Phải tính tiền lương theo lũy tiến

Bên cạnh các ý kiến phản đối tăng giờ làm thêm như Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều ý kiến đồng ý nhưng cho rằng việc chi trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động (NLĐ) cần được tính theo lũy tiến.

 Nhiều ý kiến cho rằng, mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm sẽ giúp doanh nghiệp dễ sắp xếp việc sản xuất, kinh doanh, nhưng CNLĐ sẽ vất vả hơn, về lâu dài sẽ bị bào mòn sức khỏe. Ảnh minh họa. Ảnh: QUẾ CHI

Nhiều ý kiến cho rằng, mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm sẽ giúp doanh nghiệp dễ sắp xếp việc sản xuất, kinh doanh, nhưng CNLĐ sẽ vất vả hơn, về lâu dài sẽ bị bào mòn sức khỏe. Ảnh minh họa. Ảnh: QUẾ CHI

Tránh việc doanh nghiệp lợi dụng làm thêm giờ

Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức vừa qua, liên quan đến Điều 99: Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, các đại biểu đều thống nhất đồng ý với Điều 99 dự thảo, bổ sung thêm việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn ở khoản 1 điều này và do hai bên thỏa thuận…

Các đại biểu chọn phương án 1: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho giờ làm thêm thứ 3, 250% cho giờ làm thêm thứ 4. Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 250% cho giờ làm thêm thứ 3, 300% cho giờ làm thêm thứ 4. Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất bằng 300% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 350% cho giờ làm thêm thứ 3, 400% cho giờ làm thêm thứ 4. Trả lương lũy tiến làm thêm giờ: Từ 1-200 giờ theo quy định trên, còn từ 201-300 giờ, từ 300 giờ - 400 giờ, từ 400 giờ trở lên có các mức lũy tiến cho CNLĐ.

Nhiều đại biểu đồng ý với phương án trả lương lũy tiến cho NLĐ vì cho rằng điều này sẽ giúp tránh những trường hợp doanh nghiệp (DN) lợi dụng làm thêm giờ nhưng không tăng tiền thêm cho NLĐ, khiến NLĐ bị thiệt thòi, sức khỏe bị vắt kiệt,…

Một cán bộ CĐ nói rằng, khi quy định trên có hiệu lực, việc giám sát thực thi đối với các DN không phải khó. Các DN đều công khai lương thưởng trên bảng thông báo trước khi gửi tiền qua thẻ cho CN nên CN sẽ nắm được cụ thể các khoản tiền của mình (tiền tăng ca, chuyên cần, làm thêm,…), biết được DN có trả đúng theo lũy tiến nếu như mình có làm thêm hay không. Nếu thấy được trả không đúng, CNLĐ có thể phản ánh lên CĐCS và tổ trưởng nơi mình làm việc để được giải quyết.

Nhiều ý kiến phản đối tăng giờ làm thêm

Tuy vậy, nhiều ý kiến vẫn không đồng tình với việc tăng giờ làm thêm. Trao đổi với phóng viên, chị Trương Thị H - công nhân (CN) một Cty tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên - cho rằng, không nên mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm mà nên giữ nguyên như quy định hiện nay. Chị H cho rằng, nếu mở rộng theo như Dự thảo, CN trong nhiều DN sẽ phải làm thêm nhiều hơn. “Thu nhập của họ cao hơn nhưng đồng nghĩa sẽ vất vả hơn, sức khỏe suy kiệt hơn, ít có thời gian dành cho gia đình. Họ có thể có thêm đồng tiền, nhưng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc sống” - chị H cho biết.

Chị H bày tỏ lo ngại, mặc dù Dự thảo quy định trong mọi trường hợp huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với NLĐ. Nhưng NLĐ là bên yếu thế, nhiều khi không muốn làm thêm, nhưng trước áp lực của chủ sử dụng lao động, buộc phải “tự nguyện” làm thêm thì sẽ càng gây nên nhiều tiêu cực cho họ.

