Phải qui hoạch Đà Nẵng cho cả vùng đô thị

Ý tưởng qui hoạch chung Đà Nẵng tới năm 2030, tầm nhìn 2045 mà tư vấn Singapore đưa ra ngày 8-11 tiếp tục nhận được nhiều phản biện sắc bén từ các chuyên gia quốc tế.

Ý tưởng qui hoạch chung Đà Nẵng tới năm 2030, tầm nhìn 2045 mà tư vấn Singapore đưa ra ngày 8-11 tiếp tục nhận được nhiều phản biện sắc bén từ các chuyên gia quốc tế.

Khu trung tâm Đà Nẵng sẽ được phát triển thành đô thị nén.

Khu trung tâm Đà Nẵng sẽ được phát triển thành đô thị nén.

Thành phố mới ở Hòa Vang

Theo tư vấn Surbana Jurong, qui hoạch chung Đà Nẵng phải tính đến cả vùng đô thị Quảng Nam, Quảng Ngãi với tổng dân số khoảng 5,8 triệu người. Từ đây, các thiết chế về hạ tầng đô thị, giao thông kết nối, việc làm, quĩ đất… cũng phải tính toán trước. Chẳng hạn về kinh tế biển, Đà Nẵng có lợi thế cảng biển, du lịch, nhưng cần gắn với các địa phương để tạo vùng kinh tế biển giàu sức cạnh tranh. Muốn thế, với vai trò hạt nhân, Đà Nẵng cần tính toán nguồn nhân lực, đáp ứng hạ tầng trong điều kiện tăng dân cư.

Trong điều kiện quĩ đất còn lại ít, tư vấn nêu ý tưởng mở rộng đô thị Đà Nẵng về phía Tây, hình thành trung tâm TP mới ở Hòa Vang. Tuyến đường tránh (sau là cao tốc, đường sắt cũng sẽ kẹp sát cùng hành lang) chia TP làm 2 mảnh, tới năm 2030 sử dụng đất phát triển đô thị phía Đông đường tránh, quĩ đất dự trữ phía Tây đường tránh dùng phát triển cho năm 2045. Không gian đô thị Đà Nẵng được cấu trúc cao dần từ Đông sang Tây, trong đó khu vực ven sông, biển hạn chế nhà cao tầng, xây đô thị nén, phía Tây đồi núi sẽ phát triển nhà cao tầng tạo chỗ ở cho dân cư trẻ tương lai.

Hệ thống giao thông gồm các đường lớn, đường nhánh, đường cao tốc nối từ Tây sang Đông, nối nội vùng phía Tây cũng được tư vấn thiết kế chi tiết, trong đó khu vực quân sự sẽ có đường hầm xuyên bên dưới để tránh đường vòng. Đà Nẵng sẽ được tổ chức thành 24 khu đô thị trong 5 quận, mỗi khu đô thị có trung tâm riêng, các quận nối với nhau bằng các hành lang xanh để hòa nhập giữa TP và thiên nhiên. Tư vấn cũng thiết kế cho Đà Nẵng vành đai kinh tế công nghệ cao ở phía Bắc (Hòa Liên) và vành đai đổi mới ở phía Nam (Hòa Hải) nối với vành đai logistics (Thọ Quang) qua trung tâm Đà Nẵng bằng hệ thống giao thông hiện đại. Trong qui hoạch hệ thống giao thông đường bộ, tư vấn đều hướng tới mục tiêu 35% dân cư Đà Nẵng sẽ dùng giao thông công cộng vào năm 2045, vì thế qui hoạch dành đất hành lang, dự trữ cho giao thông công cộng.

