Phạm Công Thắng, cây bút mới nhiều hứa hẹn...

Thời gian gần đây, trên một số tờ báo trung ương và địa phương, xuất hiện nhiều truyện ngắn được đăng tải với cái tên tác giả Phạm Công Thắng, trong đó có một số truyện khá hay, được bạn đọc ghi nhận.

Tuy nhiên có thể thấy, Phạm Công Thắng là một cái tên rất mới mà bạn đọc chưa hề biết đến trong lĩnh vực văn học, kể cả trong lĩnh vực sáng tác truyện ngắn.

Vậy tác giả Phạm Công Thắng là ai, mà khi mới xuất hiện trên văn đàn, đã phần nào chiếm được cảm tình của độc giả?

Thực ra Phạm Công Thắng chẳng phải người nào đó xa lạ, anh vốn xuất thân từ nghề nhiếp ảnh ở Thanh Hóa và qua quá trình hoạt động nhiếp ảnh, đã ngày càng trưởng thành và trở thành một nhiếp ảnh gia khá nổi tiếng, hiện là hội viên của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Anh đang sống tại Hà Nội, đã có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật được đồng nghiệp và bạn đọc trong và ngoài nước đánh giá cao, nhiều năm liền được nhận bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nhiếp ảnh Việt Nam.

Phạm Công Thắng từng đạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh nghệ thuật, như Giải nhì, Huy chương Đồng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật Bắc miền Trung, Giải thưởng Lê Thánh Tông và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, Giải thưởng lớn ảnh quốc tế của Cộng hòa Pháp, Huy chương Vàng trong các cuộc thi ảnh quốc tế tại Srilanka và Malaysia...

Anh cũng từng có 2 Triển lãm ảnh cá nhân tại Thanh Hóa và tại Hà Nội; đã xuất bản 2 sách ảnh với nhiều tác phẩm có chất lượng cao, được bạn đọc trân trọng và ghi nhận...

Đồng thời, Phạm Công Thắng còn là một nhà báo lâu năm trong nghề, có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc được bạn đọc đón nhận và đáng giá cao. Lần đầu tiên gia nhập làng báo, Phạm Công Thắng là phóng viên, Biên tập viên của tờ báo Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa, tiền thân của báo Văn hóa Đời sống ngày hôm nay. Sau đó anh từng làm phóng viên, biên tập viên và thư ký tòa soạn của nhiều tờ báo trung ương và địa phương, trong quá trình hoạt động báo chí, Phạm Công Thắng có nhiều bài viết có chất lượng tốt, được bàn bè, công chúng ghi nhận. Anh cũng đã đạt được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi báo chí trung ương và địa phương...

Và thế rồi, một ngày đẹp trời giữa năm 2020, dường như đã có sự “bão hòa” với nghề báo, nghề ảnh, Phạm Công Thắng bỗng quay sang viết văn...

Từ đầu năm 2020, giữa cơn lốc dịch cô vít 19 làm đảo lộn, quay cuồng cả đời sống xã hội, Phạm Công Thắng tự giam mình trong mấy bức tường trong căn nhà riêng của anh ở phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, Hà Nội. Từ những đoạn tản văn về thế thái nhân tình, những trải nghiệm trong đời sống hàng ngày, những bài viết tâm huyết về chống tham nhũng, tiêu cực.. dường như không đủ để trải lòng, để bày tỏ, chia sẻ trước những bức bối, chiêm nghiệm, đa đoan, Phạm Công Thắng bắt đầu viết truyện ngắn. Những truyện ngắn đầu tay anh đăng tải trên trang cá nhân, các trang mạng xã hội như các truyện “Chuyện tình bên sông”, “Tình yêu trở lại”, “Người đàn bà chờ chồng”....đa số có nội dung cốt truyện khá đơn giản, được viết theo lối tả chân, thực chất là những câu chuyện mà anh viết nên từ những kiến thức đã được tiếp nhận, chắt lọc, trải nghiệm từ thực tế, từ vốn sống dày dặn và cả từ tiếp thu, học hỏi được từ các dòng văn học đương đại...

Dù còn vấp phải khá nhiều lỗi khó tránh khỏi của người mới viết văn, nhưng những truyện ngắn đầu tay của Phạm Công Thắng đã được nhiều bạn bè, người thân, quen đón nhận và bình luận, trao đổi khá rôm rả. Đây cũng chính là niềm vui và là nguồn động viên to lớn giúp Phạm Công Thắng có thêm động lực “lao vào” viết tiếp các truyện ngắn khác. Với một niềm say mê và nhiệt tình hiếm có, Phạm Công Thắng viết với một tốc độ “chóng mặt”, anh có thể một tuần đều đặn cho ra đời hai truyện ngắn. Các truyện tiếp theo như “Bẫy tình”, “Bảy trọc”, “Cái giá phải trả”, “Cường đen”, “Hiệp công tử”... là những truyện ngắn được anh sáng tác theo kiểu nhanh như vậy. Và dù rằng được viết ra khá nhanh, những truyện ngắn của anh ngày càng được cải thiện về chất lượng. Cốt truyện được nâng dần lên, cấu tứ ngày càng trở nên rõ hơn và lời văn cũng thêm phần cô đọng, trau chuốt hơn. Qua đó nhiều truyện ngắn của Phạm Công Thắng đã được chọn đăng trên các báo Lao động, Tiền phong, Người Hà Nội, các Tạp chí Hội nhà văn, Văn học Công nhân; Văn hóa - Văn nghệ, Văn Hiến, Dư luận Xã hội... cùng nhiều báo viết, báo điện tử khác.

