Phải trả lời được câu hỏi: Heo đeo vòng truy xuất có an toàn không?

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cam kết như thế tại Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018, sáng ngày 14.4.

Chủ đề tháng hành động vì ATTP năm 2018 là "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm".

Người tiêu dùng có quyền đòi hỏi thực phẩm phải thực sự sạch khi bỏ chi phí ra mua. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Tức là không nói với người dân rằng con heo này nuôi ở trại nào mà phải trả lời con heo có đeo vòng truy xuất đó có an toàn hay không? Và chứng minh được bằng kết quả xét nghiệm. Đó mới là điều quan trọng chứ nguồn gốc thôi thì còn mông lung lắm”, bà Lan nói.

Nguồn thịt heo cung cấp cho thành phố phần lớn nhập về từ các tỉnh. Ban ATTP xác định sẽ tiếp tục phối hợp Hội công nghệ cao thành phố nhưng không làm đại trà mà tập trung vào một số điểm. Trước mắt sẽ tập trung vào toàn bộ lượng heo trên địa bàn Đồng Nai.

Ban ATTP cam kết việc truy xuất phải đảm bảo thịt sạch chứ không nêu nguồn gốc chung chung. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hình thức giống như cách quản lý chuỗi ATTP, Ban sẽ phối hợp với các tỉnh tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm ở từng công đoạn, từ chăn nuôi, đưa đi giết mổ, lưu thông phân phối tới chợ đầu mối để xem có thực sự sạch hay không?

Cũng vì năng lực có hạn nên việc thực hiện sẽ tập trung vào một số trang trại lớn trước, sau đó sẽ lan tỏa rộng ra và có đánh giá sơ kết từng giai đoạn. Ban ATTP cũng hứa sẽ phối hợp chặt chẽ với Đồng Nai để cách làm không bị chồng chéo.

Thực tế cũng cho thấy, việc đeo vòng truy xuất ban đầu hay các dấu mộc đóng trên miếng thịt vẫn bị làm giả hoặc trà trộn. Nhiệm vụ của của lực lượng chức năng phải hạn chế tối đa việc người dân trả giá đắt cho những thực phẩm không thực sự sạch.

Cách quản lý truy xuất không hiệu quả, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm. Đơn cử như vụ hơn 4.000 con heo tiêm thuốc an thần ở lò mổ Xuyên Á (Củ Chi) phải bị tiêu hủy. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thực tế cũng cho thấy, cách thực hiện vừa qua triển khai ở một phạm vi rộng lớn, nhiều trường hợp đã vượt quá tầm kiểm soát. Đơn cử như vụ hơn 4.000 con heo tiêm thuốc an thần ở lò mổ Xuyên Á (Củ Chi) trước đó, dù heo đeo vòng đầy đủ vẫn vi phạm.

Đây là những bài học phải rút kinh nghiệm để thực hiện Đề án nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm hiệu quả hơn. Ban ATTP cho biết sẽ tăng cường kiểm soát tốt tại nguồn là các chợ đầu mối trước khi đưa thịt heo về chợ truyền thống.

Lực lượng của Ban sẽ túc trực hàng đêm kiểm tra giấy tờ, nguồn gốc truy xuất và đồng thời lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên và định kỳ, đảm bảo tiêu chí: vi sinh, chất cấm cũng như dư lượng thuốc an thần.

Dù siêu thị dù tự trang bị hệ thống để giám sát chất lượng, nhiệm vụ của Ban ATTP vẫn không buông lỏng với các kênh hiện đại này. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cùng với chủ đề "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm", bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết sẽ triển khai đồng bộ Nghị định 15 cho doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm theo luật ATTP.

Trả lời câu hỏi việc này có giống như tự “thả gà ra đuổi”, bà Lan khẳng định đây vẫn là cách làm đúng để tránh lãng phí thì giờ, tài lực từ cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp trong việc xin và cấp phép thủ tục, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp.

“Đơn vị sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Thực tế, việc cấp giấy phép không hiệu quả khi đối tượng xấu vẫn cố ý vi phạm. Ban ATTP để dành dành thời gian nhiều hơn cho việc xây dựng lực lượng hậu kiểm và tăng cường thanh kiểm tra”, bà Lan chia sẻ.

Nguyên Vỹ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dia-chi-xanh/phai-tra-loi-duoc-cau-hoi-heo-deo-vong-truy-xuat-co-an-toan-khong-866354.html