Phản biện dự án cải tạo môi trường nước phía đông Sơn Trà

Ngày 13-5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phản biện dự án cải tạo môi trường nước phía đông Q. Sơn Trà do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư để lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà chuyên môn về dự án.

Ngày 13-5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phản biện dự án cải tạo môi trường nước phía đông Q. Sơn Trà do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư để lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà chuyên môn về dự án.

Mục tiêu của dự án góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố Môi trường”, trong đó chủ trọng bảo vệ môi trường biển phía đông (ảnh).

Mục tiêu của dự án góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố Môi trường”, trong đó chủ trọng bảo vệ môi trường biển phía đông (ảnh).

Đánh giá tác động môi trường còn sơ sài

Thay mặt đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Công nghệ Biển xanh, bà Nguyễn Thị Thanh Tú trình bày nội dung và báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Theo đó, dự án có tổng diện tích là 498ha, thuộc địa giới hành chính của các phường Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ và An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng với mục tiêu xây dựng hệ thống cống bao nhằm thu gom toàn bộ nước thải đưa về trạm Sơn Trà để xử lý và chuyển hướng thoát nước mưa cho toàn bộ khu vực ứng với trận mưa tính toán đưa về âu thuyền Thọ Quang để bảo vệ môi trường biển phía Đông; xây dựng trạm xử lý nước thải (giai đoạn 2) có công suất xử lý khi không có mưa là công suất 40.000m3/ngày, đảm bảo xử lý toàn bộ nước thải của khu vực đến năm 2030. Giải pháp thi công chú trọng ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm đảm bảo chất lượng xây dựng bền vững lâu dài, hạn chế rủi ro, duy trì môi trường hoạt động du lịch, giao thông cũng như hoạt động khác của thành phố...

Sau khi nghe đại diện công ty tư vấn trình bày, các đại biểu tham gia hội nghị đều có chung ý kiến là phần đánh giá tác động môi trường còn quá sơ sài, đơn vị tư vấn chưa khảo sát kỹ thực tế, sử dụng những thông số quá cũ kỹ... không nên để dự án được triển khai thực hiện nhưng không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam - Đại học Đà Nẵng: Những thông số kỹ thuật được nêu trong dự án chưa được nhiều, quá cũ, chưa thể hiện hết những thông tin về tình trạng ngập úng tại TP Đà Nẵng hiện nay. Dự án được đầu tư, xây dựng mới nhưng không nêu được những ưu điểm so với hệ thống xử lý nước thải cũ, không thể hiện được tính năng chống sạt lở, đảm bảo mỹ quan của bãi biển... để phục vụ khách du lịch. Ông Huỳnh Ngọc Thạch - Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng có ý kiến: Dự án “Cải thiện môi trường nước phía Đông Q. Sơn Trà” nhằm cải thiện năng lực thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tại phía Đông Q. Sơn Trà là việc cần phải làm song điều cần lưu ý là các giải pháp bảo vệ môi trường. Trong đó cần chú trọng giải pháp tổ chức thi công và lựa chọn công nghệ thi công, đặc biệt đối với hạng mục cống bao và trạm bơm, cống thoát nước. Nhìn chung các giải pháp đã nêu còn chung chung mang tính nguyên lý chưa cụ thể cần được xem xét lại cho sát với thực tế cũng như đặc thù của các hạng mục để nâng cao tính khả thi của các giải pháp. Trong đó cần chú ý các điều kiện tự nhiên đặc thù tại từng khu vực và hạng mục công trình để giải pháp bảo vệ môi trường đề ra phải sát hợp. Theo quy định, việc tham vấn cộng đồng phải thực hiện trực tiếp với các đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng nhưng đơn vị tư vấn chỉ tham vấn các UBND 3 phường là chưa đủ...

Tiến sĩ Lê Hùng - Giảng viên Trường Đại học Bách khoa- Đại học Đà Nẵng, phát biểu: Dự án có nhiều nội dung chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, trong thiết kế công trình phải cập nhật cho đến thời điểm mới nhất, số liệu mưa phải cập nhập đến thời điểm hiện nay nhưng dự án chỉ cập nhật đến năm 2008 là chưa đạt so với yêu cầu. Hơn nữa, cần làm rõ tần suất thiết kế cho công trình là bao nhiêu? được lựa chọn như thế nào? Sau khi xác định tần suất tính toán công trình, từ đó suy ra được số liệu mưa tương ứng để có phương pháp tính toán cho phù hợp. Hồ sơ thiết kế chưa làm rõ năng lực thoát nước, phương án thoát nước hiện trạng của các cống để làm cơ sở thiết kế đầu tư công trình. Với kết quả thiết kế chỉ chịu được lượng mưa 10mm/giờ là quá nhỏ, điều này sẽ dẫn tới khả năng khi mưa lớn nước sẽ chảy ra biển, dẫn đến việc đầu tư chi phí lớn nhưng hiệu quả không được cao.

Ông Trần Văn Nam tham gia phản biện.

“Điểm son” của thành phố môi trường

Ông Huỳnh Phước - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT thành phố có ý kiến: Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã đặt ra và giải đáp được các câu hỏi: Tại sao phải tiến hành xây dựng Dự án Cải thiện môi trường nước khu vực phía đông Q. Sơn Trà? Các nguồn lực cho dự án được huy động từ đâu, và huy động như thế nào? Làm thế nào để Dự án được thực hiện tốt nhất, tránh những sai sót thường xảy ra...? Điều kiện để xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học là nguồn nước thải đầu vào không được chứa các độc chất, muối của các kim loại nặng hoặc có thể chứa các tạp chất trên nhưng nồng độ các chất này không vượt quá chỉ tiêu nồng độ cho phép để không gây ảnh hưởng cho hệ vi sinh hoạt động. Vì vậy, cần rà soát kỹ các tác động đầu vào để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp.

Ông Bùi Văn Tiếng - Phó Chủ tịch không chuyên trách UBMTTQVN TP Đà Nẵng, đóng góp: Điều lo lắng nhất là vấn đề quá tải lưu lượng nước thải xử lý cả sau khi dự án hoàn thành. Vì dự án chưa đánh giá đầy đủ các yếu tố khách quan sẽ tác động tiêu cực đến lưu lượng nước thải trong khu vực khi lượng du khách và lượng mưa tiếp tục tăng... Vì vậy, cần một dự báo chính xác về khả năng phát sinh lưu lượng nước thải, nước mưa trong tương lai để có phương án đầu tư tương thích... Dẫu sao Dự án này cũng trở thành “điểm son” thể hiện nỗ lực và quyết tâm chính trị của người Đà Nẵng nhằm góp phần vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng Thành phố Môi trường vào năm 2025. Do vậy, đơn vị tư vấn cần khắc phục những hạn chế như ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để dự án được sớm triển khai.

M.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_206202_phan-bien-du-an-cai-tao-moi-truong-nuoc-phia-dong-.aspx