Phạm vi bí mật Nhà nước quá rộng?

Nhiều ý kiến cho rằng phạm vi bí mật Nhà nước quá rộng sẽ làm cản trở cải cách hành chính.

Sáng 16-8, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức Hội thảo góp ý dự án luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, với sự tham gia của nhiều đơn vị liên quan và các trường đại học trên địa bàn TP.

Bà Nguyễn Hoàng Hà (Sở Thông tin – Truyền thông TP) cho biết trong danh mục bí mật của ngành thông tin truyền thông thì có kế hoạch phát triển báo chí, xuất bản bưu chính viễn thông,… Tuy nhiên, kế hoạch phát triển đã được Bộ Thông tin – Truyền thông chủ trương phổ biến rộng rãi nhưng nếu đưa vào danh mục bí mật thì không thể phát triển được do hạn chế đối tượng tiếp cận kế hoạch phát triển này.

Theo bà Hà, thực tế đang có sự tùy tiện trong đóng dấu mật, ngay cả danh bạ điện diện cũng đóng dấu mật. Hay cả kế hoạch phòng chống bão lũ cũng đóng dấu mật thì khi bão lũ xảy ra sẽ ứng phó như thế nào. (?)

Nhiều đơn vị đã cử đại diện đến góp ý cho dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

Tương tự, các lĩnh vực giáo dục thì kỳ thi cũng được coi là bí mật vậy đối với trường học tư thục thì kỳ thi của họ có phải là bí mật không. Nếu đối chiếu khái niệm bí mật nhà nước thì nó lại không phải là bí mật nhà nước vì nó không liên quan đến lợi ích quốc gia.

Ở lĩnh vực ngoại giao, bà Nguyễn Mai Phúc Minh (Sở Ngoại vụ TP) cho rằng không phải mọi chủ trương chính sách của Đảng đều là bí mật Nhà nước hoặc những nội dung đang đàm phán thì là mật nhưng khi ký kết xong thì không còn là mật nữa.

Về thời hạn sau 30 năm phải công bố bí mật, bà Minh cho rằng cần làm rõ căn cứ để xác định mốc thời gian này. Trong ngành ngoại giao, có những thông tin trao đổi giữa lãnh đạo Nhà nước cho dù đến 100 năm cũng không thể công bố vì đó là bí mật quốc gia, nếu sau 30 năm phải gia hạn thì đó là bất cập.

Đại tá Trần Ngọc Đức, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, cho rằng cần bổ sung quy định xử lý trách nhiệm người để lộ, mất bí mật Nhà nước

Ngoài ra, bà Minh cũng phân tích: Điều 18 của dự thảo quy định khi cá nhân, tổ chức nước ngoài muốn chúng ta cung cấp thông tin thuộc bí mật Nhà nước thì phải ghi rõ họ tên, quốc tịch, số hộ chiếu, chức vụ,… như vậy quá cụ thể và khó thực hiện.

Ví dụ, lãnh đạo cấp cao nước bạn muốn biết quan điểm, chủ trương của nước ta về một vấn đề gì đó thì chúng ta không thể yêu cầu ông thủ tướng nước bạn ghi họ tên, số hộ chiếu hay là hỏi mục đích, yêu cầu của họ lấy thông tin này để làm gì.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu để tổng hợp gửi ban soạn thảo nhằm bổ sung, điều chỉnh hợp lý

Đại tá Trần Ngọc Đức, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân đề nghị nên đổi khái niệm bí mật Nhà nước thành thông tin thuộc bí mật Nhà nước được chứa đựng trong tài liệu, lời nói, vật, địa điểm.

Lý giải cho đề nghị này, đại tá Đức cho rằng thông tin mới là bí mật chứ không phải địa điểm. Góp ý thêm, đại tá Đức cho rằng cần bổ sung quy định xử lý những người thiếu trách nhiệm để mất mát, hư hỏng tài liệu, bí mật Nhà nước. Về danh mục bí mật Nhà nước, vị này nói Pháp lệnh về bảo vệ bí mật Nhà nước đã quy định rõ nên có thể kế thừa.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP, cho biết sẽ tiếp thu các góp ý của đại biểu để tổng hợp thành bản báo cáo gửi ban soạn thảo dự án luật nhằm có những bổ sung, điều chỉnh hợp lý để khi luật ra đời.

Sỹ Đông

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/chinh-tri/pham-vi-bi-mat-nha-nuoc-qua-rong-20180816122442966.htm