Phẩm chất giàu

Ông là chủ một doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm nhất nhì của tỉnh. Cũng là doanh nhân 'cứng đầu', dám cự cả chủ tịch tỉnh, khi đòi phải giao đủ đất xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân...

Rất nhiều lần, tôi cố gắng thuyết phục ông ... “xuống nước”, chịu nhường một chút cho được việc; bởi “anh chỉ là doanh nghiệp nằm trong sự quản lý của họ thôi”. Ông mắng tôi: “Một tấc tao cũng không lùi. Tao có làm gì sai hay chỉ vì chốn nương thân của cả ngàn công nhân luôn gắn bó với mình?”. Bởi vậy, hơn một năm qua, dự án nhà ở miễn phí cho công nhân của ông vẫn... giậm chân tại chỗ. Cho dù, quỹ đất của địa phương không thiếu, nhưng người ta thà bỏ hoang hơn là ban cho một kẻ “thiếu biết điều”, bất luận mục đích có tốt đẹp đến thế nào.

Một ngày đầu hạ, trong cái nắng nung chảy, tôi đi công tác, ghé thăm công ty của ông.

Dẫn tôi đi trong khuôn viên nhà máy, dường như đã quá chật chội, ông nói: “Cái nhà trẻ hiện tại quá tải rồi, anh tận dụng luôn khoảng đất còn lại để xây tiếp khu nhà trẻ mới cho các cháu tuổi mẫu giáo”. Tôi nhìn công trình vừa hoàn thành, với cả một cái hồ bơi nho nhỏ... Tất cả chỉ gói gọn trong diện tích khoảng 500m2. Tuy nhiên, nhờ xây 3 tầng lầu, nên nhà trẻ vẫn có thể sử dụng nuôi dạy thêm 200 cháu. Không có doanh nghiệp nào ở tỉnh này, thay vì dùng trọn cả 3ha đất để xây dựng nhà máy nhằm đạt lợi nhuận sản xuất kinh doanh cao nhất, thì ông chủ lại cắt ra 1/3 diện tích mở rộng nhà trẻ cả cũ lẫn mới và siêu thị công đoàn... Vì sao? - Ông giải thích rất đơn giản “để cánh nữ công nhân con mọn được gần con trẻ. Buổi trưa, tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi, vẫn có thể ghé qua cho con bú sữa mẹ”.

Ông tiếp tục đưa tôi lên lầu một, rồi lầu hai tòa nhà. Trưa ngoài trời nóng rực, nhưng bước vô khu nhà trẻ, cảm giác mát lạnh, sạch sẽ tràn ngập khắp các phòng... Ba cô giáo hướng dẫn chúng tôi đi giữa lớp lớp, hàng hàng... hơn 100 cháu bé đang ngủ say sưa. Ông kêu một cô dẫn tới chỗ một cháu trai kháu khỉnh hơn 4 tuổi đang quấn chăn thiu thiu, khẽ mỉm cười: “Con trai anh đó”. Dứt lời, ông lại hỏi cô giáo: “Còn con Na đâu?”. Cô giáo dẫn chúng tôi vô sâu nơi góc phòng... “Đây là con gái anh, mới hơn 2 tuổi” - ông định cúi xuống định véo má con, cô giáo xuỵt, “nó vừa ngủ anh à” - ông giật mình, cười ngượng ngiụ.

Lúc xuống đường, khi chỉ còn hai anh em, tôi bảo ông: “Vậy mà em cứ nghĩ các con anh đang được gửi ở một trường chuẩn quốc tế nào đó”. Ông lại như “xồ” lên: “Cái gì, chẳng lẽ tụi nó ở chung với con công nhân của anh, là không tốt sao? Nói cho em rõ, chất lượng nuôi dạy ở nhà trẻ của công ty này không thua kém bất kỳ nhà trẻ nào. Con anh, anh đủ sức gửi con cái vô những trường mầm non đắt nhất, bởi vì chúng là con nhà giàu. Thật ra, nếu không có cộng đồng nghìn người này, cha chúng chẳng làm nên cơm cháo gì hết. Vì vậy, chỗ của chúng phải là ở đây, như con cái mọi nhà, chúng phải nhìn thấy và cảm nhận được cha chúng cũng như mọi người ở đây đang phải nhọc nhằn như thế nào để chúng có được bữa ăn giấc ngủ ngon lành.

Điều này, liệu có một nhà trường mầm non đẳng cấp nào dạy được không?”.

Tôi không biết nói gì hơn. Chỉ thấy, trong từng lời của ông bắn ra một xung lực kỳ lạ. Xung lực ấy đang đi thẳng vào tận đáy trái tim tôi.

CAO HÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/chuyen-doc-duong/pham-chat-giau-615709.ldo