Phạm Ngũ Lão - vị tướng bách chiến, bách thắng

Điều đáng nói, vị tướng này dường như là truyền nhân của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đây là vị tướng có nhiều nét tương đồng với Trần Quốc Tuấn, cả về tài năng chỉ huy quân sự, lẫn lòng trung thành với vua, với đất nước. Họ đều là những người bách chiến, bách thắng.

Trong cuộc sống, Trần Quốc Tuấn chính là bố vợ của Phạm Ngũ Lão, khi ông gả con nuôi, quận chúa Anh Nguyên cho chàng trai của làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay là huyện Ân Thi, Hải Hưng) này.

Có thuyết còn cho rằng vì quá ưng ý Phạm Ngũ Lão mà Trần Quốc Tuấn giáng con ruột làm con nuôi để gả cho chàng trai đầy tài năng hứa hẹn này (do hoàng tộc Trần không gả con cháu ra ngoài dòng tộc). Sau đó, sách sử có ghi, chính Trần Quốc Tuấn đã rèn cặp Phạm Ngũ Lão để ông trở nên một vị tướng đặc biệt, làm chỗ dựa vững chắc cho triều Trần sau này, nhất là khi Trần Quốc Tuấn mất.

Cuộc gặp gỡ được huyền thoại hóa

Chính sử ít nhắc đến Trần Quốc Tuấn gặp Phạm Ngũ Lão như thế nào. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên chỉ ghi vài dòng ngắn gọn: “Ngũ Lão (người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, châu Thượng Hồng), tuổi ngoại 20, Hưng Đạo Vương trông thấy cho là người có tài giỏi, đem con gái nuôi gả cho, và dùng làm gia thần” (Đại Việt Sử Ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Xuân Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Văn học 2009, trang 354).

 Đền Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên - nơi thờ danh tướng Phạm Ngũ Lão.

Đền Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên - nơi thờ danh tướng Phạm Ngũ Lão.

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ đầy duyên nợ này và tầm quan trọng của nó đối với lịch sử Đại Việt được Phạm Đình Hổ miêu tả chi tiết hơn trong “Vũ trung tùy bút”:

“Ông Phạm Ngũ Lão, người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, lúc còn hàn vi thường ngồi xếp bằng tròn ở bên đường cái quan, chẻ tre đan sọt. Chợt khi ấy, Hưng Đạo Đại Vương kéo quân từ Vạn Kiếp về kinh, quân tiên phong thét ông đứng dậy, ông cứ ngồi xếp bằng tròn mà đan, hình như không nghe gì. Quân lính lấy giáo đâm vào đùi, ngọn giáo mắc vào đấy không rút ra được, ông vẫn cứ ngồi yên. Khi võng Hưng Đạo Vương đến, Vương mới hỏi: “Đùi nhà ngươi bị đâm như thế, sao không biết đau, mà lại ngồi như vậy?”.

Ông thưa rằng: “Tôi đang nghĩ mấy câu trong binh thư, nên không nghe thấy gì cả. Vương bèn dừng võng lại, hỏi binh cơ mưu lược thì ông ứng đối trôi chảy. Vương lấy làm lạ, cho lên xe đưa về, rồi gả con gái nuôi cho”.

Phạm Đình Hổ còn viết một đoạn nữa về Phạm Ngũ Lão. Nhưng tập trung đọc đoạn viết nói trên, tác giả đã giới thiệu được: Phạm Ngũ Lão là người tập trung cao độ, mê binh thư và lo nghĩ cho việc nước trước họa xâm lăng có thể xảy ra. Ông là người can trường không sợ ngay cả với quan quân triều đình, đặc biệt đó lại là danh tướng Trần Hưng Đạo, người mà sau này quân Nguyên Mông khiếp sợ đến nỗi không dám gọi thẳng tên.

Cuối cùng, tác giả khéo léo giới thiệu được cuộc gặp của một danh tướng và một danh tướng tương lai, của thầy - trò, của người đi trước với người kế tục sự nghiệp một cách xứng đáng. Đặc biệt, họ đều là người bất khả chiến bại như đã nói ở trên.

Tuy nhiên, trong lịch sử, việc chọn nhân tài không đơn giản như vậy. Trong binh pháp, chọn nhân tài là một trong những yếu tố quan trọng đến việc thành bại và mang tính tiếp nối lâu dài. Trần Quốc Tuấn nếu như có “gia nô” là Dã Tượng và Yết Kiêu cùng những mãnh tướng Cao Mang, Đại Hành, Nguyễn Địa Lô trong vai môn khách nhà ông, như tôi đã đề cập trong một bài viết, có thể do cha ông là An Sinh Vương Trần Liễu tìm về để giúp sức cho Trần Quốc Tuấn sau này, cũng truyền thụ võ công cho ông.

Xin nói thêm, tên Yết Kiêu, Dã Tượng là biệt danh để che dấu thân phận chứ không hàm nghĩa xấu xa, coi thường gì cả, Trần Quốc Tuấn luôn coi họ là tướng tâm phúc để bàn việc lớn, và cùng chiến đấu sinh tử bên nhau. Câu chuyện này sẽ bàn trong một dịp khác.

