Bài 3: Yếu tố quyết định

Đề xuất lùi thu phí cảng biển lần 2, để dành 1.482 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, tại thời điểm này được xem là những giải pháp mạnh của TP. Hồ Chí Minh.

Doanh nghiệp duy trì sản xuất 3 tại chỗ tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Cư

Bài 2: Hỗ trợ doanh nghiệp - giải pháp tối ưu

Bàn giải pháp để kinh tế TP. Hồ Chí Minh sớm phục hồi và phát triển: Bài 1: Tư duy "mở"

Dành 1.482 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp

Tại kỳ họp thứ 3, HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X, UBND thành phố (TP) đề xuất HĐND xem xét, quyết định điều chỉnh thời gian thu phí cảng biển từ 0 giờ ngày 1/10/2021 thành 0 giờ ngày 1/4/2022. Đây là lần thứ 2 UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất lùi thời điểm thu phí cảng biển.

Lý giải về việc lùi thời gian thu phí cảng biển đến ngày 1/4/2022, UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dự kiến đầu năm 2022, TP sẽ kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa tất cả các hoạt động kinh doanh, dịch vụ… Do vậy, để doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi kinh tế (dự kiến 3 tháng), việc lùi thời gian thu phí đến ngày 1/4/2022 là nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, sớm phục hồi hoạt sản xuất kinh doanh.

Trước đó, TP. Hồ Chí Minh đã hoãn thu phí cảng biển trong 3 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến ngày 1/10/2021), với khoản thu dự kiến là 723 tỷ đồng. Như vậy, nếu tiếp tục lùi thu phí hạ tầng cảng biển thêm 6 tháng thì toàn bộ khoản thu dự kiến trong 9 tháng là hơn 2.200 tỷ đồng, xem như khoản hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo tính toán của TP. Hồ Chí Minh, nếu thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/10/2021 thì số thu dự kiến trong 6 tháng (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 31/3/2022) là 1.482 tỷ đồng.

Với việc TP. Hồ Chí Minh chưa thu phí trong 6 tháng, khoản thu dự kiến này xem như là khoản hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

3 yếu tố quyết định để phục hồi kinh tế

Theo TS. Trần Du Lịch, việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh là bước đi cần thiết và phù hợp vào thời điểm này.

Về mục tiêu dài hạn, TS. Trần Du Lịch cho rằng, nhìn từ kết quả tăng trưởng quý III/2021, dù các địa phương phía Bắc duy trì tốt sản xuất, tuy nhiên GDP của cả nước vẫn âm tới 6,17%. Như vậy, câu hỏi đặt ra hiện nay, tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2021 có kéo tăng trưởng kinh tế chung cả năm của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và của cả nước nói chung lên hay không?

Theo TS. Trần Du Lịch sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố. Thứ nhất, trong tháng 10, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh phải an toàn, tạo nhịp để từ tháng 11 có thể chuyển sang điều kiện bình thường mới.

Thứ hai, sản xuất của TP. Hồ Chí Minh liên quan đến chuỗi cung ứng cả trong và ngoài nước. Do đó, việc phối hợp với các địa phương để vận tải hàng hóa, đi lại từ Nam ra Bắc, giao thông tới các sân bay, cảng biển… phải thông suốt, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, cơ hội cho kinh tế của thành phố phục hồi sẽ nhanh hơn.

Thứ ba, vấn đề thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất kinh doanh. Điều này liên quan đến sự điều hành chính sách tín dụng, lãi suất ngân hàng, chính sách thuế, thủ tục hành chính…

“Theo tôi, nếu những doanh nghiệp nào chống đỡ được đến thời điểm này thì không được để “chết” mà phải tiếp sức để doanh nghiệp phục hồi, phát triển” - TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Bên cạnh những yếu tố trên, với TP. Hồ Chí Minh, đầu tư công và dịch vụ gần như dừng lại trong suốt thời gian qua. Vì vậy, thành phố cũng phải bảo đảm 3 yếu tố quan trọng là xuất khẩu, đầu tư công và thị trường nội địa. Khi đó, tăng trưởng cả năm phụ thuộc rất nhiều vào sự tăng tốc của “cỗ xe tam mã” này, đó là duy trì xuất khẩu, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và phục hồi được thị trường nội địa.

Hiện TP. Hồ Chí Minh đã chính thức cho hoạt động lại các dự án đầu tư công trên địa bàn, cùng với triển khai các gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân. Dòng tiền này sẽ có tác động tích cực, đóng vai trò kích cầu, từ đó sẽ tác động tới cung, đóng góp vào sự phục hồi sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố./.

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định Chính phủ sẽ nỗ lực cao nhất để phòng, chống dịch; đồng thời đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn do cơ chế, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để kinh tế đất nước đạt tăng trưởng cao hơn trong quý IV này.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-3-yeu-to-quyet-dinh-93927.html