Phải tăng cường trợ giúp pháp lý

Có một thực tế không thể phủ nhận là tình trạng vi phạm Luật Lao động và các chế độ chính sách của người lao động hiện vẫn diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trình độ xã hội, nhận thức pháp luận của người lao động còn hạn chế nên không thể tự bảo vệ được chính mình.

Chính vì vậy, việc tăng cường tuyên truyền, tư vấn, giáo dục pháp luật và trực tiếp can thiệp, trợ giúp pháp lý để bảo vệ người lao động luôn là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác này còn gặp nhiều khó khăn và chưa được đầu tư đúng mức.

Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội tư vấn pháp luật cho CNLĐ tại lễ phát động Tháng Công nhân năm 2018

Công đoàn vào cuộc tích cực

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người lao động, thời gian qua, các cấp công đoàn Thủ đô luôn đặc biệt chú trọng công tác này.

Hàng năm, Trung tâm tư vấn pháp luật (TVPL) Công đoàn Hà Nội cùng với tổ TVPL LĐLĐ các quận, huyện, công đoàn ngành đã tích cực hoạt động, phát huy tốt vai trò của mình thông qua việc tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động với hình thức đa dạng như tư vấn tại trụ sở đơn vị, tư vấn qua điện thoại, tư vấn lưu động tại doanh nghiệp đồng thời chủ động, tích cực tham gia giải quyết các xung đột pháp lý trong quan hệ lao động, hỗ trợ pháp lý cho người lao động.

Bà Vũ Thị Hương - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội thẳng thắn cho biết:

Công tác tư vấn pháp luật chưa được các cấp công đoàn quan tâm đầu tư đúng mức về thời gian và kinh phí cho các hoạt động tư vấn tại cơ sở, chất lượng tư vấn chưa cao do kinh phí đầu tư cho hoạt động này còn ít, mạng lưới tư vấn cơ sở trình độ nghiệp vụ và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, bộ máy và độ ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật còn mỏng, đều là kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động tư vấn pháp luật chưa nhiều nên chưa đáp ứng được nhu cầu tư vấn của rộng rãi đối tượng CNVCLĐ.

Trong 5 năm (2013-2018), Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội và Tổ TVPL của công đoàn các cấp đã tổ chức 350 cuộc đối thoại, tư vấn pháp luật cho 60.000 lượt đoàn viên, người lao động về các chế độ, chính sách; tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và người lao động.

Riêng năm 2017, Trung tâm đã phối hợp với LĐLĐ quận, huyện, thị xã, CĐ ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở, tổ chức 69 cuộc tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động về Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới người lao động cho khoảng 10.500 CNVCLĐ đồng thời tư vấn qua điện thoại, thư điện tử; tư vấn trực tiếp tại trụ sở Trung tâm cho 859 đối tượng về những nội dung của Luật Cán bộ Công chức, Luật Viên chức, Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp... và một số các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến quyền của nghĩa vụ của các bên khi tham gia quan hệ lao động.

Ở cấp quận, huyện, tổ TVPL LĐLĐ quận Ba Đình là một trong những tổ TVPL hoạt động tích cực. Ông Nguyễn Đức Vinh- Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Ba Đình cho biết, ngoài việc tuyên truyền, tư vấn, phổ biến pháp luật cho NLĐ, các thành viên tổ tư vấn pháp luật của LĐLĐ quận còn trực tiếp tham gia vào đoàn kiểm tra liên ngành của quận, phối hợp kiểm tra việc thực hiện Bộ Luật Lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn quận, tham gia giải quyết các tranh chấp lao động ngay từ khi mới phát sinh; hỗ trợ pháp lý cho người lao động.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Vinh, không chỉ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người lao động, LĐLĐ quận Ba Đình mà trực tiếp là tổ TVPL còn luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho cả người sử dụng lao động để giữ cho mối quan hệ giữa hai bên hài hòa, ổn định. Chẳng hạn, vào tháng 10/2014, văn phòng đại diện của Cty TNHH MENARINI (Singapore) tại Hà Nội có ý định cắt giảm 9 lao động với lý do “biến động thị trường cùng một số khó khăn trong hoạt động kinh doanh”.

Vì ở Cty chưa thành lập tổ chức CĐ nên đơn vị đã cử đại diện đến LĐLĐ quận để được tư vấn cách giải quyết… “Sau khi nghiên cứu từng trường hợp cụ thể, tổ tư vấn pháp luật của LĐLĐ quận đã hướng dẫn Cty thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động, đồng thời động viên ban lãnh đạo Cty tạo điều kiện cho 2 lao động đã làm việc lâu dài ở Cty, có hoàn cảnh khó khăn, được bồi dưỡng chuyên môn khác và tiếp tục làm việc tại Cty. Các trường hợp còn lại được thực hiện đầy đủ các chế độ theo đúng quy định"- ông Nguyễn Đức Vinh cho biết.

