.

Trong đó, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh phản biện 160 nội dung, có 713 ý kiến phản biện. Cấp huyện phản biện 1.813 nội dung, có 4.814 ý kiến. Cấp xã phản biện 1.000 nội dung, có 6.414 ý kiến phản biện.

Nội dung phản biện các dự thảo chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy Đảng, các dự thảo quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Điển hình: Năm 2015, MTTQ các cấp chủ trì tổ chức hội nghị Phản biện dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, có 11 ý kiến tham gia tại hội nghị. Hội Nông dân tỉnh 23 ý kiến. Tỉnh đoàn thanh niên có 48 ý kiến đóng góp. MTTQ và các đoàn thể các cấp phối hợp tổ chức, tổng hợp hàng nghìn lượt ý kiến tâm huyết tham gia vào văn kiện đại hội Đảng các cấp , được Ban soạn thảo tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện trước khi trình Đại hội.

Năm 2016, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức phản biện Dự thảo Kế hoạch phối hợp giáo dục cải tạo phạm nhân nữ và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, giai đoạn 2016-2020 với 13 ý kiến trong đó 7 ý kiến được tiếp thu, tập trung vào các nội dung: Giáo dục cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, cai nghiện ma túy cho phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định, góp phần làm giảm tỷ lệ tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

Năm 2017, Hội Nông dân tỉnh tổ chức phản biện Hướng dẫn khung về xây dựng nhà lưới, nhà màng. Quy trình kỹ thuật sản xuất rau sạch, hoa chất lượng cao với 10 ý kiến tập trung vào các vấn đề nguyên tắc xây dựng, sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP...

Việc thực hiện phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chủ yếu được thực hiện qua hình thức nào, thưa bà?

- Việc thực hiện phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể tỉnh Bắc Giang chủ yếu được thực hiện qua hình thức tổ chức hội nghị và gửi văn bản phản biện. Các ý kiến phản biện của MTTQ và các đoàn thể cơ bản được tiếp thu, không có nội dung cần cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ, do vậy không tổ chức hình thức đối thoại trực tiếp với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện. Trong 5 năm đã có 9.747 ý kiến phản biện của MTTQ và các đoàn thể các cấp được tiếp thu, trong đó cấp tỉnh có 569 ý kiến, cấp huyện có 3.509, cấp xã có 5.669 ý kiến phản biện được tiếp thu.

Bằng nhiều hình thức tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền như tổ chức hội nghị, gửi văn bản dự thảo, góp ý tại hội nghị giao ban với cấp ủy, các cuộc họp với chính quyền, qua tiếp xúc cử trị, qua tiếp xúc với người đứng đầu...MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia góp ý kiến trong quá trình xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách của tỉnh. Góp phần làm cho các chủ trương, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Việc đối thoại trực tiếp với người dân được Mặt trận tỉnh Bắc Giang quan tâm ra sao?

- MTTQ và các đoàn thể cũng thực hiện việc góp ý thường xuyên, đột xuất, định kỳ, góp ý tại 9.789 cuộc họp, hội nghị về hoạt động của cơ quan, tổ chức đảng, chính quyền và góp ý 36.950 ý kiến với 17.438 cán bộ đảng viên. Để thực hiện tốt nội dung góp ý, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phân công cán bộ, lãnh đạo trực tiếp tiếp nhận và tổng hợp ý kiến của các tổ chức thành viên, các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp, phát huy vai trò của thành viên Hội đồng tư vấn. Phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân....

Từ năm 2016 đến 6 tháng năm 2018, MTTQ các cấp đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức 1.626 hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân (cấp xã 1.486, cấp huyện: 131, cấp tỉnh: 9) tổng hợp trên 6.000 ý kiến kiến nghị, góp ý với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước các cấp. Tổ chức 6.395 Hội nghị tiếp xúc cử tri, đã tổng hợp 39.017 ý kiến chuyển đến các cấp ủy Đảng, chính quyền. Kiến nghị 19.509 ý kiến tại kỳ họp HĐND các cấp và góp ý tại các cuộc làm việc, giao ban giữa Thường trực cấp ủy Đảng với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Theo bà, công tác phản biện tại Bắc Giang còn những hạn chế gì?

- Tôi cho rằng, công tác phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp hiện chưa tổ chức phản biện được nhiều nội dung của cấp ủy, chính quyền liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chủ yếu mới thực hiện nhiều nội dung tham gia góp ý. Nguyên nhân là cấp ủy, chính quyền ở một số nơi còn chưa quan tâm định hướng lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, chủ yếu mới tin tưởng, giao MTTQ và các đoàn thể thực hiện góp ý vào dự thảo văn bản.

Bên cạnh đó, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số địa phương chưa chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các ngành hữu quan. Vai trò chủ trì của MTTQ phối hợp với các tổ chức thành viên ở một số nơi còn chưa rõ, chưa phát huy sự tham gia của các Ban tư vấn, các chuyên gia, cộng tác viên tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong khi hoạt động giám sát, phản biện xã hội đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có năng lực, trình độ chuyên môn nhất định, thì cán bộ Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là với cấp cơ sở còn ít kinh nghiệm thực tiễn, thiếu hiểu biết nhiều lĩnh vực, phải kiêm nhiệm nhiều và thường xuyên thay đổi, khó khăn cho thực hiện nhiệm vụ.

Vậy bà có đề xuất gì để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận đáp ứng được công tác phản biện trong giai đoạn mới?

- Theo tôi, để đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận hiện nay, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xu ất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước xây dựng tiêu chuẩn cán bộ Mặt trận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới. Thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ Mặt trận các cấp và chế độ phụ cấp cho Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Trân trọng cảm ơn bà!

Hạnh Nhân (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-phan-bien/phan-bien-tao-su-dong-thuan-tintuc415791