Phải trả 337 tỷ đồng cho bà Chu Thị Bình, cổ phiếu Eximbank bỗng... 'đứng hình'

Cả 2 phía gồm bà Chu Thị Bình và Eximbank đều không có bất cứ phát ngôn chính thức gì về phiên xét xử liên quan đến vụ 'bốc hơi' 264 tỷ đồng mà Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên xử vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu EIB của Eximbank mở phiên giao dịch đầu tuần với sắc đỏ.

Bà Chu Thị Bình đã được tòa sơ thẩm tuyên EximBank phải hoàn trả 245 tỷ đồng tiền gốc và 92 tỷ đồng lãi (Ảnh: IT)

Trước đó, sau 2 ngày xét xử và nghị án, chiều 23.11, phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.HCM xử vụ án liên quan tới khách hàng gửi tiền tại EximBank bị “bốc hơi” đã kết thúc với phần tuyên án khi TAND TP.HCM tuyên EximBank phải hoàn trả cho bà Chu Thị Bình 245 tỷ đồng tiền gốc và 92 tỷ đồng lãi.

Chờ động thái của lãnh đạo Eximbank?

Sau khi kết thúc phiên tòa, Dân Việt đã liên hệ với phía bà Chu Thị Bình nhưng một đại diện của bà Bình thẳng thắn: “Chị Bình đang đợi Eximbank trả tiền nên lúc này không trả lời được gì, không để mọi việc trở nên rối hơn mà cứ chờ lãnh đạo Eximbank có đồng ý với kết luận của phiên tòa sơ thẩm không, hay là còn kiện lên tòa phúc thẩm. Có gì mới chúng tôi sẽ báo sau...”.

Trong khi đó, liên lạc với ông Nguyễn Cảnh Vinh, Phó Tổng Giám đốc thường trực Eximbank nhưng ông này không nghe máy. Sau đó, bộ phận truyền thông của Eximbank cho biết: “Chưa nhận được ý kiến gì từ lãnh đạo, để sang kỳ họp đầu tuần xem ý kiến lãnh đạo thế nào, có tiếp tục kiện lên phúc thẩm hay không thì sẽ báo sau”.

“Do phiên tòa kết thúc vào ngày cuối tuần, hơn nữa trúng ngay đợt mưa bão nên phía lãnh đạo ngân hàng chưa có chỉ đạo gì thêm về vụ này. Tuy nhiên, quan điểm của Eximbank là sẽ tôn trọng những phán quyết của tòa”, đại diện truyền thông Eximbank, cho biết.

Trong khi đó, cổ phiếu EIB của Eximbank ngay khi mở phiên giao dịch hôm nay đã “đứng hình” ở mức giá 13.500 đồng trong hơn 1 giờ đồng hồ. Sau đó, cổ phiếu EIB tiếp tục giảm xuống mức 13.300 đồng/CP, giảm 200 đồng (-1,5%) so với phiên giao dịch cuối tuần qua.

Nếu phải trả 337 tỷ đồng...

Thực tế, nhìn vào kết quả kinh doanh của Eximbank thời gian gần đây, ngân hàng này đã có kết quả tăng trưởng khá mạnh so với cùng kỳ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3.2018, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 215 tỷ đồng (gấp 3,6 lần mức đạt được cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng đầu năm, LNTT của ngân hàng đạt 1.136 tỷ đồng, gấp 2,5 lần mức đạt được cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì khoản lợi nhuận trước thuế này chủ yếu đến từ khoản thu đột biến từ thoái vốn khỏi Sacombank trong quý 1 (tổng cộng gần 648 tỷ đồng, gồm 126 tỷ đồng ghi nhận vào năm 2017 và quý 1/2018 ghi nhận hơn 521 tỷ đồng); đồng thời, khoản thu khác là nhờ Eximbank giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro (Lũy kế 9 tháng đầu năm, Eximbank cũng đã giảm mạnh 34% chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ xuống còn 322 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm).

Về tổng tài sản của Eximbank, tính đến cuối tháng 9.2018, đã giảm nhẹ 1,6% so với hồi đầu năm xuống mức 146.991 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,9% xuống 97.362 tỷ đồng. Đặc biệt, tiền gửi khách hàng sau khi giảm nhẹ trong 2 quý đầu năm 2018 (có thể từ nguyên nhân 2 vụ “bốc hơi” trong tài khoản), trong quý 3.2018 đã tăng trở lại, đạt 119.168 tỷ đồng, tăng 1,4% so với đầu năm.

Về nợ xấu tại Eximbank, tính đến hết tháng 9.2018 đã giảm 261 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2017, còn 2.037 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm từ 2,27% xuống còn 2,07%. Tuy nhiên, trên báo cáo tài chính, Eximbank vẫn còn nắm giữ hơn 5.700 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành (với khoản dự phòng hơn 1.600 tỷ đồng).

Với kết quả kinh doanh như vậy, việc Eximbank phải trả 337 tỷ đồng (tiền gốc và lãi) cho bà Chu Thị Bình chắc chắn sẽ là một “cú sốc” không nhỏ cho ngân hàng này, bởi khoản tiền này đã “ngốn” đi hơn 1/3 lợi nhuận sau thuế của Eximbank 9 tháng đầu năm 2018 (907 tỷ đồng) và mức tiền phải đền này đã gần bằng so với mức lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2017 (375 tỷ đồng).

Diễn biến vụ “bốc hơi” 264 tỷ đồng

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 1.2012 đến tháng 3.2017, Lê Nguyễn Hưng (SN 1971, nguyên phó Giám đốc Eximbank - Chi nhánh TP.HCM) đã giả mạo chữ ký của chủ tài khoản để lập tài khoản giả mạo mang tên Nguyễn Thị Hồng Lê; lập giấy ủy quyền giả mạo việc bà Chu Thị Bình ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Đăng Phong để rút tiền của Ngân hàng Eximbank Chi nhánh TP.HCM với các tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình, Phùng Thị Phẩm và Lê Thị Minh Quí.

Đồng thời, Hưng gian dối để tạo sự tin tưởng cho các nhân viên của mình là các bị cáo Hồ Ngọc Thủy, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan, Nguyễn Thị Thi, Cao Lan Phương, Lương Quốc Anh (là những người có trách nhiệm trong việc lập giấy ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và chi tiền mặt...), tạo điều kiện cho Hưng chiếm đoạt tiền của Eximbank Chi nhánh TP.HCM tổng cộng hơn 264 tỷ đồng.

Tại phiên tòa trước đó, HĐXX đã xác định, các bị cáo Thủy, Thi, Trâm, Lan, Phương và Anh đã tin tưởng Hưng mà thiếu trách nhiệm khi thực hiện không đúng các quy định trên tạo điều kiện cho Hưng lợi dụng rút tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống Eximbank. Vì vậy, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Thủy bốn năm sáu tháng tù; bị cáo Trâm và Thi ba năm tù nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Lan hai năm sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Phương và Anh hai năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Riêng đối với hành vi của Hưng được nhận định là đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng do Hưng bỏ trốn, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Quốc Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/phai-tra-337-ty-dong-cho-ba-chu-thi-binh-co-phieu-eximbank-bong-dung-hinh-933694.html