Phẩm chất người trong thời đại máy

Lãnh đạo giỏi không đánh giá bằng số người đi theo họ, mà bằng số lãnh đạo thế hệ mới họ đã tạo ra.

Người máy Sophia có thể giao tiếp với con người

Người máy Sophia có thể giao tiếp với con người

Trên chuyến tàu nhanh từ London sang Brussel một ngày mùa thu tháng 7/2018, tôi nghĩ, cuộc đời kỳ diệu thật.

Một người Việt Nam sinh ra trong những ngày tháng Tổ quốc gian nan, thiếu thốn vạn bề vật chất, lĩnh hội một nền giáo dục đã lỗi thời, sao có thể di chuyển giữa những ranh giới vật lý chưa bao giờ mảy may nghĩ đến?

Không nền tảng, thiếu kiến thức, trống rỗng ước mơ thời trẻ trâu, tôi vin vào cái gì để tự cho bản thân cơ hội được tự do chọn lựa những chuyến tàu xuyên lục địa? Tôi may mắn? Nhưng tôi có may mắn gì hơn nhiều người Việt trẻ hôm nay? Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, chật vật vì sự xáo trộn của xã hội, học như vẹt, và chẳng có chút ý niệm nào về chuyện mình học gì và học để làm chi. Tình thật, tôi cũng chỉ bắt đầu như các bạn, có khi còn tệ hơn là đằng khác. Điều vĩ đại duy nhất tôi tình cờ vấp phải, là sự chới với, bàng hoàng một chiều hạ mong manh, về sự ngộ nhận, sự tự cao đầy ngu dốt của bản thân mình. Thì ra, thế giới ngoài kia to lớn lắm!

Ta giỏi gì khi thế giới còn chưa biết tương lai sẽ về đâu? Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chẳng hiểu từ xó xỉnh nào, bỗng dưng lật nhào mọi khái niệm mà người ta bao năm qua cố nhét vào đầu lũ trẻ. Diễn đàn kinh tế thế giới tuyên bố, 65% công việc mà các bạn học sinh cấp 1 sẽ thực hiện trong tương lai, giờ chưa biết là việc kiểu gì. Trời! Nếu còn không biết 10-15 năm nữa công việc ta làm sẽ là gì, vậy con người phải học sao, học cái gì đây cho đúng? Khái niệm đúng sai, mọi tính toán hoàn hảo về con đường sự nghiệp, công danh giờ biết rẽ ngã nào? Vậy, ta giỏi gì? Không lẽ giỏi cái chưa biết? Nghe cũng hay hay nhưng hình như có gì đó sai sai…

Trong những chuyển động toàn cầu hóa và cách mạng 4.0, tất cả chúng ta, người làm giáo dục, phụ huynh, người đang đi làm, bạn trẻ đang đi học, đều hoang mang như nhau. Học gì, làm sao, kết nối với tương lai và thế giới như nào? Tất cả chúng ta, tôi nhắc lại là tất cả chúng ta đều dừng lại, hỏi mình đâu ngã rẽ của tương lai.

Khi thế giới của bạn là một chiếc ao tù

Thế giới bàn nhau về cảnh giới gọi là singularity- cảnh giới mà ở đó, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo sẽ khai sinh một nòi giống siêu việt hơn, siêu thông minh, có khả năng nâng cấp trí thông minh và công nghệ vô giới hạn, với tốc độ không ai trên đời này còn tưởng tượng ra. Mấy chuyện viễn tưởng thành sự thật rồi.

Vậy mà thế giới của bạn vẫn là một chiếc ao tù, đương nhiên bạn phải kiếm chuyện để GATO hết cái lũ ngày nào cũng lòng vòng phát chóng mặt trong cái xã hội đen đúa ấy. Ghét đến phát cuồng lũ muồng bọ cá kiếc chỉ biết chen ra, bu vào, tranh nhau nạo vét nỗi lòng của cái ao tù. Không thở nổi! Cái ao tù đen lòm ngòm, bùn lầy ngập ngụa. Đến hơi thở cũng cằn cỗi. Mồm há ra ngậm vào, hùng hục vẫn không thấy nửa miếng bong bóng trồi lên trên mặt nước. Vì có nước đâu. Chỉ là một mớ sình lầy nhão nhoẹt ấy mà. Cảm xúc, tất cả những thứ gọi là cảm xúc trây trúa vào nhau thành một mớ nhầy nhụa chẳng biết gọi là chi. Nó có vị đắng tê tái của sợ hãi, vị chát chúa oặn người của thù hận, vị chua sình đến vỡ phổi của ghét ghen, và cái màu đêm đông tím tái của trầm cảm. Bế tắc!

