Ngân quỹ nhà nước được đảm bảo an toàn tuyệt đối

Thực hiện chức năng 'tay hòm chìa khóa' của ngân quỹ quốc gia, Kho bạc Nhà nước luôn hướng tới cải cách và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý. Nhờ đó, nguồn ngân quỹ nhà nước luôn được đảm bảo an toàn tuyệt đối, đồng thời tạo nhiều thuận lợi trong hoạt động điều tiết nguồn ngân sách cho các cấp cũng như trong giao dịch.

Hệ thống quản lý ngân quỹ giúp giao dịch gửi tiền rút ngắn

Triển khai Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN), Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã từng bước cải cách quản lý ngân quỹ theo hướng an toàn và hiệu quả.

Trên cơ sở hình thành tài khoản thanh toán tập trung, KBNN đã tập trung toàn bộ số dư ngân quỹ từ địa phương về trung ương và gửi tại Ngân hàng Nhà nước, một mặt giúp cho việc điều hành thanh khoản NQNN, mặt khác, hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ, ổn định thị trường ngoại hối. Các công cụ dự báo luồng tiền, phương án điều hành NQNN, các công cụ đầu tư, đi vay NQNN (tạm ứng ngân quỹ, tiền gửi có kỳ hạn, mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ) được triển khai và từng bước điện tử hóa thông qua Hệ thống quản lý ngân quỹ trên nền tảng web.

Các giao dịch ở Kho bạc Nhà nước Hòa Bình đều thông qua phương thức điện tử.

Phân hệ đầu tiên trong Hệ thống quản lý ngân quỹ được KBNN xây dựng và đưa vào vận hành trong toàn hệ thống (từ tháng 1/2019) là phân hệ dự báo luồng tiền đã giúp cho công tác dự báo luồng tiền trong hệ thống KBNN được kịp thời, giảm thiểu rủi ro trong quá trình xử lý dữ liệu. Trên cơ sở kết quả dự báo luồng tiền, KBNN đã xây dựng và báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt phương án điều hành NQNN quý, năm theo quy định làm căn cứ cho việc triển khai các nghiệp vụ đầu tư, đi vay NQNN.

Từ tháng 12/2020, với việc triển khai phân hệ gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại ngân hàng thương mại (NHTM) trên Hệ thống quản lý ngân quỹ, KBNN đã chuyển từ thực hiện gửi tiền theo phương thức thủ công (giai đoạn đầu), bán điện tử (đầu năm 2020) sang phương thức điện tử giúp cho các giao dịch gửi có kỳ hạn được thực hiện an toàn, bảo mật, minh bạch, đơn giản, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả NHTM và KBNN.

Toàn bộ quy trình giao dịch (từ bước KBNN gửi thông báo nhu cầu gửi tiền có kỳ hạn; NHTM gửi bản chào nhận tiền gửi; KBNN mở bản chào, xác định kết quả lựa chọn NHTM để gửi tiền có kỳ hạn; KBNN gửi thông báo kết quả lựa chọn NHTM để gửi tiền có kỳ hạn đến bước ký kết phụ lục hợp đồng gửi tiền) được thực hiện trên Hệ thống quản lý ngân quỹ. Tổng thời gian thực hiện một giao dịch gửi tiền trong 4 ngày làm việc (rút ngắn 2 ngày so với quy định trước đây).

Theo đánh giá từ KBNN, việc triển khai thực hiện quy trình gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM qua Hệ thống quản lý ngân quỹ đã giúp KBNN quản lý NQNN an toàn, hiệu quả hơn thông qua các chức năng hỗ trợ kiểm soát rủi ro như việc áp dụng nguyên tắc nhiều tay, nhiều mắt đối với tất cả các thao tác trên hệ thống (một người nhập thông tin, ít nhất một người kiểm soát hoặc phê duyệt thông tin).

Đồng thời, quy trình tách bạch rõ người thiết lập các hạn mức và người thực hiện giao dịch trên hệ thống để ngăn chặn các giao dịch vượt hạn mức đã được phê duyệt; chức năng quản lý thanh toán, báo cáo nhằm theo dõi, quản lý nguồn tiền ra, vào từ hoạt động gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM.

Ngoài ra, KBNN triển khai ký phụ lục hợp đồng gửi tiền điện tử với các NHTM, đã rút ngắn thời gian thực hiện các giao dịch gửi tiền, giúp KBNN vừa giảm thiểu các thao tác thủ công, vừa tối ưu hóa nguồn tiền nhàn rỗi.

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp bảo mật và thuận tiện

Để công tác quản lý NQNN an toàn, hệ thống KBNN đã không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM, tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM trong quá trình tham gia chào nhận tiền gửi có kỳ hạn của KBNN. Việc tham gia của các NHTM vào Hệ thống quản lý ngân quỹ cũng nhanh chóng, thuận tiện, thân thiện, dễ sử dụng mà vẫn bảo mật.