Liên quan tới sân bay Đà Nẵng, tư vấn đề xuất xây thêm nhà ga T3 nâng công suất lên 30 triệu khách/năm. Tuy vậy, nhà ga chỉ một phần, quan trọng là đường băng, hiện 2 đường băng quá gần, không thể khai thác cùng lúc, vì thế phải xây thêm đường băng mới, đón được máy bay lớn. Khi 2 đường băng hoạt động song song sẽ không bị quá tải, hiệu suất khai thác cao hơn. Muốn vậy, Đà Nẵng cần giải phóng mặt bằng, giải tỏa vùng ven sân bay tạo quĩ đất dự trữ sau này làm đô thị sân bay, phát triển logistics, là cửa ngõ quốc tế của miền Trung. Với cảng biển, tư vấn giữ quan điểm không xây cảng Liên Chiểu vì tác động môi trường, dành để khai thác lĩnh vực khác vừa đảm bảo môi trường vừa có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Toàn cảnh hội thảo phản biện lần cuối về qui hoạch chung Đà Nẵng.

Chưa bền vững

Chuyên gia Maysho Prashad, Callison RTKM, Hoa Kỳ nói rằng, khi qui hoạch đô thị phải tính từng con hẻm nhỏ, nơi có các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, phải đảm bảo lợi ích của họ, đây là thành phần kinh tế quan trọng. Quy hoạch cũng đừng quên các chợ truyền thống, nó gắn với văn hóa, phải xem xét nó ở tầm chiến lược trong tương lai nếu không sẽ trễ mất. Ông Maysho Prashad nói, Đà Nẵng có cấu trúc không gian thể hiện rõ sự đa dạng về địa hình từ biển, sông, đồng bằng, đồi núi. Tuy nhiên tư vấn chưa thể hiện được các cụm du lịch dọc sông, nơi trải nghiệm tuyệt vời cho khách, cũng để nâng cao kinh tế cho người dân. Ở phía Tây được thiết kế TP mới nhưng chưa chỉ rõ trung tâm đô thị chỗ nào. Ở đây cũng không nên có các tòa nhà cao, vì nó là đồi núi, sẽ tác động tới môi trường. Chưa kể chiều cao các tòa nhà sẽ ảnh hưởng tới sân bay nằm ngay trong lòng đô thị. Tư vấn cần tạo các khu vực tập trung mảng xanh nhiều hơn cho TP.

Về cảng biển, Maysho Prashad khuyến nghị vẫn nên giữ cảng biển ở điểm hiện tại, vì đã có sẵn ngành kinh tế biển kết nối. Ở Sedney (Australia) ngồi uống cà-phê nhìn ra cảng với những con tàu cập bến rất thú vị, không nhất thiết phải tách cảng ra khỏi đô thị. Nếu xây cảng Liên Chiểu, khả năng gây ô nhiễm cho vịnh Đà Nẵng. Chưa kể làm cảng không hiện đại, ngồi nhà nhìn ra những con tàu rỉ rét thì sẽ ô nhiễm cảnh quan trước khi ô nhiễm môi trường.

Về sân bay, Maysho Prashad nói rằng trước khi nghĩ tới việc thu hồi đất mở rộng hãy nghĩ đến không gian xanh, tạo vùng đệm kết nối với khu đô thị xung quanh, đem lại lợi ích cho họ thay vì để họ cảm thấy sân bay là rào cản, ô nhiễm tiếng ồn, bụi bặm. Đà Nẵng cũng nên có một quận sinh thái tự nhiên hoàn toàn, không có tiếng động cơ xe, chỉ có người đi bộ (như ở bán đảo Sơn Trà là phù hợp). Tại sao Đà Nẵng không táo bạo nghĩ vấn đề đột phá này nếu muốn dẫn đầu toàn cầu về môi trường. Bởi lẽ thực tế chỉ ra rằng, ô nhiễm môi trường sẽ kéo chậm sự phát triển. Một nơi có chất lượng sống đáng mong ước là nơi có không gian xanh.

