Phải quyết liệt mới chống được hàng giả

Đó là ý kiến của các doanh nghiệp (DN) tại Diễn đàn 'Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vấn đề an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng do Công ty Cổ phần phát triển khoa học công nghệ VI Na (Vina CHG) tổ chức tại TPHCM ngày 27/11.

DN trưng bày hàng hóa tại diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Huế

DN trưng bày hàng hóa tại diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Huế

"Mê hồn trận” hàng giả

Theo thông tin ghi nhận tại diễn đàn, vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan trên thị trường hiện nay đang ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý mua sắm, tiêu dùng của người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với những ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… những hàng hóa giả mạo, không rõ xuất xứ còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng khi sử dụng.

Người tiêu dùng như rơi vào “mê hồn trận” khi hàng giả, hàng thật lẫn lộn. Thật khó để phân biệt, nhận biết được hàng hóa, sản phẩm mình mua liệu có đúng từ nhà sản xuất, phân phối chính hãng. Trong khi đó, các DN sản xuất, nhà phân phối chính hãng hiện đang phải đối mặt với những phương thức tinh vi hơn từ các đối tượng làm giả, làm nhái nhãn hiệu nhờ môi trường internet, online. Việc lan tỏa thông tin nhanh, không dễ kiểm soát thông qua mạng xã hội cũng khiến DN gặp khó khăn trong việc bảo vệ uy tín thương hiệu sản phẩm. Và khi xuất hiện hàng giả, hàng nhái, DN cũng phân vân, không biết nên lựa chọn phương thức nào để bảo vệ uy tín thương hiệu cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các loại hình kinh doanh thông qua internet bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống càng khiến cho công tác quản lý, kiểm soát và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thêm khó khăn.

Theo ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM, hàng giả không chỉ là vấn nạn của Việt Nam mà còn của các nước, ở đâu có hàng thật uy tín có thương hiệu thì ở đó có hàng giả từ cây kim, sợi chỉ đến smartphone. Có khía cạnh đáng mừng là rất nhiều mặt hàng Việt Nam bị đội lốt chứng tỏ hàng Việt Nam có uy tín cao nhưng mặt khác cũng thể hiện công tác quản lý, kiểm tra, công tác kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang có nhiều vấn đề nổi cộm. Đặc biệt hàng gian, giả, nhái, không rõ nguốn gốc xuất xứ này ảnh hưởng DN chân chính mà còn ảnh hưởng sức khỏe tính mạng người tiêu dùng.

Cần có sự đồng lòng

Theo ý kiến của các diễn giả tại hội thảo có nhiều nguyên nhân khiến cho hàng giả vẫn lộng hành dù các cơ quan chức năng và nhiều DN đã rất nỗ lực trong công tác chống hàng giả. Trước hết, về phía DN, theo ông trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, không chỉ nói về công ty tham gia kỹ thuật chống giả. Nhưng công đưa sản phẩm ra thị trường cũng cần có chiến lược, văn hóa của về chống hàng giả. Hiện nay, nhiều DN còn “lơ mơ” về chiến lược, văn hóa công ty nên chưa có giải pháp lâu dài để chống hàng giả.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Giang Khuê, nhiều DN còn e ngại không công bố thông tin, không chủ động xử lý khi hàng hóa của mình bị làm giả. Thậm chí nhiều DN còn quên đăng ký bản quyền dẫn đến cơ quan chức năng khó xử lý khi có vụ việc phát sinh. Việc sử dụng công nghệ, thiết lập hệ thống bảo vệ ban đầu của nhiều DN còn rất yếu. Về phía người tiêu dùng, tâm lý sính hàng hiệu của một một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng cũng tạo điều kiện cho hàng giả còn đất sống.

Yếu tố quan trọng nhất theo các DN là chế tài xử lý hàng giả còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe. Theo ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty Thời trang Nón Sơn, các đối tượng sản xuất hàng giả hiện nay không phải là các cơ sở nhỏ lẻ mà là các DN có tư cách pháp nhân, có nhà máy, khuôn mẫu để sản xuất hàng giả số lượng lớn, do vậy nếu chỉ phạt hành chính vài ba chục triệu đồng thì không ăn thua gì, cần phải xử lý nặng hơn, thậm chí rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn với có tác dụng. Để làm được điều đó cần phải điều chỉnh các quy định pháp luật, tăng thêm quyền hạn cho cơ quan thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó cần phối hợp từ trung ương tới địa phương, chứ chỉ có công an kinh tế và quản lý thị trường thì không thể giải quyết được triệt để. Đặc biệt cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông cũng phải vào cuộc thì mới phát huy được quả của công tác chống hàng giả.

Đại diện Công ty Mỹ Phẩm Anh Đào cũng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước, DN và người tiêu dùng phải đồng lòng chống hàng giả thì mới phát huy được tác dụng. Hiện nay nhiều DN đã đầu tư công nghệ hiện đại và rất nhiều chi phí để đưa ra các chính sách bán hàng cho nhà phân phối và thị trường để hạn chế hàng giả nhưng nếu không có sự phối hợp thì DN sẽ rất khó khăn.

Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Công ty Vina CHG cho biết, DN này đã đưa ra nhiều công nghệ chống giả để hỗ trợ các DN trong đó có tem truy xuất nguồn gốc, hiện nay chưa có đơn vị nào có khả năng làm giả. Chống hàng giả là cuộc chiến rất cam go cần sự phối hợp của rất nhiều thành phần liên quan, trong đó, người tiêu dùng có vai trò rất quan trong trong việc cung cấp thông tin, phát hiện hàng giả.

“Các DN cần phải sử dụng tất cả các công cụ đang có, trong đó có công cụ truyền thông và hợp tác với các chuyên gia. Đặc biệt cần tin tưởng và cầu thị các cơ quan thực thi pháp luật trong công tác chống hàng giả” ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Điện tử Minh Tuấn cho biết./.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/phai-quyet-liet-moi-chong-duoc-hang-gia-116022.html