Cuộc sống, có những lúc ta lỡ chân trượt vào một cái ao tù như thế. Ta lóp ngóp giữa dòng đời. Hận! Ta hận đời là một cái ao tù. Hận! Ta hận trời quăng ta vào nỗi tối tăm. Hận! Ta hận bản thân bất lực, không dám lăn ra chết cho xong một kiếp sình lầy. Nhưng ao tù, chỉ là một cái ao. Ai bắt ai phải ngóp ngoi trong đó?

Thế giới, có đại dương xanh, biển bạc, sông hồ, có những miền băng tuyết bạt ngàn phủ trắng mùa lễ hội. Nhỏ xíu, đen thui, thở không nổi, là do bạn chọn thôi. Ai bắt?

Ao tù, có khi không tồn tại. Nó chỉ là một nỗi ám ảnh, là đám sình lầy vận vào tư duy của mỗi chúng ta. Cho đến khi ta phát hiện ra rằng, ngoài kia trời vẫn rất cao xanh, & điệu tango bạc của sóng vẫn lăn tăn đời nắng. Nhưng ta sợ….

Khi quen mùi bùn liệu ta có còn dũng cảm để bước về bên sóng?

Khi quen sình lầy, liệu ta có còn khao khát điệu tango?

Và khi chiếc ao tù nó đè lấy thân ta, liệu ta có đủ niềm tin để rước nắng về đại dương lồng lộng gió?

Ao tù, chẳng có. It’s a state of mind – Nó chỉ là trạng thái tư duy bị cầm tù, gạt gẫm, thôi miên.

Ao tù, chỉ là lựa chọn đầy sợ hãi mà chính ta, hay ai đó, đã dán như dán một đạo bùa lên chính cuộc đời mình.

Sự thật vĩnh hằng – vũ trụ luôn tồn tại vô số và muôn vàn lựa chọn. Câu hỏi đặt ra là ta có muốn tìm ra và tìm về sự thật hay không. You are what you think – Khi ta nghĩ mình chỉ xứng đáng ngóp ngoi trong một cái ao tù, thì thế giới lồng lộng của đại dương không tồn tại.

Tác giả Nguyễn Phi Vân

Làm việc để là chính mình?

Happiness is the end game – Hạnh phúc là đích đến cuối cùng. Mình hay nói câu này khi chia sẻ với mọi người về cuộc đời, sự nghiệp. Cuối cùng, mình sinh ra để làm gì, cày cuốc để làm gì, cạnh tranh đâm chém nhau để làm gì? Vì làm hết tất cả những việc đó xong, mới vỡ ra là mình chả chút nào hạnh phúc. Nên mới có chuyện người giàu cũng khóc. Nên mới có chuyện người nổi tiếng suốt ngày đâm đầu tự tử hoài. Nên có nhiều người bạn của tôi, CEO tập đoàn này nọ to như khủng long, bước ra oai như dũng sỹ, mà nhếch mép cười không nổi, mà bị trầm cảm vì áp lực của tất cả mọi phía đổ về có một bờ vai.

Tái tạo tổ chức không dễ, nhưng mà rất dễ. Người chưa thông, về giá trị, nghe xong sẽ cười xòa. Vì hình hài của tổ chức này, nghe rất buồn cười, để ta được làm chính mình, để ta trở thành người mà chính ta kỳ vọng. Lãnh đạo tổ chức này phải là người đã ngộ. Thành viên tổ chức này là tập thể kết nối với nhau bằng một giá trị chung, cùng chung tay vì một mục đích chung. Và mục đích đó, chỉ đơn giản là mang lại những điều tốt đẹp hơn cho loài người, cho hành tinh, cho thế giới.