Chuyên giao cao cấp Matsumura Shigehisa thuộc Nikken (Nhật Bản) cũng cho rằng, qui hoạch Đà Nẵng hướng tới 2 triệu dân, phải mở rộng đô thị ra khu vực mới, nhưng phải đặt yếu tố sinh thái, bền vững lên hàng đầu. Bởi lẽ những vùng đô thị mới rất nhạy cảm về môi trường khi phát triển hạ tầng. Đó là những vùng rừng, vùng đồi đất dốc, vùng nông nghiệp, vùng thường ngập lụt. Đà Nẵng mở rộng ra phía Tây thì cần kiểm soát tốt, tìm ý tưởng căn bản trong phát triển đô thị. Chẳng hạn muốn đó là vùng sống xanh (như ngoại ô Tokyo) thì phải qui hoạch thật nhiều cây xanh. Với giao thông, cần phải có giải pháp cụ thể như giảm xe máy xuống 50%, tăng dùng xe buýt lên 35% nếu không sẽ tắc đường. Khi mở rộng đô thị, ngay từ đầu phải giới thiệu được các tuyến buýt, xe điện, tàu điện ngầm thậm chí cả các đường chuyên dụng để vận tải.

Tầm nhìn vùng đô thị

Chuyên gia Olivier Soquet tới từ Pháp cho rằng, sân bay Đà Nẵng không thể mở rộng hơn, nên tính giải pháp liên kết với sân bay Phú Bài, Chu Lai thông qua đường sắt tốc độ cao. Về cảng biển nên duy trì ở vị trí hiện tại, không nên mở rộng, không nên làm cầu cạn cắt qua đô thị, trông rất kinh khủng. Nếu phải lựa chọn thì chọn đường 2 tầng để chừa phần trống phía dưới phát triển thương mại. Chuyên gia Olivier Soquet cũng nói rằng, TP có bản sắc là TP có lịch sử, có câu chuyện riêng của nó. Với Đà Nẵng thì sông Hàn là linh hồn. Cần qui hoạch 2 bên bờ sông là khu vực hấp dẫn, vừa tạo khác biệt vừa ít tốn kém kinh phí. "Tôi ngạc nhiên mật độ hiện tại của Đà Nẵng rất thấp, chỉ hơn 3 ngàn người/km2 (Paris là 25 ngàn người/km2). Tôi tin phát triển một đô thị nén, mang tính đa dạng, sẽ trở thành lõi đô thị của Đà Nẵng. Tại sao phải phát triển khu vực đồi núi trong khi nó là khu vực rất nguy hiểm, sao lại xây nhà cao tầng ở đây. Dù dân số TP tăng cao cũng không nhất thiết phải phát triển nhà cao tầng ở đây. Khu vực này rất tốt để phát triển nông nghiệp. Giờ nông nghiệp đô thị là vấn đề chính trong nhiều qui hoạch trên thế giới. Tôi không thấy có lý do gì chọn mật độ dân cư cao khu vực đồi núi, dành phát triển nông nghiệp sẽ tốt hơn"- ông Olivier nói.

Chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn thì cho rằng, qui hoạch Đà Nẵng nên nhìn tổng thể trong vùng, đây là xu hướng thế giới. Nhìn cả vùng để thấy từng vấn đề có nên xây cảng mới không, có nên mở rộng sân bay không, nên tập trung vào thế mạnh gì? Theo ông Sơn, qui hoạch đô thị cần nhìn 100 năm tới, có những chỗ chưa làm được thì để đất đó, đừng xây dựng để sau này phải phá bỏ, tốn kém. Qui hoạch cũng không đóng lại tương lai, cũng không được bỏ lỡ cơ hội. Chẳng hạn bán đảo Sơn Trà, phần nào bảo tồn, phần nào phát triển phải nêu rõ. Trong khu phát triển thì khu nào ưu tiên làm trước, khu nào phải bỏ kinh phí, khu nào tự nó có thể phát triển. Nếu không tính toán từ giờ liệu có mất cơ hội không? Ông Sơn nói: Có cảng Chân Mây gần rồi sao không nghĩ chia sẻ dùng chung, kết nối bằng cao tốc, hình thành cụm cảng Tiên Sa - Chân Mây, như vậy không cần xây cảng Liên Chiểu. Thay vì làm một sân bay thật lớn thì có thể liên kết 2 sân bay, hiệu quả vẫn cao hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, đây là hội thảo cuối cùng để tư vấn nghe chuyên gia góp ý, từ đó sẽ hoàn thiện bản Qui hoạch chung Đà Nẵng, trình Chính phủ vào cuối năm.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_215699_.aspx