Cũng quan tâm chú trọng và đạt hiệu quả tốt trong công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động là LĐLĐ huyện Hoài Đức. Bà Đồng Thị Nga, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoài Đức cho biết, những năm qua, LĐLĐ huyện Hoài Đức đã chỉ đạo các cấp công đoàn huyện đẩy mạnh tư vấn về các Bộ Luật liên quan trực tiếp tới người lao động như: Luật Lao động 2012, Luật BHXH 2014, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động... tới đông đảo CNVCLĐ với nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh của các xã, thị trấn, bảng tin nội bộ của các doanh nghiệp, tuyên truyền qua hệ thống tờ gấp, tờ rơi, tư vấn trực tiếp cho người lao động tại các doanh nghiệp...

Hoạt động của tổ chức công đoàn đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại các doanh nghiệp.Chính vì vậy, những năm qua, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn huyện Hoài Đức khá ổn định, không có các sự vụ lớn xảy ra. Các vấn đề phát sinh đều được giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Cần được tăng cường và đầu tư hơn nữa

Có thể nói hoạt động của tuyên truyền, tư vấn pháp luật của các cấp công đoàn Thủ đô trong thời gian qua đã đóng góp tích cực đến việc nâng cao nhận thức của CNLĐ, có tác động to lớn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhiều tập thể và cá nhân trong quan hệ lao động, giảm các cuộc ngừng việc tập thể song cũng phải thừa nhận, công tác này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tế của CNVCLĐ.

Bà Vũ Thị Hương- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội thẳng thắn cho biết: Công tác tư vấn pháp luật chưa được các cấp công đoàn quan tâm đầu tư đúng mức về thời gian và kinh phí cho các hoạt động tư vấn tại cơ sở, chất lượng tư vấn chưa cao do kinh phí đầu tư cho hoạt động này còn ít, mạng lưới tư vấn cơ sở trình độ nghiệp vụ và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, bộ máy và độ ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật còn mỏng, đều là kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động tư vấn pháp luật chưa nhiều nên chưa đáp ứng được nhu cầu tư vấn của rộng rãi đối tượng CNVCLĐ.

Trong khi đó, bà Đồng Thị Nga - Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoài Đức cho rằng, ý thức chấp hành pháp luật nói chung, Luật Lao động nói riêng của chủ sử dụng lao động còn chưa nghiêm. Nhiều chủ doanh nghiệp cố tình né tránh không muốn người lao động của mình hiểu biết về pháp luật. Do đó công đoàn rất khó tiếp cận với CNLĐ để tuyên truyền, tư vấn pháp luật.

Để đưa pháp luật đến với CNVCLĐ hiệu quả hơn, giúp người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động, bà Vũ Thị Hương cho rằng, trước hết cần tạo chuyển biến về nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động về sự cần thiết của việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho CNLĐ. Cùng đó, cần tăng cường phân cấp và quy rõ trách nhiệm cho từng cấp CĐ trong việc tổ chức hoạt động tư vấn, đánh giá hiệu quả về công tác này.

Bà Đồng Thị Nga - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoài Đức thì cho rằng cần cách thức tuyên truyền pháp luật cho người lao động cần phải được đa dạng, linh hoạt đa dạng chẳng hạn như sân khấu hóa việc tuyên truyền bằng các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, lồng ghép với tổ chức chiếu phim phục vụ người lao động để giảm bớt sự khô khan, căng thẳng, giúp người lao động dễ nắm bắt, dễ hiểu, dễ nhớ và áp dụng trong thực tiễn.

Có ý kiến khác lại đề xuất, cần thiết kế, in ấn các tờ gấp nội dung ngắn gọn, dễ hiểu đề cập đến các vấn đề trọng tâm, thiết yếu mà người lao động cần biết, liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ khi ký HĐLĐ rồi phát cho công nhân tại các công ty. Khi thấy đây là nội dung liên quan mật thiết với mình, người lao động sẽ tiếp nhận một cách nhanh chóng. Ngoài trông chờ vào tổ chức công đoàn, người lao động cũng cần chủ động nghiên cứu luật để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân, tránh thiệt thòi trong quan hệ lao động.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phai-tang-cuong-tro-giup-phap-ly-73612.html