Phạm vi hoạt động của BĐBP

Phạm vi hoạt động của BĐBP là giới hạn khu vực hoạt động được xác định dựa trên vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP. Phạm vi hoạt động của BĐBP được quy định tại Điều 16, Luật Biên phòng Việt Nam như sau:

BĐBP Quảng Trị sử dụng ca nô phối hợp với các cơ quan chức năng sơ tán người dân ở địa bàn ra khỏi khu vực nguy hiểm do lũ lụt. Ảnh: Viết Lam

BĐBP Quảng Trị sử dụng ca nô phối hợp với các cơ quan chức năng sơ tán người dân ở địa bàn ra khỏi khu vực nguy hiểm do lũ lụt. Ảnh: Viết Lam

“1. Hoạt động trong khu vực biên giới, cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý, địa bàn nội địa để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

2. Hoạt động ngoài biên giới theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật Việt Nam trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, kiểm soát xuất nhập cảnh, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật”.

Căn cứ quy định trên, phạm vi hoạt động của BĐBP bao gồm:

Thứ nhất, hoạt động trong khu vực biên giới, cửa khẩu.

BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của QĐND Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. BĐBP có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Do đó, phạm vi hoạt động của BĐBP, trước hết là trong khu vực biên giới, cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý.

Trong đó, khu vực biên giới bao gồm: Khu vực biên giới trên đất liền gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền; khu vực biên giới trên biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo; khu vực biên giới trên không gồm phần không gian dọc theo biên giới quốc gia có chiều rộng 10km tính từ biên giới quốc gia trở vào (Điều 6, Luật Biên giới quốc gia năm 2003).

Cửa khẩu là nơi thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu và qua lại biên giới quốc gia. Theo quy định tại Điều 21, Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25-6-2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia: Tại cửa khẩu biên giới đường bộ, cửa khẩu đường sắt, cửa khẩu đường thủy nội địa trong khu vực biên giới, cửa khẩu đường hàng hải (cảng biển), BĐBP chủ trì phối hợp với các lực lượng liên quan để quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực cửa khẩu.

Thứ hai, hoạt động ở địa bàn nội địa.

Trong địa bàn nội địa, BĐBP có thể chủ động tiến hành các hoạt động hoặc phối hợp với các lực lượng khác tiến hành các hoạt động theo quy định của pháp luật. Việc tiến hành các hoạt động nhất định ở phạm vi địa bàn nội địa là điều kiện quan trọng để BĐBP thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trong nhiều trường hợp, địa bàn nội địa là nơi tiếp tục diễn ra những hoạt động thuộc quyền hạn của BĐBP được bắt đầu ở khu vực biên giới, cửa khẩu như: BĐBP trực tiếp truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật từ biên giới vào nội địa; phối hợp với các lực lượng truy tìm, bắt giữ người có hành vi vi phạm pháp luật trốn chạy vào nội địa (khoản 7, Điều 15, Luật Biên phòng Việt Nam).

Thứ ba, hoạt động ngoài biên giới.

Luật Biên phòng Việt Nam quy định phạm vi hoạt động của BĐBP ở ngoài biên giới khi thỏa mãn hai điều kiện cơ bản. Một là, hoạt động ngoài biên giới dựa trên căn cứ là điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật Việt Nam; hai là, các hoạt động này được tiến hành trong các trường hợp sau: Vì mục đích nhân đạo, hòa bình, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, kiểm soát xuất nhập cảnh, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Các hoạt động ngoài biên giới của BĐBP có thể là các hoạt động trên lãnh thổ của các nước láng giềng theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc hoạt động ra ngoài phạm vi lãnh hải Việt Nam. Chẳng hạn, theo quy định của Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ký ngày 18-11-2009 thì trong trường hợp mốc quốc giới nằm trên lãnh thổ Trung Quốc bị hư hỏng nghiêm trọng, hủy hoại, bị dịch chuyển hoặc bị mất, BĐBP Việt Nam sẽ sang lãnh thổ Trung Quốc để cùng lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của Trung Quốc xác nhận sự thật có liên quan. Theo khoản 7, Điều 15, Luật Biên phòng Việt Nam thì BĐBP có quyền: Truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật trốn chạy từ trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam ra ngoài phạm vi lãnh hải Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.

Như vậy, Điều 16, Luật Biên phòng Việt Nam đã nêu rõ phạm vi hoạt động của BĐBP bao gồm: Khu vực biên giới, cửa khẩu; ngoài ra, trong những trường hợp nhất định, phạm vi hoạt động của BĐBP còn có thể là địa bàn nội địa hoặc ngoài biên giới. Quy định của Luật Biên phòng Việt Nam về phạm vi hoạt động của BĐBP là phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới của BĐBP.

Thạc sĩ Vũ Quang Hùng, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/pham-vi-hoat-dong-cua-bdbp-post437516.html