Phải thoát tình trạng 'chưa giàu đã già' từ giá trị tổng điều tra dân số

'Tổng điều tra lần này phải có chứng thực bằng con số cụ thể về dân số và phân tích xu hướng dân số để có đối sách, chính sách kịp thời. Bên cạnh việc phải tránh bẫy thu nhập trung bình, chúng ta phải tận dụng cơ hội của dân số vàng và phải có thể chế chính sách kịp thời để khắc phục cho được tình trạng chưa giàu đã già', Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

Sáng 11/7, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Theo Phó Thủ tướng, đây là cuộc tổng điều tra lần đầu tiên áp dụng triệt để và rộng rãi công nghệ thông tin. Hà Giang là tỉnh miền núi khó khăn nhưng lãnh đạo tỉnh cũng quyết tâm áp dụng 100% kê khai điện tử.

“Bản thân tôi khi được các điều tra viên đến để lấy thông tin số liệu cũng ngồi khai báo thấy so với lần trước, lần này làm rất nhanh chóng, điều tra viên sử dụng hoàn toàn bằng smartphone”, lãnh đạo Chính phủ nói, trước đây sau hơn 1 năm mới có thể công bố kết quả sơ bộ thì lần này chỉ sau hơn 2 tháng kết thúc thu thập thông tin đã công bố được.

10 năm dân số tăng thêm 10,4 triệu người

Theo kết quả sơ bộ, sau 10 năm, kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Vào thời điểm 0h ngày 1/4/2019, tổng dân số Việt Nam là hơn 96,2 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines).

“Vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm hai bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm thông tin.

Mật độ dân số của Việt Nam cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực với mức 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2.

Cũng trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị. Dân số ở thành thị năm 2019 là hơn 33 triệu người; nông thôn là hơn 63,1 triệu người, chiếm 65,6%.

Toàn quốc có khoảng 92% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Tỉ lệ này của nữ cao hơn so với nam, tương ứng là 92,5% và 90,8%. Số người biết đọc, biết viết chiếm khoảng 96%.

“Trải qua 10 năm, quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Trình độ dân trí đã được cải thiện, tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết tăng mạnh; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đến trường, tỉ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh trong thập kỷ qua”, báo cáo khái quát.

Giúp kéo dài lợi ích thời kỳ dân số vàng

Nhìn ở góc độ kinh tế, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng; GDP bình quân đầu người tương đương 2.590 USD, tăng hơn hai lần so với năm 2009.

Tăng trưởng kinh tế đã giúp cải thiện tình hình việc làm, nâng cao mức sống dân cư, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, di cư tới các khu đô thị và khu công nghiệp, đồng thời đặt ra nỗ lực xử lý vấn đề nhà ở, việc làm bền vững, bảo vệ môi trường… Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, kết quả tổng điều tra lần này là thông tin, dữ liệu quan trọng để chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030.

Bày tỏ sự ấn tượng với Việt Nam trong tổng điều tra dân số và nhà ở, theo Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam Astrid Bant, tỷ lệ tăng dân số hàng năm giảm từ 1,18% xuống còn 1,14%, cho thấy tỷ lệ sinh ở Việt Nam được duy trì ổn định. Đây là thành tựu lớn, có thể giúp kéo dài lợi ích của thời kỳ dân số vàng.

“Tất nhiên phải có kế hoạch và chính sách tận dụng lợi ích của thời kỳ dân số vàng này”, bà Astrid Bant nói và khuyến nghị, Chính phủ, bộ, ngành, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học cần đầu tư nguồn lực vào việc khai thác, sử dụng, phân tích các dữ liệu quý giá này để thực hiện thắng lợi hơn nữa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.

Cũng phân tích con số bình quân tăng dân số 1,14%/năm, theo Phó Thủ tướng, so với mục tiêu 1% của Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 thì đây là con số chấp nhận được.

Tránh bẫy thu nhập trung bình

“Rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng, nhưng tốc độ già hóa lại thuộc loại nhanh. Tổng điều tra lần này phải có chứng thực bằng con số cụ thể về dân số và phân tích xu hướng dân số để có đối sách, chính sách kịp thời. Bên cạnh việc phải tránh bẫy thu nhập trung bình, chúng ta phải tận dụng cơ hội của dân số vàng và phải có thể chế chính sách kịp thời để khắc phục cho được tình trạng chưa giàu đã già”, Phó Thủ tướng nêu yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ chia sẻ số liệu 1,4 triệu hộ với 5 triệu người còn sống nhà ở sơ sài, đặc biệt còn 4.800 hộ không có nhà ở. Ông nhắc lại thông điệp “không để ai bị bỏ lại ở phía sau” và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt chú ý để tập trung chính sách giảm nghèo, làm giàu cho người dân.

“Chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, người thu nhập thấp đã có rồi nhưng nhiều người còn khó khăn về nhà ở. 65,6% dân số còn ở nông thôn, trong đó nhiều nơi vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số, ven biển, hải đảo, bãi ngang còn rất khó khăn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu vấn đề từ số liệu điều tra.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả sơ bộ bước đầu. Ngày 26/12 - Ngày Dân số Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị công bố kết quả chính thức của tổng điều tra dân số và nhà ở.

“Tới đây, Ban Chỉ đạo tiếp tục phân tích chuyên sâu, đánh giá cụ thể không chỉ về quy mô, cơ cấu mà còn liên quan đến chính sách về dân số gắn với phát triển và vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, những người có hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách”, ông Vương Đình Huệ cho hay.

Còn 4.800 hộ không có nhà ở

Tính đến thời điểm 0h ngày 1/4/2019 cả nước có hơn 26,87 triệu hộ; bình quân mỗi hộ dân cư có 3,5 người, thấp hơn 0,3 người/hộ so với năm 2009.

Trong tổng số 26,87 triệu hộ dân cư, vẫn còn 4.800 hộ không có nhà ở. Tình trạng hộ không có nhà ở đang dần được cải thiện trong hai thập kỷ qua, từ mức 6,7 hộ/10.000 hộ vào năm 1999 xuống còn 4,7 hộ/10.000 hộ năm 2009 và đến nay là 1,8 hộ/10.000 hộ.

Hầu hết hộ dân cư ở Việt Nam đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (93,1%). Tỉ lệ này ở khu vực thành thị đạt 98,2%, cao hơn 7,9 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn (90,3%).

Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,5m2/người, cao hơn 6,8m2/người so với 10 năm trước. Cư dân thành thị có diện tích nhà ở bình quân đầu người cao hơn cư dân nông thôn, tương ứng là 24,9m2/người và 22,7m2/người. Không có sự chênh lệch đáng kể về diện tích nhà ở bình quân đầu người giữa các vùng kinh tế - xã hội.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/phai-thoat-tinh-trang-chua-giau-da-gia-tu-gia-tri-tong-dieu-tra-dan-so_t114c1159n151122