Có bao nhiêu người chúng ta đang ngồi làm việc giờ này, chán nản và tự hỏi, ủa tại sao mình khổ thế? Ủa tại sao mình phải bán linh hồn và tấm thân này vì một mớ thành công vô giá trị nào đó của ai kia? Bạn đang hỏi mình đó, và sẽ không ngừng hỏi. Tái tạo tổ chức là câu trả lời cho những cá nhân và tập thể đang hỏi mình như thế, và đang tìm cho mình một hành trình mới đáng sống hơn. Làm việc, là cống hiến cho cộng đồng, cho hành tinh, cho hạnh phúc được cống hiến và được là bản thân mình.

Hồi còn Việt Nam, tôi nghĩ mình thật oách. Ra thế giới xong, tôi trầm cảm vì thấy mình thật ra chẳng có biết gì. Tôi lao vào học, học tất cả những kiến thức nền về văn hóa, xã hội, lịch sử, chính trị, địa lý, nghệ thuật, âm nhạc, vv của mọi miền thế giới. Đến đâu, tôi học và đọc đến đó. Đến đâu, tôi tìm thầy địa phương dạy cho mình đến đó. Cái này, gọi là phát triển bản thân. Học, đâu chỉ có nghĩa là học ở trong trường. Học, là khi hôm nay ta thấy mình lớn hơn hôm qua, tháng này lớn hơn tháng qua, năm này lớn hơn năm qua. Nên gặp các bạn trẻ tôi hay hỏi, năm nay có gì khác năm rồi không em. Ừa, mà năm nay bạn có gì khác hơn năm ngoái?

Trong tập đoàn, tôi xông pha ghê lắm. Có dự án gì mới, có công việc gì mới, có mảng kinh doanh nào mới, là tôi xông vào xin được tiên phong. Biết sao không? Ta đâu có học được gì khi ta cứ 9g sáng tới 5g chiều một con đường đi qua đi lại. Không thử, sao biết mình không làm được? Không vượt ra khỏi vùng an toàn, sao biết mình cần phải học thêm? Mớ kiến thức nhà trường dạy cho, nó già như cây cổ thụ trên cung trăng. Giở nó ra, bụi bay thôi cũng đủ nghẹt thở chết hết thế giới này. Rồi không lẽ, ta sống với cái thứ tàn tạ cũ kỹ đó cả đời? Rồi không lẽ, ta lấy nó ra nhai đi nhai lại cho con cháu đời sau? Tội sấp nhỏ nhe! Kính thì nó đứng nó nghe, chứ trong lòng nó ngủ gục từ khi bạn mới giở bài. Đối diện với chuyện đó đi! Bạn chỉ giỏi tính đến ngày hôm qua thôi nhé.

Rồi chẳng may, ta lại rơi đúng vào thế kỷ này, thế kỷ mà mua xe hơi cũng mua bằng máy bán hàng tự động, của drone – thiết bị bay không người lái thụ phấn thay ong, của trái tim người in bằng máy in 3D, của thiết bị thông minh tự kết nối và bàn bạc với nhau, rồi dặn người phải theo đó mà làm. Từ khi nào, ta không còn định hướng, mà cứ đi cắm mặt vào điện thoại và lần theo những dấu chỉ của Google? Một lần nữa, ta thảng thốt nhận ra, tất cả những gì mình đang biết, đã trở thành khủng long quá khứ. Giờ sao? Đâu còn cách nào khác, ta hì hục làm lại từ đầu, học lại từ đầu, mổ óc mình ra để loại bỏ những u nhọt cũ kỹ, để cái đầu cho trống mà nhét thêm kiến thức lạ vào. Mệt chứ đâu phải không! Nhưng luật chơi là vậy. Ngưng một ngày, bạn hóa thạch một ngày. Ngưng vài ngày, người qua đường xuýt xoa, cái tượng đá này, cũ và đẹp như thời kỳ Phục hưng thế kỷ 14 nhỉ? Bởi, già như tôi, mà giờ này vẫn cắp sách đều đều đi học.

Mười kỹ năng mà loài người cần để có thể giỏi hơn robot trong công việc:

Đó chính là kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp: hiểu những thứ mà máy không hiểu được chính là chìa khóa để chúng ta đi về tương lai.

Tư duy phản biện: phân tích lập luận với tư duy mở sẽ trở thành kỹ năng cần nhất cho tương lai.

Khả năng sáng tạo: một phẩm chất quan trọng hàng đầu của loài người cần phát huy, ví đó chính là vũ khí quan trọng nhất để con người vẫn qua mặt được sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.

