Phạm Hồng Linh - Cô gái 9X gây tiếng vang trên đất Mỹ với Triển lãm chiếu cói Việt Nam

Linh Phạm tên đầy đủ là Phạm Hồng Linh, sinh năm 1992, tại Hà Nội. 18 tuổi Linh Phạm xa nhà đi du học, cô đã hoàn thành khóa Cử nhân kinh tế tại Đại học Brown (Mỹ) và Thạc sỹ Truyền thông trực quan tại đại học Royal College of Art (Anh quốc). Linh sử dụng thành thạo 3 ngoại ngữ: Anh, Trung Quốc, Nhật.

Phạm Hồng Linh hiện sống và làm công việc thiết kế tại Boston (Mỹ). Linh yêu mến và muốn giới thiệu nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống Việt Nam ra nước ngoài. Cô cũng quan tâm đến các dự án thiện nguyện và hiện đang có nhiều dự án giúp các bạn trẻ trong nước khởi nghiệp.

Xa quê, nhưng Linh Phạm đã rất vui khi được trao gửi niềm vui tới 125 hộ gia đình ở Làng cói Cẩm Nê đón Xuân Tân Sửu.

Xa quê, nhưng Linh Phạm đã rất vui khi được trao gửi niềm vui tới 125 hộ gia đình ở Làng cói Cẩm Nê đón Xuân Tân Sửu.

Lạc Lối trong tiếng dệt chiếu cói

Triển lãm mang tên Area Code tại Mỹ mới đây, đã gây tiếng vang lớn, được nhiều báo chí trong nước và thế giới quan tâm. Và, cô gái Việt Nam thuộc thế hệ 9X đã để lại dấu ấn sâu đậm với tác phẩm dệt chiếu lác (cói) của Việt Nam trên đất Mỹ. Đó như là một câu chuyện cổ, một sự hoài niệm gắn liền với việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống tại Việt Nam, quê hương của Phạm Hồng Linh.

Tác phẩm của Linh là một video art Lạc Lối trong tiếng dệt cói với 4 bức tranh đồ họa làm bằng lập trình máy tính. Tất cả đều được lấy cảm hứng từ những chiếc chiếu cói nhiều màu được dệt tay ở làng Cẩm Nê, Hòa Tiến, Hòa Vang, TP Đà Nẵng, một nghề truyền thống được coi là di sản phi vật thể nhưng lại đang bị mai một dần…

Mở Video art Lạc lối, màn hình sẽ lần lượt hiện ra những sợi dọc, sợi ngang nhiều màu sắc, sợi xanh, sợi hồng, sợi tím, sợi vàng… đan dần vào nhau, và một chiếc chiếu cói dần dần hình thành. Trong suốt thời gian đó, tiếng xào xạc của cây cói (cây lác), tiếng quẹt trên sân của cói khi phơi, khi nhuộm không bao giờ dứt cả. Cả video dài tới 30 phút, giúp công chúng có thể hình dung về nghề dệt chiếu, về việc những nghệ nhân đã dệt ra sao. Đó chính là tác phẩm của nhà thiết kế Việt Phạm Hồng Linh tham gia Triển lãm Area Code lần đầu được giới thiệu ở vùng New England, đông bắc Hoa Kỳ.

Linh Phạm hiện đang sống và làm việc tại Mỹ

Triển lãm hoàn toàn miễn phí cho cả nghệ sĩ và người xem, là một sự kiện phối hợp những công trình sáng tạo và thử nghiệm của một nhóm các nhà giám tuyển tại Boston. Triển lãm Area Code trưng bày các tác phẩm của những gallery nghệ thuật truyền cảm hứng nhất, các tổ chức phi lợi nhuận, và các nghệ sĩ độc lập không đại diện cho gallery nào, Phạm Hồng Linh cho biết.

Nỗi nhớ truyền thống, nỗi nhớ nhà

Trao đổi với phóng viên về tác phẩm của mình, Phạm Hồng Linh cho biết: Kỹ thuật dệt chiếu và lập trình máy tính cũng có nhiều điểm chung. Trước khi dệt chiếu, người nghệ nhân phải tính toán bố cục, tính từng sợi cói để dệt lên chiếc chiếu màu sắc hài hòa. Cũng như Linh nghĩ từ khi thiết kế, đến khi bắt tay vào lập trình trên máy tính. Khi thiết kế, Linh nghĩ đến những điểm chung trong tác phẩm và kết hợp nó để tạo ra một cách nhìn mới về hai ngành tưởng chừng như rất khác nhau nhưng lại có nhiều điểm tương đồng. Đó còn là nỗi nhớ quê hương, nhớ những ngày thơ ấu, nỗi nhớ ở hai đầu xa cách được đưa vào tác phẩm dự thi …

Linh kể, cô cố tình làm tác phẩm dài tới 30 phút để nhấn vào quá trình dệt chiếu kéo dài cả ngày của nghệ nhân. Nếu mọi người có thể dành một vài giờ để xem một cuốn phim, nhà thiết kế nghĩ cũng có thể dành nửa giờ để dõi theo từng cọng cói được đan vào nhau, cùng với tiếng xào xạc của rừng lác và tiếng khung cửi trước đây đã là nhịp đập của làng Cẩm Nê. Linh mong là từng người xem có thể cảm nhận khác nhau, tùy vào tâm trạng và ký ức của mỗi người, về chiếc chiếu cói và nghề dệt chiếu cói truyền thống.

