Phải thu hồi tài sản do tham nhũng

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vẫn còn rất nhiều bất cập, mâu thuẫn. Đó là ý kiến chung của nhiều ĐBQH tại phiên thảo luận ngày 21.11. Hai vấn đề lớn nhất mà các đại biểu vẫn đang tranh luận đó là có nên hay không mở rộng phạm vi đối tượng và việc thu hồi tài sản do tham nhũng gây ra.

ĐB Ngọ Duy Hiểu có quan điểm không nặng về mở hay không mở phạm vi điều chỉnh đối tượng mà nhắm vào nhóm đối tượng cụ thể. Ảnh: Q.H

Chỉ thu hồi được 8% tài sản tham nhũng

Nêu thực trạng việc phòng, chống tham nhũng không những chưa hiệu quả mà ngay kể cả khi đã phát hiện ra tham nhũng, xử lý kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự thì công tác thu hồi tài sản thất thoát do tham nhũng gây ra cũng còn rất nhiều bất cập, ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) dẫn: “Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ thì hệ thống cơ quan phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay cồng kềnh và chưa hiệu quả. Cả nước có đến 478 đầu mối chuyên trách nhưng công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn hạn chế, yếu kém” - ĐB Hà nêu.

“Trong 10 năm qua, chỉ tính riêng thiệt hại về vật chất do tham nhũng gây ra đã là đặc biệt nghiêm trọng, gần 60 nghìn tỉ đồng, nhưng số tiền thu hồi được cho nhà nước chỉ hơn 4.600 tỉ đồng, chưa bằng 8% thiệt hại do tham nhũng gây ra” ĐB Hà đưa ra con số và chỉ rõ nguyên nhân lớn nhất đó là “do các cơ quan chức năng chưa quyết liệt triệt để trong việc kê biên tài sản do phạm tội tham nhũng mà có trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử” .

Có nên mở rộng phạm vi điều chỉnh

Một số ĐBQH cho rằng nên mở rộng phạm vi đối tượng vì các lý do thực tiễn đòi hỏi, phù hợp với thông lệ quốc tế… ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam) nhận định: “Thực tế tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước đã xuất hiện và đang phát triển phức tạp, khó kiểm soát, nhất là trong các lĩnh vực như vay vốn đầu tư, đấu thầu, ký kết hợp đồng, các khoản chi không chính thức… Tuy nhiên, cần thận trọng, tránh làm phát sinh việc lạm quyền, nhũng nhiễu của cán bộ làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp” - ĐB Thế nói.

Cũng ủng hộ quan điểm mở rộng phạm vi, ĐB Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) chỉ ra lý do “Nếu chỉ tập trung phòng, chống tham nhũng ở khu vực nhà nước mà chưa tập trung chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước thì công tác phòng, chống tham nhũng ngay ở trong khu vực nhà nước cũng khó mà đạt hiệu quả cao”.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại đứng ở luồng quan điểm ngược lại, khi cho rằng việc mở rộng không những không tạo nên hiệu quả như mong muốn mà có khi còn mâu thuẫn với các điều kiện thực tế. Ở luồng quan điểm này, có sự góp mặt của nhiều ĐB có chuyên môn sâu về pháp luật.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng: “Tính khả thi không đảm bảo vì một mặt cho rằng cần phải thu hẹp diện kiểm soát kê khai tài sản nhưng mặt khác lại muốn mở rộng thêm diện kiểm soát tham nhũng, như thế là mâu thuẫn” - ĐB Nhưỡng nhận định như vậy thì với năng lực hiện tại “chúng ta không đủ khả năng”.

Theo ĐB Nhưỡng, việc “cắt nguồn dinh dưỡng của tham nhũng” là phải làm nhưng không có nghĩa là “chúng ta chỉ sử dụng một con dao duy nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng mà có những quy định khác nhau” - ĐB Nhưỡng nhận định.

Tranh luận về việc nên hay không nên mở rộng phạm vi đối tượng trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, không nên lựa chọn phương án mở rộng hay thu hẹp về đối tượng mà chọn đối tượng cần kê khai.

Để có căn cứ xác định nhóm đối tượng, ĐB Hiểu đề xuất “nên có nghiên cứu thống kê, xem xét các khuyến nghị của tổ chức minh bạch quốc tế hàng năm về các lĩnh vực, vị trí công tác thường có nguy cơ hoặc có nhiều tham nhũng. Thống kê án xét xử hằng năm xem tham nhũng chủ yếu ở lĩnh vực, chức vụ nào để có đề xuất” - ĐB Hiểu đề nghị.

HẢI - THÀNH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/phai-thu-hoi-tai-san-do-tham-nhung-577482.ldo