Phải trả tiền lương làm thêm giờ theo mức lũy tiến

Trả tiền lương làm thêm giờ theo mức lũy tiến là ý kiến của hầu hết các đại biểu tại hội nghị đóng góp cho Dự thảo Bộ luật Lao động (dự thảo) do LĐLĐ TPHCM tổ chức sáng 15.5. Tham dự hội nghị có gần 100 CBCĐ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch LĐLĐ các quận, huyện, ngành, sở khối và một số doanh nghiệp có hơn 500 lao động trên địa bàn TPHCM.

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Nhiều ý kiến cho rằng NLĐ phải làm thêm giờ là do tiền lương hiện tại chưa đủ trang trải cuộc sống nên bắt buộc phải làm thêm. Do đó, nếu có nới rộng thời giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ như dự thảo quy định, thì tiền lương làm thêm giờ phải tính theo lũy tiến, càng làm nhiều, tiền làm thêm của một giờ càng phải trả cao và phải có sự đồng ý của NLĐ.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch CĐ Công ty Pou Yuen Việt Nam: Doanh nghiệp phải tổ chức cho NLĐ ăn nhẹ trước khi tăng ca.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch CĐ Công ty Pou Yuen Việt Nam, cho rằng không phải lúc nào doanh nghiệp tăng ca vì phụ thuộc đơn hàng theo mùa vụ. Do đó, không cần khống chế thời giờ làm thêm, nhưng cần quy định một ngày, doanh nghiệp không được yêu cầu NLĐ làm thêm quá 2 giờ và phải tổ chức cho NLĐ ăn nhẹ trước khi tăng ca.

Các ý kiến tại hội nghị đều đồng ý với phương án quy định thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương vào Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27.7 dương lịch) quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 113 của dự thảo và đề nghị quy định nếu những ngày nghỉ hưởng nguyên lương mà trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì NLĐ được nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần vào ngày làm việc kế tiếp như phương án 1 (Khoản 3, Điều 113) của dự thảo.

Nhiều ý kiến đồng ý với dự thảo quy định ngày nghỉ hưởng nguyên lương mà trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì NLĐ được nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý là độ tuổi nghỉ hưu được quy định tại Điều 170 của dự thảo. Các ý kiến đều đồng ý có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu như quy định tại dự thảo đối với các lao động gián tiếp, làm việc trong khu vực hành chính, sự nghiệp, công việc văn phòng, nghiên cứu, giảng dạy…, vì những lao động này ở độ tuổi 55 (với nữ), 60 (với nam) vẫn còn đủ sức khỏe, kiến thức, kinh nghiệm, “độ chín” nghề nghiệp để làm việc, nhưng không nên áp dụng với những CNLĐ trực tiếp vì điều kiện lao động của NLĐ hiện nay rất vất vả, nhiều người không đủ sức khỏe để làm việc đến khi nghỉ hưu.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần quy định về độ tuổi, số năm đóng BHXH để được quyền nghỉ hưu, sau đó NLĐ có quyền lựa chọn nghỉ hưu hay tiếp tục làm việc tùy theo tình hình sức khỏe, điều kiện tài chính của họ chứ không bắt buộc phải nghỉ hưu ở độ tuổi đó.

Các đại biểu đồng ý với phương án quy định thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương vào Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27.7 Dương lịch).

Có ý kiến đề nghị, cần quy định lao động nữ trong thời gian mang thai hay nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi mà hết HĐLĐ thì cần được gia hạn HĐLĐ cho đến khi hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng để tạo điều kiện cho lao động nữ có việc làm, thu nhập để nuôi con. Bởi vì theo quy định hiện hành, NSDLĐ không bắt buộc phải ký tiếp HĐLĐ với lao động nữ khi HĐLĐ hết hạn trong thời gian mang thai hay nuôi con nhỏ dưới 12 tháng.

Cần quy định lao động nữ trong thời gian mang thai hay nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi mà hết HĐLĐ thì cần được gia hạn HĐLĐ cho đến khi hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng.

Ngoài ra, nhiếu ý kiến cũng đề nghị làm rõ một số khái niệm còn mơ hồ, không được giải thích trong dự thảo để làm căn cứ áp dụng trong thực tế như: thế nào là “chủ doanh nghiệp bỏ trốn”, thế nào là “mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ” để làm căn cứ trả lương cho NLĐ….

Nam Dương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/phai-tra-tien-luong-lam-them-gio-theo-muc-luy-tien-733517.ldo