Theo đó, các NHTM chỉ cần có máy tính kết nối internet, có chứng thư số của người đại diện và chứng thư số của NHTM (thực hiện việc ký số văn bản điện tử) để thực hiện giao dịch. Hệ thống quản lý ngân quỹ cũng cung cấp nhiều tiện ích hỗ trợ người sử dụng trong quá trình giao dịch (email gửi tự động đến địa chỉ thư điện tử của người sử dụng khi có thông báo của KBNN được gửi lên hệ thống, thông báo tại màn hình trang chủ tự động chỉ dẫn đến màn hình thao tác nghiệp vụ,....).

Hệ thống quản lý ngân quỹ còn giúp cho hoạt động giao dịch, trao đổi thông tin nghiệp vụ quản lý ngân quỹ được kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại để giao nhận các văn bản giấy, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 như hiện nay. Việc trao đổi, phối hợp giữa KBNN và đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính thuận tiện, Hệ thống quản lý ngân quỹ tự động tổng hợp, gửi báo cáo đến Bộ Tài chính thông tin về các đợt chào gửi tiền có kỳ hạn của KBNN cùng lúc gửi thông báo cho các NHTM.

Ngoài ra, từ năm 2021, KBNN đã triển khai nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP) theo phương thức điện tử trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đảm bảo tính chính xác, an toàn, cạnh tranh, công bằng, công khai, minh bạch và tăng hiệu quả trong hoạt động.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, KBNN, với việc triển khai nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn TPCP, KBNN đã thực hiện được đầy đủ các nghiệp vụ về đầu tư NQNN, đảm bảo an toàn và hiệu quả, theo quy định tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý NQNN tại Việt Nam và tiệm cận dần với phương thức quản lý NQNN tiên tiến tại các nước trên thế giới.

Cũng theo bà Hiếu, triển khai nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn TPCP đảm bảo mục tiêu an toàn và hiệu quả khi các đối tác giao dịch là các NHTM có độ an toàn cao theo đánh giá hàng năm của NHNN; việc giao dịch có tài sản đảm bảo chính là TPCP do KBNN phát hành; tạo thêm nguồn thu, tăng số nộp ngân sách nhà nước hàng năm của KBNN.

Đồng thời, phương thức này giúp nâng cao tính công khai, minh bạch đối với hoạt động quản lý NQNN do số lượng các đối tác được phép tham gia giao dịch với KBNN được mở rộng hơn so với nghiệp vụ gửi tiền có kỳ hạn tại các NHTM; quy trình lựa chọn đối tác giao dịch cũng được thực hiện theo hình thức đấu thầu điện tử trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và toàn bộ các thông tin về giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP đều được KBNN công bố công khai trên trang thông tin điện tử của KBNN.

Việc mua lại có kỳ hạn TPCP còn giúp KBNN có thêm phương án sử dụng nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi một cách linh hoạt, chủ động hơn, từ đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý NQNN và giúp tăng thêm nguồn thu cho NSNN.

Về phía thị trường, khi KBNN triển khai mua lại có kỳ hạn TPCP đã bổ sung kênh huy động vốn cho các NHTM, giúp các NHTM khi có nhu cầu tiền ngắn hạn có thêm lựa chọn có thể bán TPCP cho KBNN bên cạnh các kênh truyền thống là vay từ thị trường liên ngân hàng và các kênh huy động khác. Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển thị trường TPCP và thị trường tiền tệ thông qua việc tăng tính thanh khoản của TPCP do KBNN phát hành trên thị trường; từ đó, tác động hỗ trợ trở lại đối với hoạt động phát hành TPCP của KBNN trên thị trường sơ cấp.

Có thể thấy, với những nỗ lực của KBNN trong cải cách quản lý NQNN đã giúp cho KBNN quản lý nguồn quỹ này an toàn, hiệu quả hơn. KBNN đang đưa ra kế hoạch tổ chức điều hành NQNN tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống trong thời gian tới để gắn kết giữa quản lý ngân quỹ với quản lý ngân sách và quản lý nợ; nâng cao chất lượng dự báo dòng tiền; triển khai thực hiện tốt quy trình quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ.

Tổ chức 59 phiên đấu thầu mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ

Trong năm 2021 (tính đến ngày 25/10/2021), Kho bạc Nhà nước đã thực hiện gửi tiền có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước với khối lượng là 480.998 tỷ đồng, kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng theo phương thức đấu thầu điện tử. Đồng thời, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 59 phiên đấu thầu mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ, với tổng giá trị mua lại lần 1 là 1.885,7 tỷ đồng, kỳ hạn mua lại là 14 ngày, 21 ngày và 1 tháng.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngan-quy-nha-nuoc-duoc-dam-bao-an-toan-tuyet-doi-96590.html