Anh Nguyễn Đức Sinh - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Phú Thọ - cũng bày tỏ không đồng tình với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa. Theo anh, hiện nay, CN đã phải làm việc rất vất vả. Hơn nữa, đời sống tinh thần của CN còn rất nhiều thiếu thốn, cần có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, có điều kiện hưởng thụ đời sống tinh thần tốt hơn. Mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm sẽ giúp DN dễ sắp xếp việc sản xuất, kinh doanh, nhưng CNLĐ sẽ vất vả hơn, về lâu dài sẽ bị bào mòn sức khỏe.

Có thể nhiều DN sẽ lạm dụng quy định để ép CN làm nhiều hơn nữa. Nếu như vậy, CN sẽ càng thêm vất vả, mệt mỏi, còn thời gian đâu mà nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động cũng như hưởng thụ các giá trị tinh thần. Theo anh Sinh, điều quan trọng là thời giờ làm việc, làm thêm phải hợp lý; cũng như phải có các giải pháp tăng thu nhập cho NLĐ, tăng chất lượng lao động, năng suất lao động, năng lực quản lý,...

Theo anh Nguyễn Trọng An (CN Cty TNHH HOYA GLASS DISK Việt Nam, KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội), việc chi trả tiền làm thêm giờ phải được tính lũy tiến. Hiện thu nhập của anh trung bình mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng - số tiền này chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt phí của 4 thành viên trong gia đình mà không có tích lũy. CN KCN rất muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống, tuy nhiên, tùy tính chất của từng loại công việc cụ thể thì có định mức làm thêm giờ khác nhau. Ví dụ, công việc nặng, độc hại thì không nên kéo dài thời gian làm việc của CN quá nhiều. Trước khi có quyết định điều chỉnh, tăng giờ làm thêm, lãnh đạo DN cũng cần lấy ý kiến của tập thể CN.

Ngoài ra, được biết, phía Tổng LĐLĐVN đã có ý kiến về việc chi trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động được tính theo lũy tiến. Trong đó, anh đồng tình với phương án 1: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150% cho giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho các giờ làm thêm tiếp theo; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 300% cho các giờ làm thêm tiếp theo; vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% cho giờ làm thêm đầu tiên, 400% cho các giờ làm thêm tiếp theo.

Còn anh Đoàn Anh Dũng (CN Cty TNHH Toto Việt Nam, KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) bày tỏ quan điểm không nên tăng giờ làm thêm quá nhiều. Hiện nay, một bộ phận CN các KCN-CX mong muốn nâng giới hạn giờ làm thêm để có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống,… Nhưng họ không muốn làm thêm quá nhiều giờ, bởi việc tăng giờ làm thêm có thể ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe nghề nghiệp của người lao động (mệt mỏi, căng thẳng, dễ xảy ra tai nạn lao động ở những giờ làm thêm). Có nhiều trường hợp nữ CN do làm tăng ca quá nhiều nên sức khỏe giảm sút và không có thời gian chăm sóc gia đình, con cái.

Do đó, anh Dũng rất đồng tình với đề xuất của Tổng LĐLĐVN là quy định về giờ làm thêm cần tiếp tục đươc phân hóa theo ngành nghề của doanh nghiệp như pháp luật hiện hành. Vì vậy, phương án tăng thời gian làm thêm cần được xây dựng theo hướng “không quá 300 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 400 giờ”, nhưng phải đảm bảo quy định các tiêu chí để xác định “trường hợp đặc biệt” được phép tăng thời gian làm thêm giờ lên 400 giờ/năm, chứ không chỉ dùng tiêu chí “người lao động đồng ý”, bởi vì làm thêm giờ ở bất kỳ mốc nhỏ nhất nào cũng buộc phải có sự đồng ý của người lao động.

QUẾ CHI - HÀ ANH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/phai-tinh-tien-luong-theo-luy-tien-736178.ldo