Phản ánh những nội dung, đề tài khá phong phú, đa dạng, từ truyện thế sự, chuyện tình yêu, chuyện xã hội, chuyện về xã hội đen, giới giang hồ... cho đến cả chuyện... kinh dị, hiện nay Phạm Công Thắng vẫn say sưa viết và có thể nói, càng về sau truyện ngắn của anh càng phản ánh thêm những yếu tố mà một tác giả truyện ngắn hay cần có: sự khoan thai, điềm tĩnh, ý tứ thâm trầm, cốt truyện rõ ràng, truyện có mâu thuẫn, cao trào... Đó cũng là trường hợp mà một số truyện như “Ngã rẽ”, “Chuyện tình bên nấm mộ”, “Lầm lỗi”, “Mặt nạ”, “Bảy trọc”, “Thằng Bành”... của tác giả đã phần nào đạt được...

Trong truyện ngắn “Ngã rẽ”, hai nhân vật Tuấn Tú và Mai Thảo yêu nhau. Mai Thảo có thai, nhưng vì toan tính riêng, Tuấn Tú đã quay sang lấy vợ khác. Bẽ bàng đau đớn, Mai Thảo quyết định lấy Duy Hải, người đàn ông cùng cơ quan để giữ lấy đứa con. Cháu bé, Duy Thái lớn lên trong tình thương yêu của bố mẹ. Nhưng rồi Duy Hải tình cờ biết được Duy Thái là con của Tuấn Tú. Bàng hoàng, anh đã toan ly hôn, nhưng vì tình yêu với người vợ mà anh theo đuổi từ lâu, cũng như tình yêu với đứa con trai không phải do mình sinh ra, với tấm lòng cao thượng, bao dung, Duy Hải đã cầm lòng chịu đựng vết thương quá lớn, quyết định thanh thản để mọi chuyện trôi qua một cách bình yên... đây quả là một kết cục tốt đẹp mà tác giả Phạm Công Thắng đã lựa chọn, một kết cục hiếm có nhưng thấm đẫm sự nhân văn mà cuộc sống này cần có...

Nội dung của truyện ngắn “Bảy trọc” lại nói về “Thế giới giang hồ”. một chủ đề khá cũ nhưng vẫn có phần hấp dẫn. Bảy Trọc vốn là một ông trùm khét tiếng gian manh, được sự chống lưng ” của nhiều thế lực xấu, nhưng cuối cùng cũng phải tra tay vào còng với một bản án thích đáng. Thời còn ngang dọc, hắn được đủ loại người săn đón, nhưng đến khi ra tù, thân tàn ma dại, nước mắt đầm đìa, hắn chỉ còn có người vợ già chung tình chờ đợi hắn trở về. Câu chuyện là lời cảnh tỉnh cho những ai có cách sống bạo lực tương tự. Phải chăng tác giả muốn nhắn gửi thông điệp nêu cao lối sống nhân ái cho mọi người trong xã hội?

Một truyện ngắn khác, “Chuyện tình bên nấm mộ”, tác giả viết bằng lối văn phảng phất “phong vị liêu trai”. Nhưng không chỉ có thế, câu truyện cũng đưa chúng ta trở về những ngày khói lửa xưa cũ, nhắc nhở ai đó đừng quên những kẻ đã nằm xuống. Cốt truyện do đó, bên cạnh sự hấp dẫn ma mị, còn toát lên ý tưởng nhân văn mà đa số truyện ngắn của Phạm Công Thắng đều không thiếu...

Gần đây nhất, Phạm Công Thắng cho biết, anh đang tất bật cho việc chuẩn bị ra mắt tập truyện ngắn đầu tay với nhan đề “Ngã rẽ” - một truyện ngắn cùng tên trong tập truyện. Sách được đăng bởi Nhà xuất bản Văn học, gồm 20 truyện ngắn với độ dày gần 300 trang. Đây sẽ là thành tựu văn chương đầu tiên của anh, hy vọng sẽ là khởi đầu mới của một sự nghiệp văn chương mà Nhà báo, Nhà nhiếp ảnh Phạm Công Thắng đang hướng tới?

Vốn là một người bạn thân thiết, cùng làm việc tại tờ báo Văn hóa Thông tin Thanh Hóa ngay từ những ngày đầu, tác giả bài viết này luôn gần gũi, đồng hành và đã được chứng kiến, ghi nhận nhiều thành công trong các lĩnh vực báo chí, nhiếp ảnh của Phạm Công Thắng trong nhiều năm qua. Giờ đây lại được chứng kiến sự “bứt phá ngoạn mục” của anh sang lĩnh vực văn học, với những thành công ban đầu. Tác giả bài viết này, cũng như rất nhiều bạn đọc khác, rất mong mỏi, hy vọng và tin rằng, Phạm Công Thắng, với sự mê say, nhiệt tình của mình, sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực sáng tác văn học của mình.

Có người nói tuổi tác hạn chế sự đam mê, nhưng đối với Phạm Công Thắng, điều này không đúng, bởi anh hiện được nhiều người coi là một cây bút mới nhiều hứa hẹn, một nhà văn tương lai. Và chúng ta đang bắt gặp anh hãy còn rất trẻ trên con đường sáng tác văn học dài dằng dặc, một con đường đầy gian truân, khổ ải mà anh mới bắt đầu dấn thân...

Ảnh trong bài: Tác giả Phạm Công Thắng.

Hà Nội, 12/2020 - ĐNL

Đào Nguyên Lan

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/pham-cong-thang-cay-but-moi-nhieu-hua-hen-81343