Phải xử lại vì không trích lục tiền án

Chỉ là thiếu sót nhỏ của cơ quan điều tra nhưng dẫn đến hậu quả là khi xử tòa quyết sai trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm vụ bị cáo Trần Anh Hào bị truy tố về tội trộm cắp tài sản để điều tra lại, xét xử lại.

Đề nghị hủy án của chính mình

Hồ sơ vụ án thể hiện khoảng 0 giờ ngày 10-7-2017, bị cáo Hào đi ngang qua nhà bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, thấy nhà còn mở cửa nên định vào chơi với con bà Xuyến. Vào nhà, thấy bà Xuyến đang ngủ trên nền nhà, con bà Xuyến tên T. đang ngủ trên giường xếp. Hào nhìn thấy chiếc điện thoại Samsung Galaxy J3 của T. đang sạc pin nên đã rút dây sạc lấy trộm điện thoại đem về nhà cất giấu rồi đi ngủ.

Sáng hôm sau, phát hiện điện thoại bị mất nên anh em anh T. đến nhà Hào để hỏi thì phát hiện chiếc điện thoại đang giấu dưới gối trên giường ngủ của Hào. Hào thừa nhận trộm cắp chiếc điện thoại trên và trả lại cho bị hại ngay lúc đó (theo định giá điện thoại là 3.200.000 đồng). Tuy nhiên, phía anh T. vẫn yêu cầu xử lý hình sự nên Hào bị khởi tố điều tra.

Tháng 11-2017, TAND một huyện thuộc tỉnh Bình Định xử sơ thẩm đã xử phạt bị cáo Hào sáu tháng cải tạo không giam giữ về tội trộm cắp tài sản. Bản án sơ thẩm này không bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm nên sau đó có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, một tháng sau, chính chánh án TAND huyện đã có công văn đề nghị viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án. Lý do là xử xong tòa sơ thẩm mới phát hiện trong hồ sơ vụ án không tra cứu tàng thư can phạm, không thu thập trích lục tiền án của bị can Hào. Trong thực tế, trước khi xét xử ít lâu bị cáo đã từng bị tuyên án ở một bản án khác.

Vì quên nên tòa cho hưởng giảm nhẹ sai

Nhận được đề nghị này, viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị ủy ban thẩm phán TAND cùng cấp xử hủy bản án. Theo đó, phải điều tra lại để chứng minh làm rõ các yếu tố về nhân thân, tiền án, tiền sự của bị cáo là căn cứ giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật.

Tại quyết định giám đốc thẩm mới đây, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị hủy bản án sơ thẩm. Lý do là hơn một năm trước bị cáo Hào bị TAND huyện Bù Đốp, Bình Phước xử phạt chín tháng cải tạo không giam giữ về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Điều đáng nói là tại lý lịch bị can trong vụ án sau lại không thể hiện tình tiết nhân thân xấu này.

Theo tòa, trong quá trình giải quyết vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không tra cứu tàng thư can phạm, không thu thập trích lục tiền án, tiền sự của bị cáo nên không biết được tình tiết về nhân thân. Do trước đó bị cáo đã bị xét xử về một tội phạm khác nên các cơ quan đã vi phạm khoản 3 Điều 63 BLTTHS 2003 (khoản 3 Điều 85 BLTTHS 2015).

Từ đó dẫn đến việc tòa đánh giá không đúng trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ là “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” và “thành khẩn khai báo” mà bị cáo đã được hưởng. Điều này khiến tòa tuyên phạt bị cáo sáu tháng cải tạo không giam giữ là không phù hợp, là nhẹ.

Bị cáo Hào có nơi cư trú không ổn định, đã từng cư trú tại TP.HCM và tỉnh Bình Phước, sau đó chuyển về tỉnh Bình Định và phạm tội. Việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo về tội trộm cắp tài sản là trái với quy định tại Điều 31 BLHS 1999.

Cũng theo tòa cấp giám đốc thẩm, đây là thiếu sót nhưng thuộc những vấn đề phải chứng minh trong vụ án, nếu không đảm bảo sẽ dẫn đến sai lầm khi xét xử.

Những vấn đề phải chứng minh trong án hình sự

Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụngphải chứng minh:

1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;

2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;

3. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;

4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;

5. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;

6. Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.

(Trích Điều 85 BLTTHS 2015)

ĐẠI HƯNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/phai-xu-lai-vi-khong-trich-luc-tien-an-795516.html