Phải xử lý nghiêm đơn vị đưa lao động đi xuất khẩu 'chui'

Cần làm rõ khoản phí phải nộp khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là bao nhiêu, nếu lợi dụng, làm trái là vi phạm pháp luật và phải xử lý.

Đó là phát biểu và cũng là chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp tổ, thảo luận về theo hợp đồng (sửa đổi) tại Quốc hội sáng nay (10/6).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Giang và thành phố Cần Thơ thảo luận ở tổ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Giang và thành phố Cần Thơ thảo luận ở tổ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự luật không điều chỉnh đối với người đi lao động không theo hợp đồng và vừa qua có nhiều trường hợp bị lừa đưa đi làm việc rất vất vả ở nước ngoài và yêu cầu phải làm rõ việc phí doanh nghiệp phải nộp khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là bao nhiêu. Ba năm đi làm theo hợp đồng thì phí thu mấy tháng lương và đặt cọc để họ không trốn. Tuy nhiên, nếu lợi dụng, làm trái là vi phạm pháp luật và phải xử lý.

Phải nhận thức lại cho đúng, không được dùng xuất khẩu lao động mà là đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, cử đại diện khi đưa lao động đi. Các quốc gia có nhiều lao động Việt Nam sang làm việc phải có tham tán thương mại để xử lý, bảo hộ công dân. Tai nạn lao động xử lý theo pháp luật sở tại. Doanh nghiệp nào lợi dụng để thu phí môi giới trái pháp luật phải xử lý, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Bài học người lao động “chui” chết trong xe container đông lạnh

Thảo luận tại tổ về dự án luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội dành thời gian trảo đổi về nội dung các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố, có thẩm quyền đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.

Các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, quy định trên được đưa ra bắt đầu từ mô hình của tỉnh Đồng Tháp. Cụ thể, địa phương này đã ký được nhiều hợp đồng với Nhật Bản và Hàn Quốc, đưa được rất nhiều lao động địa phương sang làm việc, mà người lao động không phải mất bất cứ khoản phí nào để đi.

“Việc quản lý người lao động ở nước sở tại qua mô hình này cũng rất tốt, thể hiện ở việc không có trường hợp người lao động vi phạm, sau thời gian làm việc không trốn ở lại”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh và cho rằng, những kết quả này khác hẳn tình trạng vi phạm hợp đồng của người lao động, nạn lừa đảo người lao động mà nhiều DN xuất khẩu lao động gây ra, tạo tiếng xấu cho Việt Nam ở nước ngoài.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cũng nêu sự việc Hàn Quốc mới đây đã công bố danh sách 3 huyện ở Thanh Hóa có tình trạng lao động trốn ở lại khi hết hợp đồng, lao động “chui” tại quốc gia này.

Còn theo đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, đoàn TP Hồ Chí Minh bày tỏ, trong bối cảnh tình hình đất nước chúng ta hội nhập sâu phát triển lượng lao động hợp tác nước ngoài rất lớn. Nhưng việc đi xuất khẩu lao động của người dân có khi không đi được bằng đường chính ngạnh, hợp pháp mà đi xuất khẩu lao động “chui” thông qua các đường dây đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp, mà một sự kiện đau lòng của năm 2019 vẫn còn đó, khi mà một loạt lao động chết trong xe đông lạnh, đều không thông qua một con đường hợp pháp và tất cả những quyền lợi được bảo vệ của người lao động Việt Nam ở nước ngoài hầu như không liên quan.

Các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Việc đặt ra lúc này cũng là lúc chúng ta cần là hệ thống, sắp xếp, định danh và làm thế nào quản lý được các tổ chức thiết lập đường dây đưa lao động của ta ra nước ngoài.

“Tôi thấy rằng để quản lý lao động bên ngoài đặt ra lúc này là khá cần thiết, cần phải làm sao xây dựng nên các tổ chức các đơn vị có chương trình ký kết một cách pháp lý và đầy đủ thể hiện vừa theo pháp luật của chúng ta vừa theo pháp luật của nước sở tại”, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê kiến nghị.

