Phạm tội vì chuyển nhượng bất động sản 'hai giá'
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đ.T.T., sinh năm 1974, trú tại phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) về tội 'Trốn thuế' theo khoản 2 Điều 200 Bộ luật Hình sự.
Đáng nói, bị can Đ.T.T. phạm tội là do chuyển nhượng bất động sản “hai giá” (kê khai giá chuyển nhượng trong hợp đồng thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng thực tế để trốn thuế) - hành vi khá phổ biến trong giao dịch bất động sản hiện nay.
Theo kết quả điều tra, năm 2021, Đ.T.T. nhận chuyển nhượng quyền sử dụng một thửa đất tại tổ dân phố 7, phường Nghĩa Thành với giá 9 tỷ đồng, tuy nhiên bị can chỉ kê khai trong hợp đồng chuyển nhượng giá 440 triệu đồng. Tiếp đó, khi chuyển nhượng quyền sử dụng 4 thửa đất tại xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song với giá 6,93 tỷ đồng, Đ.T.T. chỉ kê khai 400 triệu đồng. Việc ghi giá thấp hơn thực tế đã giúp các đối tượng trốn thuế với số tiền hơn 286 triệu đồng.
Việc chuyển nhượng bất động sản “hai giá” như trên bị pháp luật nghiêm cấm. Đây được coi là hành vi trốn thuế theo quy định tại khoản 5 Điều 143 Luật Quản lý thuế. Nếu vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Về xử phạt hành chính, theo Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nếu hành vi vi phạm dẫn đến giảm số tiền thuế phải nộp mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì người nộp thuế sẽ bị phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn; người nộp thuế bị phạt tiền 1 lần số tiền thuế trốn khi có một tình tiết giảm nhẹ trở lên; phạt tiền 2 lần số tiền thuế trốn nếu có một tình tiết tăng nặng; phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn khi có hai tình tiết tăng nặng và phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn khi có hai tình tiết tăng nặng trở lên.
Ngoài ra, người nộp thuế còn phải nộp đủ số tiền thuế đã trốn vào ngân sách nhà nước. Trường hợp hành vi trốn thuế đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước.
Người có hành vi khai giá trên hợp đồng chuyển nhượng bất động sản thấp hơn thực tế để trốn thuế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể: Trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng (hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế) thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Trốn thuế và thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội có tổ chức; số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 2 lần trở lên; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm. Nếu trốn thuế với số tiền 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Hiện nay, hành vi trốn thuế thông qua chuyển nhượng bất động sản “hai giá” đang diễn ra khá phổ biến, làm thất thoát nghiêm trọng tiền thuế của Nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do không ít người thiếu hiểu biết pháp luật hoặc cho rằng cơ quan chức năng sẽ rất khó để điều tra, xử lý. Tuy nhiên, qua vụ việc của bị can Đ.T.T. cho thấy, các hành vi vi phạm sẽ bị phát hiện, xử lý nghiêm minh, bởi vậy, mỗi người cần nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật để tránh rơi vào vòng lao lý.