Phải tăng 'lực đẩy' từ cán bộ công chức để giảm 'lực kéo' từ Thủ tướng

Người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề làm sao để cán bộ, công chức phải chuyển động thực sự như một 'lực đẩy' để giảm dần 'lực kéo' của Thủ tướng.

Chiều 21/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp sơ kết 3 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Trong 3 năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đã tiến hành 61 cuộc kiểm tra tại 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 1 cơ quan thuộc Chính phủ, 13 địa phương, 10 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Trong số 61 cuộc kiểm tra thì có 27 cuộc kiểm tra thực hiện nhiệm vụ giao và 34 cuộc kiểm tra chuyên đề về công tác hoàn thiện thể chế, chậm giải ngân vốn đầu tư, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh...

Qua các cuộc kiểm tra về hoàn thiện thể chế, đến nay, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã được khắc phục về cơ bản và có chuyển biến tích cực. Năm 2017 đã có 51/60 văn bản quy định chi tiết được ban hành, đạt 85%; năm 2018 tỷ lệ này đạt gần 97%.

Trong quá trình kiểm tra, Tổ cũng phát hiện nhiều vướng mắc, chồng chéo trong các quy định pháp luật hiện hành và đã tham mưu, kiến nghị cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị xử lý. Đồng thời quán triệt yêu cầu, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng trong xây dựng và hoàn thiện thể chế phải từ bỏ tư tưởng “cài cắm”, “tham nhũng chính sách”.

Tổ đã phát hiện nhiều vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi phải được đổi mới nhưng bị ràng buộc, hạn chế bởi các chế định pháp lý hiện hành cần khẩn trương tháo gỡ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội như: kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện thí điểm tập trung, tích tụ đất đai để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình chờ sửa đổi Luật đất đai; hay việc thí điểm xây dựng chính quyền điện tử ở địa phương...

Từ công tác kiểm tra, Tổ cũng đã thúc đẩy các bộ, cơ quan rà soát, trình Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân không cần thiết, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.

Đến nay, các bộ đã trình ban hành và ban hành 49 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh. Đến nay đã cắt giảm, đơn giản gần 6.800 trong gần 10.000 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, tương đương trên 68%; đã cắt giảm, đơn giản gần 3.350 trong gần 6.200 điều kiện kinh doanh. Những kết quả này giúp tiết kiệm tới 17,5 triệu ngày công, tương đương gần 6.600 tỷ đồng/năm.

Mối quan hệ giữa Văn phòng Chính phủ và các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, nước ngoài ngày càng cởi mở, tích cực. Trong 2 năm 2017-2018 có gần 15.000 kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp đã được tiếp nhận, trong đó có gần 2.500 kiến nghị, phản ánh được xem xét xử lý, chuyển các bộ, ngành và địa phương trả lời.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen cho các thành viên và nguyên thành viên Tổ công tác. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nhắc lại, đầu nhiệm kỳ xuất hiện tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách, sự trì trệ, chậm trễ trong thực thi hành chính; kỷ luật kỷ cương hành chính của cán bộ công chức có nhiều bất cập. Do đó, tháng 8/2016, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng là chống trì trệ trong thực thi hành chính; thứ hai là chống tình trạng “bắn chỉ thiên”, nói mà không thực hiện.

Đánh giá cao kết quả mà Tổ công tác đã thực hiện sau gần 3 năm qua, Thủ tướng nhấn mạnh, nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ chế chính sách gây ra đã được phát hiện và Thủ tướng đã chỉ đạo cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh để tháo gỡ trong sản xuất. Nhiệm vụ này được Thủ tướng chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ ở các bộ, ngành, địa phương và đạt kết quả tốt, giúp thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, vẫn còn nể nang trong triển khai nhiệm vụ; một số bộ và cơ quan chưa đảm bảo thực hiện các vấn đề cần khắc phục. Việc kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương mới dừng lại ở kiểm tra theo đầu việc và theo dõi tiến độ mà chưa kiểm tra đánh giá chất lượng, kết quả thực hiện theo yêu cầu đề ra. Có 2.000/gần 15.000 kiến nghị của người dân chưa được giải quyết, trong đó có 2.000 việc liên quan đến các cơ quan của Chính phủ.

Nhấn mạnh năm 2019 là năm bản lề thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020. Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo Tổ công tác phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, trong đó phải có sự bứt phá để thực hiện phương châm công tác của Chính phủ năm 2019. Thủ tướng chỉ đạo Tổ bám vào các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ để thực hiện việc kiểm tra, không làm thay cơ quan Nhà nước và các bộ, ngành mà cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc, các rào cản.

“Tổ phải làm mạnh hơn, tập trung hơn để làm bật tình hình lên, chống trì trệ, cửa quyền, hách dịch, xa dân, quan liêu, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng; nhất là sự chậm trễ của một bộ phận cán bộ công chức của một số cơ quan đơn vị. Đáng nhẽ việc này giải quyết rất nhanh nhưng vì anh lạm dụng chính sách hay tham nhũng chính sách chúng ta chưa mạnh dạn trong cải cách. Cứ để trì trệ, chậm trễ khiến người dân phải đi lại nhiều lần, môi trường kinh doanh chưa tốt”, Thủ tướng nói.

Thống nhất với các nội dung dự kiến trong năm 2019 của Tổ, Thủ tướng yêu cầu: “Các đồng chí phải có một chương trình hành động cụ thể đôn đốc thực hiện nhiệm vụ giải pháp được nêu ra trong Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, bao gồm cả việc thực hiện chủ trương thực hiện hai Nghị quyết, việc kiểm tra đột xuất một số việc nổi lên như thanh tra việc nhập khẩu phế liệu? Tôi cũng chưa nhận được báo cáo tổng hợp đầy đủ nhất về vấn đề thanh tra phế liệu. Trách nhiệm thuộc về ai? Bộ Tài nguyên và Môi trường hay bộ nào nữa? Đã khởi tố được mấy người? Hay việc làm thử nghiệm 1km đường để tính định mức”.

Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo Tổ tăng cường công tác kiểm tra việc xây dựng thể chế chính sách, chương trình công tác để các dự án luật, pháp lệnh, nghị định và chương trình công tác có chất lượng. Tinh thần là sớm chấm dứt tình trạng chậm trễ các dự án và chương trình công tác, nhất là các dự án luật.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, làm sao để cán bộ, công chức trong toàn hệ thống hành chính phải chuyển động thực sự như một “lực đẩy” của mình để giảm dần “lực kéo” của Thủ tướng. Tình trạng trên nóng dưới lạnh năm nay khắc phục được không? Cho nên để làm được việc này thì tôi đề nghị Tổ phát huy và làm đúng chức năng, kiểm tra đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chứ không phải kiểm tra lại giao thêm nhiệm vụ cho các cơ quan. Trước và sau kiểm tra Tổ cần báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng để đánh giá khen, phê bình kịp thời, phù hợp, chính xác, khách quan”.

Thủ tướng cũng yêu cầu Tổ thực hiện một số cuộc kiểm tra chuyên đề trong năm 2019, đó là chống tham nhũng vặt, giảm biên chế bộ máy theo chủ trương; kiểm tra về nhập khẩu phế liệu để Việt Nam không trở thành bãi rác của thế giới; kiểm tra giải ngân vốn đầu tư công./.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/phai-tang-luc-day-tu-can-bo-cong-chuc-de-giam-luc-keo-tu-thu-tuong-867635.vov