Đồng thời đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cũng kiến nghị, phải có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

“Tôi thấy cần làm tiếp thêm là ngoài thể chế hóa quan điểm, cụ thể Hiến pháp, chúng ta cần tăng cường quản lý nhà nước. Vấn đề tăng cường quản lý hiệu quả quản lý nhà nước trong tình hình mới và phù hợp với nguyên tắc của cơ chế thị trường trong điều kiện chúng ta hội nhập sâu”, ông Khuê nói.

Nhắc lại sự việc 39 người Việt thiệt mạng trong xe container tại nước Anh năm 2019, đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho rằng người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo nhiều hình thức, từ đi làm hợp pháp theo hợp đồng lao động, nhưng cũng có tình trạng đi làm chui và để xảy ra những sự việc gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ra đời vào thời điểm này là rất kịp thời.

"Với người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, nhiều cơ quan nhận hợp đồng làm rất tốt. Nhưng cũng có những người nhẹ dạ, bị lừa sang nước ngoài rồi bơ vơ. Những trường hợp này không được sự bảo hộ chặt chẽ. Vì thế, dự luật cần phải có những quy định thật chặt chẽ, tránh để tình trạng người lao động Việt Nam ra nước ngoài rồi trốn chui, trốn lủi," đại biểu Thích Bảo Nghiêm nói.

Sẽ điều chỉnh Luật, gỡ vướng cho xuất khẩu lao động

Theo ý kiến đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), dự luật cần phải bổ sung việc giảm chi phí cho người lao động và tránh tình trạng lừa đảo người lao động đồng thời, cần phải có sự hài hòa trong chính sách xuất khẩu lao động và chính sách đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.

Đặc biệt, việc này phải đặt trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra ở nước ta. Đất nước cần có nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

"Chúng ta thấy nông dân kinh tế rất khó khăn. Nếu chúng ta không quy định chặt chẽ trong luật, nhiều người dân vốn đã khốn khó lại khốn khó hơn do chi phí rất lớn khi đi xuất khẩu lao động," đại biểu Ngọ Duy Hiểu góp ý.

Góp ý vào quy định gia hạn giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp trong dự thảo luật, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đặt vấn đề đã có quy định về điều kiện và khi không đủ điều kiện thì thu hồi giấy phép, vậy có cần phải thực hiện gia hạn giấy phép không.

"Chúng ta đang nỗ lực giảm bớt các thủ tục hành chính. Do vậy, việc này cần phải đánh giá tác động. Nếu quy định gia hạn thì lợi ích của doanh nghiệp thế nào, người lao động thế nào? Việc này cần phải cân nhắc," ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Trao đổi thêm về mô hình đơn vị sự nghiệp thuộc UBDN tỉnh, thành phố đưa người đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, mô hình đang được thí điểm tại một số địa phương như Đồng Tháp, Ninh Thuận, và bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Theo Bộ trưởng, bản chất của việc này là thỏa thuận lao động được ký kết giữa địa phương với quốc gia khác, Bộ đã đánh giá kết quả thí điểm mô hình này và lấy đó làm cơ sở để đưa nội dung nêu trên vào dự luật sửa đổi.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông thường, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện tại thực hiện thông qua doanh nghiệp. UBND tỉnh thì lại hoạt động trên cơ sở cơ quan tham mưu chứ không thể thông qua doanh nghiệp như vậy, không đảm bảo khách quan, minh bạch. Do đó, khi để cơ quan tham mưu của chính quyền cấp tỉnh có thể thực hiện việc này thì luật phải “khuôn” điều kiện cơ quan này là một đơn vị sự nghiệp, không phải DN, hoạt động không vì lợi nhuận và cũng không được cấp phép làm dịch vụ xuất khẩu lao động. Do đó nhiều cơ chế, thực hiện bị bó buộc.

Dẫn chứng về Đồng Tháp, Bộ trưởng cho biết cơ quan đảm nhận nhiệm vụ này là Trung tâm dịch vụ việc làm, về bản chất, đây là một đơn vị trực thuộc nhà nước. Cơ quan này đứng ra ký kết thỏa thuận lao động là UBND đóng vai trò pháp nhân nhà nước chứ không phải DN. Nhờ đó, địa phương này đã đưa được nhiều lao động sang Nhật Bản, Hàn Quốc làm việc và giải quyết được các vấn đề tồn tại, vướng mắc../

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/phai-xu-ly-nghiem-don-vi-dua-lao-dong-di-xuat-khau-chui-1058157.vov