Khả năng quản trị nhân sự: ngay cả robot cũng chẳng thể nào có được thứ hay nhất mà loài người có, sự thấu cảm, khả năng làm việc nhóm, và tính khôi hài.

Khả năng cộng tác với người khác: kỹ năng cộng tác là một trong những kỹ năng lợi hại nhất để hội nhập thế giới và tương lai cho cả đội ngũ và cá nhân.

Trí tuệ cảm xúc: sự thấu cảm và khả năng thấu hiểu sẽ giúp con người dẫn dắt một môi trường làm việc hài hòa hơn.

Phán đoán và ra quyết định: con người sẽ vẫn là loài ra quyết định, nếu bạn chưa muốn máy ra quyết định.

Tư duy dịch vụ: mang đến cho khách hàng giá trị chứ không phải là sản phẩm.

Kỹ năng đàm phán: đây là kỹ năng sinh tồn thế kỷ 21. Máy có tăng lên về dân số thì đây cũng vẫn là kỹ năng của loài người. Tư duy linh hoạt: có thể thay đổi phong cách làm việc theo môi trường và nhu cầu công việc.

Trong 10 kỹ năng tương lai để đối diện với máy đó, bạn đã có những kỹ năng nào? Và bạn có sẵn sàng cho năm mới, cho thế kỷ mới?

Hãy nhớ rằng những thứ đưa bạn đến thành công hôm nay sẽ chẳng thể nào đưa bạn đến thành công của tương lai. Hãy lắng nghe và bước theo trái tim mình.

Người thành công 80% nhờ vào Trí tuệ cảm xúc

Tương lai dạy ta, quá khứ cũng dạy ta. Dù di chuyển thế nào trên trục thời gian, dù tiến hay lùi, ta chỉ cần mở lòng ra thì thời gian sẽ trở thành người thầy thông thái. Để trở thành người có nhận thức bản thân và quản trị bản thân, nhận thức văn hóa xã hội và quản trị quan hệ tốt hơn, bạn nên rèn luyện EQ- emotional intelligence- trí tuệ cảm xúc.

EQ là nền tảng để con người tương tác và làm việc một cách có trách nhiệm, hiểu biết, và tôn trọng mọi sự khác biệt giữa con người trong cùng một quốc gia, với con người từ những nền văn hóa khác, xã hội hoàn toàn khác. Người thành công trong sự nghiệp và cuộc sống 80% nhờ vào trí tuệ cảm xúc. Trí tuệ cảm xúc hoàn toàn có thể rèn luyện được, dù nhà trường chẳng bao giờ dạy ta

Khi robot lên ngôi, người chỉ có thể là người nhất mới tạo ra sự khác biệt mà thôi. Trong thế kỷ 21, trí tuệ cảm xúc là phẩm chất quan trọng để người vẫn là người, vẫn điều hành thế giới này để thế giới là thế giới của người, không phải máy.

Bảy điều tôi tổng hợp lại để bạn có thể luyện tập EQ cho mình, đó là:

Học ngôn từ về cảm xúc; Gọi tên cảm xúc; cảm xúc là dữ liệu; Quan sát cảm xúc; Nhận biết ảnh hưởng của cảm xúc đến cơ thể; Tránh những bẫy cảm xúc thường gặp; Luôn nhắc nhở mình: “Cảm xúc là dữ liệu”. Hãy nhớ là cảm xúc dẫn dắt hành động, nên muốn thay đổi hành dộng thì chỉ cần quản trị cảm xúc cho tốt. Cuối cùng, những gì chúng ta làm nãy giờ là Hiểu mình.

Cuộc chiến giữa cái đầu và trái tim hàng ngàn năm vẫn thế. Muốn nhiều tiền hơn? Muốn được làm điều mình yêu thích? Nếu vừa làm điều mình yêu thích và vừa làm ra tiền thì sao? Có ý chí sẽ có con đường. Làm điều mình có thể. Làm luôn điều tưởng chừng như không thể.

