Phải tăng lương tối thiểu vùng

Theo lộ trình thực hiện Nghị quyết Trung ương số 27 về cải cách chính sách tiền lương, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu (LTT) vùng phải đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2020, vì thế, năm 2019 vẫn phải tăng LTT vùng.

Sau hai phiên họp về đàm phán tăng LTT vùng năm 2019 của Hội đồng lương quốc gia, đến giờ này, mức tăng vẫn chưa được chốt hạ. Trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho giới chủ - chỉ đồng ý thay đổi mức đề xuất từ 0% lên 2% thì Tổng LĐLĐ Việt Nam, đại diện cho người lao động (NLĐ), vẫn bảo lưu ý kiến phải tăng 8%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Quảng, Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết điều 91 Bộ luật Lao động quy định: Mức LTT là mức thấp nhất trả cho người lao động (NLĐ) làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Nói cách khác, LTT phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong doanh nghiệp (DN) cũng đã xác định: Thực hiện điều chỉnh tăng mức LTT vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020, mức LTT bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

43,7% người lao động cho biết thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống

Từ 2 căn cứ này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng LTT vùng năm 2019 không thể dưới 8%. Đây là mức được tính toán cộng phần trăm trượt giá, tăng năng suất lao động, chênh lệch giữa mức lương tối thiểu và nhu cầu sống tối thiểu. Theo tính toán của Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức chi trung bình của 1 NLĐ lên tới 7,38 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tiền lương cơ bản mà doanh nghiệp trả NLĐ (đủ ngày, giờ công) trung bình là 4,67 triệu đồng/tháng. Và nếu tính thêm các khoản tiền làm thêm giờ, chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác thì tổng thu nhập trung bình của NLĐ động năm 2018 là gần 5,53 triệu đồng/tháng. Như vậy, rõ ràng giữa thu nhập và chi tiêu thực tế hiện nay của NLĐ có độ vênh khá lớn. "Nếu không có biến động về việc làm thì có 32,1% NLĐ cho biết sẽ dành lại được một khoản tiền tiết kiệm trung bình 1,5 triệu đồng/tháng từ lương và thu nhập. Nhưng lại có tới 43,7% NLĐ cho biết thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% không đủ sống. Vì vậy, đề xuất tăng LTT vùng 8% cho năm 2019 của Tổng LĐLĐ Việt Nam là có cơ sở nhằm đảm bảo đời sống cho NLĐ" – ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam, phân tích.

Trước những lo ngại của VCCI và hiệp hội các DN về những tác động của việc nâng LTT, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định việc này không ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một chuyên gia kinh tế cho biết thực tế chi phí tiền lương của các DN FDI chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong doanh thu. Các DN trong lĩnh vực sản xuất có chi phí tiền lương vào khoảng 20-30% doanh thu nhưng tỉ lệ này tại các DN FDI ở Việt Nam tính ra là rất thấp. Về ý kiến cho rằng lương thấp vì kỹ năng, chuyên môn của NLĐ thấp, theo các chuyên gia, các công việc có tính chất đơn giản, lặp đi lặp lại thì chỉ cần sau một thời gian ngắn NLĐ có thể thích nghi và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Vấn đề là các DN luôn muốn duy trì mức lương thấp và với sự hỗ trợ của chính sách thì họ chẳng bao giờ muốn nâng lương cho NLĐ dù vẫn trong khả năng của mình.

Trước khi chờ kết quả của phiên họp thứ 3 của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp, nhấn mạnh, theo lộ trình thực hiện Nghị quyết Trung ương số 27 về cải cách chính sách tiền lương, việc điều chỉnh mức LTT vùng phải đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2020, vì thế, năm 2019 vẫn phải tăng LTT vùng.

Đình Viên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/phai-tang-luong-toi-thieu-vung-2018080611552271.htm