Với Linh, ký ức về chiếc chiếu là ký ức ngọt ngào nhất. “Lúc tôi còn nhỏ, nhà lúc nào cũng có chiếu xếp lại ở góc nhà, lúc thì dùng để gia đình ngồi ăn cơm cùng nhau, lúc thì để ngủ trưa hè mát mẻ. Linh nhớ nhất hình ảnh cả nhà bên mâm cơm với chiếc chiếu được trải ra, nhớ cả những món ăn mẹ nấu với rất nhiều màu sắc. Hình ảnh chiếc chiếu thật sâu đậm trong ký ức của Linh. Tìm hiểu trên sách báo, Linh được biết, dưới triều Nguyễn, chiếu Cẩm Nê rất được yêu chuộng. Nhưng rồi, thời gian mai một, nghề truyền thống cũng đang dần mất đi, ở Cẩm Nê hiện chỉ còn một vài gia đình theo nghề dệt chiếu.

Linh và tác phẩm dự thi

Hy vọng, những bức tranh và video art của Linh sẽ gợi trí tò mò cho nhiều bạn trẻ. Linh muốn sau khi xem tranh, nhiều bạn sẽ hiểu thêm về nghề dệt chiếu thủ công truyền thống và dành sự giúp đỡ cho nghề truyền thống này. Linh vẫn mong về Việt Nam, để đến thăm và tìm hiểu sâu hơn về nghề dệt chiếu ở làng Cẩm Nê, để được sống lại với kỷ niệm, ký ức khi còn nhỏ. Linh hiểu rằng, dệt chiếu ở Việt Nam là một nghề thủ công, gian nan nhọc nhằn nhưng có truyền thống tới cả ngàn năm nên cần được gìn giữ và phát huy.

Chuyện cổ tích giữa đời thường

Phóng viên GĐVN được tham gia, đồng hành cùng Phạm Hồng Linh từ những bài báo đầu tiên, đưa tin về Triển lãm Area Code trên đất Mỹ, được chia sẻ với Linh và gia đình những niềm vui đầu tiên khi Linh tham gia triển lãm, khi Linh nhận giải và cả lời hứa sẽ trao quà cho bà con Cẩm Nê khi bán được tranh, ký ức đẹp, nơi khởi nguồn cho tác phẩm dự thi của Linh.

Chị Trần Lan Hương, mẹ của Phạm Hồng Linh trao những bức tranh khắc họa hình ảnh dệt chiếu cói bằng công nghệ số coding cho Lãnh đạo Huyện Hòa Vang, Hòa Tiến, Đà Nẵng.

Và như một câu chuyện đẹp, một cổ tích đẹp giữa đời thường, những ngày đầu năm 2021, phóng viên GĐVN đã chứng kiến Lễ trao những phần quà Xuân yêu thương của nhà thiết kế Phạm Hồng Linh tới bà con nhân dân thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Tp Đà Nẵng. 125 suất quà, trị giá 100 triệu đồng, tiền bán những bức tranh khắc họa về nghề dệt chiếu cói tại Triển lãm Area Code Mỹ đã được trao cho 125 hộ gia đình. Với Linh đây là món quà Xuân mừng năm mới, mong cho. nghề thủ công của Việt Nam luôn được lưu giữ.

Anh Nguyễn Thúc Dũng, Phó chủ tịch huyện Hòa Vang vui mừng cho biết: "Chúng tôi cũng không nghĩ là ở xa xôi trên đất Mỹ, có một cô gái trẻ lại quan tâm và nhớ đến nghề cổ truyền dệt chiếu cói của Làng Cẩm Nê. Nhận điện thoại của PV GĐVN, tôi và cả làng đều vui. Chúng tôi đã mời 125 bà con đại diện cho 125 hộ gia đình ở làng về Nhà văn hóa của thôn để gặp gỡ, chia sẻ, cùng ôn lại nghề truyền thống, mong rằng sau sự kiện này, nghề dệt chiếu cói sẽ được khôi phục và nhân rộng.

Cảm ơn em Phạm Hồng Linh và gia đình của em, cảm ơn các anh chị nhà báo đã quan tâm, đến tận nơi chia sẻ và động viên bà con chúng tôi. Bà con nhân dân Cẩm Nê đón Xuân 2021 thật ấm áp và nghĩa tình".

Tọa lạc ở miền Trung Việt Nam, Làng Cẩm Nê thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 14km. Theo sử sách, nghề chiếu Cẩm Nê có nguồn gốc từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa, được truyền vào miền Nam khoảng từ thế kỷ 15, lúc vua Lê Thánh Tôn chiến thắng Chiêm Thành, sát nhập thành Đồ Bàn vào Quảng Nam- Đà Nẵng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và bị cạnh tranh gay gắt, nghề chiếu Cẩm Nê vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay.

Cẩm Nê được biết đến như là một làng nổi tiếng với loại chiếu lác (cói) dệt tay tỉ mẩn và sặc sỡ sắc màu, một thời là niềm yêu thích của vua chúa Triều Nguyễn. Để có một chiếc chiếu, phải mất rất nhiều công đoạn, từ làm lác đến làm đay, nhuộm rồi dệt, mà phải một ngày hai người mới dệt xong một chiếu chiếu hoa. Người chao cói, người đập, cứ thế, từng sợi, từng sợi, trên khung cửi thủ công đơn giản. Tiếng sột soạt của cói và tiếng cót két của khung cửi chính là nhịp đập trái tim của làng cói Cẩm Nê vậy.

Triển lãm Area Code tại Mỹ với tác phẩm chiếu cói là sự hoài niệm về tuổi thơ, về những người nông dân lam lũ với nghề thủ công truyền thống đang dần mất đi với mong muốn lưu lại một di sản vật thể quốc gia, một làng nghề truyền thống trong ký ức của Phạm Hồng Linh với quê hương.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/pham-hong-linh--co-gai-9x-gay-tieng-vang-tren-dat-my-voi-trien-lam-chieu-coi-viet-nam-d165869.html