Phạm nhân hiến tinh trùng, hiến trứng: Chiết xuất thế nào?

Góp ý dự thảo luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) tại tổ chiều nay, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) về tính khả thi của việc thực hiện các quyền về y tế đối với phạm nhân như hiến tinh trùng, trứng...

Theo ĐB Phong Lan, việc đặt ra các quyền về y tế với hoàn cảnh hiện nay, theo HIến pháp 2013 về quyền con người rất đáng hoan nghênh. Tức là chúng ta cũng thấy rõ, trừ những quyền liên quan đến việc phải mất tự do, cải tạo trong tù thì còn những quyền khác của con người phải được bảo toàn.

Làm sao thực hiện được trong tù

“Đây là bước tiến lớn về mặt nhận thức, nhưng trong môi trường nhà tù như hiện nay liệu có làm được không?”, ĐB ngành y băn khoăn.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM)

Bà đặt hàng loạt câu hỏi: “Nếu người ta muốn hiến, chiết xuất đưa ra khỏi tù như thế nào và sức khỏe sau đó chăm sóc ra sao?”.

Hơn nữa, việc này còn liên quan đến một số kỹ thuật như trữ tinh trùng, trữ trứng... còn phải tùy thuộc điều kiện kinh tế, tài chính của bệnh nhân.

Ngoài ra, ĐB TP.HCM còn lo ngại quy định này không tương thích với các luật khác như luật hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác.

Cụ thể điều 17, khi hiến mô là thể hiện sự hy sinh cho cộng đồng thì người ta phải được đền bù, đối xử lại với các quyền như phục hồi sức khỏe miễn phí, chăm sóc tại cơ sở y tế, cấp thẻ bảo hiểm, ưu tiên ghép mô khi có chỉ định cũng như được tặng kỷ niệm chương.

Tôi rất thắc mắc những chuyện này làm sao thực hiện được trong tù. Theo tôi đây là vấn đề cần có sự nghiên cứu kỹ ..., bà nói.

Đề nghị hình thức “tù tại gia”

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam.

Theo ông, hình thức này chỉ áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

Ông không đồng tình với quy định dự luật cho phép tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam do Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Quốc phòng quy định.

Theo ông, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam sẽ tạo hình ảnh phản cảm, còn tạo nguy cơ phạm nhân bỏ trốn cũng như tạo điều kiện cho cán bộ trại giam lạm dụng.

Ông Phớc cũng cho rằng trại giam có thể phối hợp với DN, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động nhưng phải bảo đảm chế độ giam giữ, các chế độ, chính sách đối với phạm nhân theo quy định của luật này. Ông đề nghị việc này chỉ nên thực hiện trong trại, ký hợp đồng bán sản phẩm.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga chia sẻ, giai đoạn này tiếp tục nghiên cứu “tù tại gia” cũng là một cách.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Còn việc cho phạm nhân đi lao động ngoài trại giam, bà Nga lo ngại nếu như vậy không ai trông được số lượng lớn phạm nhân như thế. Việc đưa ra ngoài lao động sẽ rất phức tạp và trên thực tế cũng trường hợp bỏ trốn, rồi hình ảnh phản cảm, tác động đến người dân xung quanh.

“Tôi không đồng ý đưa hẳn ra ngoài”, Chủ nhiệm UB Tư pháp bày tỏ.

ĐB Hoàng Văn Hùng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng đề nghị xem xét kỹ lưỡng việc này.

“Đã là phạm nhân thì phải có sự khác biệt. Tội phạm được đưa vào trại là để cải tạo, có cách ly để thi hành án. Lao động của phạm nhân là trong trại giam, tại các điểm sản xuất ... để tránh trốn trại, bảo đảm an toàn. Tôi không đồng tình cho phạm nhân ra lao động ở ngoài”, ĐB Hùng nhấn mạnh.

Thu Hằng - Hồng Nhì

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/pham-nhan-hien-tinh-trung-hien-trung-chiet-xuat-the-nao-488465.html