Phải quy định cấm bán bia rượu cho trẻ em

Báo cáo giải trình Dự thảo Luật chưa đề cập tới việc tác động của rượu bia tới trẻ em – đối tượng yếu thế trong xã hội.

Đây là ý kiến của ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) về dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia vào sáng nay 23/5.

Cấm quảng cáo bia rượu… vào thời gian không có quảng cáo

Trên thực tế các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước đa số có nồng độ cồn từ 4,2 – 5%. WHO nêu rõ, bia là đồ uống phổ biến của Việt Nam, là sự lựa chọn chính khi trẻ làm quen với thức uống có cồn.

ĐB Phạm Thị Minh HIền

ĐB Phạm Thị Minh HIền

Vì vậy bà Hiền đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5%, khung giờ quảng cáo cần phải điều chỉnh lại từ 18 – 21 giờ ở điều 12 thay cho những quy định hiện tại.

“Ai cũng biết, 19 – 20 giờ là thời gian của chương trình thời sự, gần như không có quảng cáo. Đó chỉ là khung giờ vàng theo quan điểm của người lớn, không có ý nghĩa ưu tiên giảm tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và đồ uống có cồn.

Tôi cảm thấy rằng, Dự thảo này không phục vụ cho mục tiêu phòng chống tác hại rượu bia, lấy lợi ích của người dân làm cốt lõi, cho các nhóm quyền của trẻ em liên quan tới dự luật này”, bà Hiền phân tích.

Thứ hai, với biện pháp kiểm soát trẻ em mua rượu bia, bà Hiền cảm thấy bất ngờ vì Dự thảo không còn quy định cấm bán rượu bia trên 15% độ cồn trên Internet vì nội dung này thực tế đã được quy định tại nghị định 105/2017 của Chính phủ. Đây là biện pháp nhằm hạn chế tính sẵn có của rượu bia.

“Không thể bỏ qua việc đánh giá tác hại của rượu bia với trẻ em. Đề nghị cần bổ sung cấm bán".

"Các nước phát triển về mạng lưới bán lẻ hiện đại vẫn còn nhiều lúng túng trong việc kiểm soát việc gian lận độ tuổi khi mua hàng trong khi rượu bia không phải hàng hóa bình thường mà là hàng có nguy cơ gây nghiện, cần hạn chế tiêu dùng, vì vậy cần tạo ra các rào cản mạnh mẽ, không nên tạo thêm cơ hội cho người tiêu dùng nói chung và trẻ em nói riêng”, bà Hiền kiến nghị.

Bà Hiền nhấn mạnh, luât phải có sự minh định rõ rằng, phải tính tới yếu tố khả thi khi áp dụng chứ không thể thiếu sự mạch lạc. Ít nhất là các điều khoản có yếu tố tác động trực tiếp đối với trẻ em và vị thành niên

Thiếu đánh giá tác động của rượu bia tới trẻ em

Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng nhấn mạnh, chúng ta đều rất đau khi nhận thấy sự giằng xé đầy mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và sức khỏe con người.

“Một trong những nội dung không còn trong dự luật là cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet. Lấp vào điều trên, dự thảo đã chế định việc bán rượu bia trên sàn thương mại điện tử nhưng có kiểm soát độ tuổi người tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu bia.

Việc kiểm soát độ tuổi cũng được chế định tại khoản 5, điều 12. Trong thực tế, nếu làm được điều này, tôi đề nghị Chính phủ phải làm ngay để ngăn chặn việc truy cập hàng ngày, hàng giờ các trang web có thông tin phản động, xuyên tạc và cũng để hạn chế tác hại của rượu bia. Tình trạng ngày càng phổ biến là độ tuổi tiếp cận, truy cập Internet ngày càng trẻ hóa”, ông Nhân bày tỏ.

Một vấn đề nữa cũng được ông Nhân đề cập đó là báo cáo giải trình chưa đề cập tới việc tác động của rượu bia tới trẻ em – đối tượng yếu thế trong xã hội. Việc cấm bán rượu bia trên Internet có khả thi hay không?

“Việc cho phép bán rượu bia trên Internet nhưng lại không thể kiểm soát cho thấy sự mâu thuẫn. Điều 13 quy định không quảng cáo bia từ 5,5 độ cồn trở lên trong các chương trình thể thao, văn hóa. Như vậy thì rượu bia dưới 5,5 độ cồn sẽ được quảng cáo trong các chương trình trên. Ngoài ra, chỉ quy định không được quảng cáo trong khung giờ từ 19 đến 20 giờ trên truyền hình. Thực tế, khung giờ trên không phải là khung giờ vàng của các quy định trong luật. Do đó, quảng cáo bia rượu dưới 5,5 độ cồn trên thị trường vô tình lại thành không vi phạm khi được quảng cáo ngoài trời”, ông Nhân bày tỏ.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/phai-quy-dinh-cam-ban-bia-ruou-cho-tre-em-post300457.info