Phải thay đổi văn hóa uống rượu, bia

Liệu khi có Luật rồi, tình trạng lạm dụng rượu bia, lái xe say xỉn, sản xuất và kinh doanh bia, rượu tràn lan như hiện nay có chấm dứt?

Nhiều người có thói quen tự điều khiển xe máy về nhà sau khi uống rượu bia (Chụp tại Đông Các, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Tạ Tôn

Nhiều người có thói quen tự điều khiển xe máy về nhà sau khi uống rượu bia (Chụp tại Đông Các, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Tạ Tôn

Đó là câu hỏi hẳn nhiều người sẽ đặt ra khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sắp có hiệu lực.

Nội dung xuyên suốt của Luật là giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại và nâng cao trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý và chính những người sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu bia.

Trong luật có rất nhiều hành vi bị cấm, chẳng hạn như cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi; Cho người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia... Nhưng làm thế nào để giám sát được việc này trong thực tế quả thực không đơn giản chút nào.

Tuy nhiên, chắc chắn luật sẽ tác động và làm thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi trong việc phòng chống tác hại, trong việc sử dụng, sản xuất và kinh doanh rượu bia.

Thời gian qua, việc sử dụng rượu, bia không có kiểm soát đã gây ra rất nhiều hệ lụy về sức khỏe con người, an ninh trật tự, ATGT…. Hàng loạt vụ TNGT thương tâm thời gian vừa qua phần nào thức tỉnh được một bộ phận xã hội rời bỏ, hạn chế rượu, bia nhưng đó chưa phải là số đông. Tình trạng mời rượu, ép rượu, thách rượu vẫn diễn ra phổ biến trong các mối quan hệ xã hội tại cả thành thị và nông thôn. Nói cách khác, “Văn hóa” uống rượu bia đã ăn sâu vào suy nghĩ của đông đảo người dân, khi vui cũng uống, khi buồn cũng uống, uống trong bất kể dịp gì...

Việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia là chiến dịch dài hơi, không chỉ là kêu gọi, khuyến cáo trên truyền thông, trong cộng đồng mà quan trọng nhất là làm thay đổi nhận thức, thái độ tự giác của mỗi người trong sử dụng rượu, bia.

Cùng với việc thực thi các quy định của Luật một cách triệt để, công tác tuyên truyền vẫn là việc cần ưu tiên. Kèm theo đó cần xây dựng, nhân rộng những mô hình cụ thể để việc tuyên truyền, giáo dục không trở thành “lý thuyết suông”. Trong đó, cấp chính quyền cơ sở phải thiết lập được quy ước địa phương. Đó có thể là phong trào không rượu, bia trong các sự kiện hoặc cũng có thể là vận động người dân giới hạn lượng rượu, bia sử dụng trong các bữa tiệc, liên hoan, ma chay, hiếu hỉ. Hoặc có thể biến các quy định của Luật thành tiêu chí để xem xét các danh hiệu như: Làng văn hóa, gia đình văn hóa, khu phố văn hóa. Nơi nào có nhiều người vi phạm nồng độ cồn hoặc gây TNGT do việc sử dụng rượu bia thì kiên quyết không xem xét các danh hiệu thi đua.

Trong khi đó, các cơ quan Nhà nước phải tiên phong nêu cao văn hóa “không rượu bia”. Nếu cán bộ, công chức, viên chức sử dụng rượu bia trước và trong giờ làm việc, cần kỷ luật thật nghiêm, kể cả với cả người đứng đầu đơn vị.

Ông Trương Minh Tiến, Nguyên PGĐ Sở VH-TT Hà Nội

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phai-thay-doi-van-hoa-uong-ruou-bia-d446733.html