Quay lại trường hợp của Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Tuấn chắc chắn không gặp gỡ chàng trai tài giỏi này một cách tình cờ. Ông với tư cách là một nhà sáng tạo binh pháp, người tổng chỉ huy quân đội của một đất nước, không thể dùng người một cách tùy tiện, vội vã được.

Trong binh pháp của các nhà binh lược luôn dành một chương cho tìm hiểu và tuyển dụng nhân tài. Huống hồ, với Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Tuấn còn đích thân rèn cặp, như sách sử đã viết, còn gả con gái, và không chỉ dùng vị tướng trẻ này mà còn tiến cử ông với triều đình, để tạo một bước đi đầu tiên trong con đường dấn thân rất lâu và rất xa sau này.

Sự tiếp nối kỳ diệu

Trong chiến tranh Đại Việt - Nguyên Mông lần thứ 2, Phạm Ngũ Lão với tư cách là phó tướng của Trần Quang Khải đánh trận bến Chương Dương. Ở cuộc chiến lần 3, ông là vị tướng tham gia vào trận Bạch Đằng Giang lịch sử.

Tuy nhiên, trong dòng chảy ào ạt của 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, vai trò nổi bật là những danh tướng lão luyện như: Trần Thủ Độ, Lê Phụ Trần, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật… Phạm Ngũ Lão chỉ là một trong những tướng lĩnh có vai trò giúp sức đắc lực. Đến thời kỳ khi các vị tướng vừa kể người đã mất, người đã già yếu, Phạm Ngũ Lão nổi lên như một trụ cột của triều đình, chứng tỏ được là người kế tục sự nghiệp của Trần Quốc Tuấn một cách xứng đáng.

Trong giai đoạn của thời vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông, Đại Việt sau khi kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thắng lợi còn phải đương đầu nhiều thù trong, giặc ngoài. Đây là thời kỳ Phạm Ngũ Lão chứng tỏ tài năng quân sự xuất chúng và đã đánh là thắng. Sách sử về ông thời kỳ này cũng vắn tắt, gần như gói gọn hai chữ: “Chiến thắng”. Ví dụ vào năm 1294:

“Tháng 8, thượng hoàng thân đi đánh Ai Lao, bắt được người và súc vật không xiết kể. Trong việc đánh dẹp này, Trang Thành Vương (không rõ tên) bị quân Ai Lao vây, Phạm Ngũ Lão chợt đem quân ập đến, bèn giải được vây, rồi tung quân đón đánh lại, quân giặc bị thua. Ban cho Ngũ Lão phù bằng vàng” (Sđd, trang 325).

Năm 1297, “Nước Ai Lao xâm lấn sông Chàng Long, Phạm Ngũ Lão đem quân đánh, quân giặc bị thua, lấy lại được đất cũ. Vua ban vân phù cho Phạm Ngũ Lão (Sđd, trang 326).

Năm 1302,“Có nghịch thần tên là Biếm làm loạn, sai Phạm Ngũ Lão đi đánh, giết được Biếm. Cho Ngũ lão làm Diện súy, ban cho hổ phù” (Sđd, trang 337)...

Năm 1318, “Sai Huệ Võ Vương Quốc Chẩn đi đánh Chiêm Thành. Tộc tướng nhà Lý là Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến chết tại trận. Quản thiên võ quân là Phạm Ngũ Lão tung quân đánh ở phía sau, quân giặc thua chạy, bắt được rất nhiều. Phong Ngũ Lão tước quan nội hầu, ban cho phi ngừ phù và cho con làm quan” (Sđd, trang 352)…

Giải thích về nguyên nhân bất khả chiến bại của Phạm Ngũ Lão, sử thần Ngô Sĩ Liên cho rằng do vị tướng này đã tài giỏi lại được Trần Quốc Tuấn dạy bảo thêm cho “nên tài khí hơn người”. Sử thần này cũng cho rằng “Quân của ông đều một lòng thân yêu như cha với con, đánh đâu được đấy”.

Phạm Ngũ Lão khi mất được vua nghỉ chầu 5 ngày, một ân điển đặc biệt, được lập đền thờ ở nhiều nơi, trong đó có đền thờ ở ngay nền nhà cũ của ông ở làng Phù Ủng. Nhân dân còn nhớ đến ông như một vị tướng lỗi lạc, người chất chứa tráng khí của thân trai mang nợ công danh, nợ ơn đất nước.

Hãy đọc bài “Thuật hoài” của ông: “Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu/ Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu/ Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”; Trần Trọng Kim dịch: “Múa giáo non sông trải mấy thu/ Ba quân khí thế át sao Ngưu/ Công danh nam tử còn vương nợ/ Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”.

"Tôi từng thấy các tướng giỏi đời Trần như Hưng Đạo Vương thì học vấn tỏ ra ở bài hịch, Phạm Điện Súy (Phạm Ngũ Lão) thì hiện ra ở câu thơ, không chỉ chuyên võ mà thôi, mà dụng binh tinh diệu, chiến tất phải thắng, đánh tất lấy được, người xưa không ai hơn." - Ngô Sĩ Liên

Nguyễn Hưng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thong-diep-tu-lich-su-pham-ngu-lao-vi-tuong-bach-chien-bach-thang-380705.html