Từng trải qua bao sóng gió, lên bờ xuống ruộng trong cuộc đời này, để rồi tôi rút ra được cho bản thân 3 bài học như sau:

Thứ nhất, Happiness is the end game - cuối cùng ai cũng chỉ mong cầu hạnh phúc. Có điều, hạnh phúc không có dạng có hình cụ thể. Hạnh phúc, là những sắc màu rất khác nhau trong mắtcủa mỗi người. Không có một định nghĩa chung về hạnh phúc. Không có một thước đo chung cho hạnh phúc. Bạn làm gì cũng được, làm công, làm chủ, làm cho tập đoàn nước ngoài, làm cho tổ chức phi lợi nhuận, start up.... Sao cũng được, miễn bạn thấy hạnh phúc. Không ai bắt buộc ta, và không ai có quyền bắt buộc ta, phải thế này thế nọ, phải làm chuyện này cái nọ, theo những cái khung, cái lồng định sẵn. Bạn cũng chẳng có trách nhiệm, và không cần phải trở thành ai đó cả. Cứ là mình. Be yourself. Vậy, thế kỷ 21 gọi là bạn rất original - nguyên bản. Original idea - Sáng tạo nguyên bản là đỉnh của sáng tạo.

Ý tưởng nguyên bản là đỉnh của ý tưởng. Original YOU - chỉ cần là chính mình là sáng tạo khủng khiếp nhất mà bạn trình chiếu cùng thế giới. Happiness is the end game. Sao cũng được, chả theo cái lồng cái chậu nào, miễn là ta hạnh phúc.

Thứ hai, Take care of yourself - tự chăm sóc bản thân. Bạn OK, thế giới OK. Cơ thể khỏe, tâm trí khỏe, thì chuyện gì cũng có cách giải quyết của vũ trụ. Đừng tự mang vào người cái ách nô lệ chẳng ai khen ngợi. Self-care là chăm sóc bản thân, không phải là selfish - ích kỷ. Take care cho bản thân trước đã, rồi mới có năng lượng take care cho người xung quanh. Như đi máy bay thôi, trong trường hợp emergency, đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình, rồi mới lo cho người khác. Đừng tự cảm thấy có lỗi, vì mình chăm sóc chưa được cho người khác. Con người sinh ra, mỗi người đều có trách nhiệm tự chăm sóc cho bản thân mình. Tại mỗi giai đoạn cuộc đời, ta prioritize - sắp xếp thứ tự ưu tiên khác nhau. Khi gia đình nằm trên, khi công việc nằm trên, khi xã hội nằm trên. Thiên thời thế nào, ta biến hóa không lường thế ấy. Đâu có công thức chung là ta phải theo thứ tự nào đâu. Take care of yourself, chăm sóc mình trước đã. Don’t die starting up. Don’t work yourself to death. Đừng ngã gục, chỉ vì mục tiêu công danh phía trước. You define your own balance - thế thăng bằng của mỗi người, là do ta quyết định.

Thứ ba, Lifelong learning and personal development - Dành cả đời để học tập và phát triển bản thân, nếu bạn muốn. The world is so big - thế giới mênh mông quá. Life is so big - cuộc đời thênh thang quá. Thế kỷ 21 lại nhanh và tức thì quá. Vừa chớp mắt, thế giới đã đổi thay. Công nghệ mới xuất hiện mỗi ngày. Những gì ta học được trong trường, đã là văn học cổ. Trong vòng 5 năm tới thôi, trên 40% kỹ năng của ta đã lỗi thời và cần cập nhật ngay để gọi là còn hội nhập. Không học mỗi ngày, cập nhật mỗi ngày, từ source - nguồn mới nhất, thì sẽ có ngày đứng bên đường nhìn cuộc sống trôi qua. Cho nên, làm gì làm, bận gì bận, làm ơn đi, dành thời gian đọc, học, đắp cho mình chiếc mền tri thức mới.

Những gì tôi chia sẻ, chả mới mẻ gì. Nhưng trên hành trình cuốn theo những bộn bề, có khi ta quên mất. Dành cho mình chút thời gian để phản tư bạn nhé. Đời, chẳng mất đi đâu, sẽ hiện ra rực rỡ hơn khi tâm thế bạn đã sẵn sàng.

Hãy làm điều mang lại cho mình hạnh phúc.

*Chuyên gia nhượng quyền thương hiệu, diễn giả quốc tế

Theo Theleader

Bạn đang đọc bài viết Phẩm chất người trong thời đại máy tại chuyên mục Quản trị của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/pham-chat-nguoi-trong-thoi-dai-may-144829.html