Phải 'quét' sạch những trường hợp giả nghèo

Ở xã Lương Sơn, huyện biên giới Thường Xuân (Thanh Hóa) có một cụ bà 83 tuổi cương quyết xin thoát nghèo suốt hai năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được chính quyền địa phương giải quyết. Bà cụ thắc mắc: 'Tôi không nghèo tại sao cứ để tôi nghèo. Tôi cương quyết trả lại sổ hộ nghèo. Nhưng bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng phải 'quét' sạch những hộ nghèo vớ vẩn ở địa phương'.

Cụ Mơ sống một mình trong căn nhà cấp 4 vì chưa muốn làm phiền đến con cái.

Cụ Mơ sống một mình trong căn nhà cấp 4 vì chưa muốn làm phiền đến con cái.

Sống thoải mái giữa xóm làng

Nhắc đến Thường Xuân, người ta nghĩ ngay tới địa phương này thuộc vùng đặc biệt khó khăn đang được thụ hưởng những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước thông qua Chương trình 30a. Vậy nhưng ở nơi thuộc miền biên viễn này đang xảy ra chuyện lạ đời: Cụ Đỗ Thị Mơ (83 tuổi) sống một mình trong căn nhà cấp 4, suốt hai năm qua từng nhiều lần đạp xe lên UBND xã Lương Sơn để trình bày nguyện vọng xin được ra khỏi danh sách hộ nghèo, cô đơn, không nơi nương tựa. Cụ Mơ nói: “Tôi ở tuổi gần đất xa trời rồi, nhưng trộm vía, sức khỏe còn tốt, mắt sáng, trí nhớ khá minh mẫn nên hàng ngày vẫn làm vườn, chăm sóc cây chuối, trồng hai sào lúa, nuôi gần chục con gà mái đẻ trứng. Vậy sao bảo tôi nghèo được?”.

Theo cụ Mơ, chỉ tính riêng 7 con gà đẻ, mỗi ngày mang lại nguồn thu nhập 28.000 đồng, bình quân mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 600.000 đồng tiền bán trứng gà. Ngoài ra, cụ còn bán chuối, hoa lợi thu được trong vườn, cộng với nguồn lương thực từ trồng lúa, khoản trợ cấp người cao tuổi nên cuộc sống không có gì là khó khăn cả. “Tôi ở một mình, ngày ăn hết không đến 5 nghìn bạc. Rứa, nhận các chế độ ưu đãi của Nhà nước dành cho hộ nghèo để làm gì nữa? Tham quá, lúc chết có mang theo xuống đất được đâu chứ! Hãy dành cho những hộ nghèo thực sự, khó khăn thực sự. Tôi tin những người nghèo thật, cũng như tôi, chả mấy ai muốn mình được thụ hưởng chế độ hộ nghèo đâu, khổ tâm, tủi nhục lắm. Tôi khai hoang, làm vườn đất rộng mấy sào, nghèo là nghèo làm răng. Gái ở một mình, tiền là rác. Bà già ở một mình, thoải mái, thích ăn thì ăn, thích tiêu thì tiêu”- cụ Mơ nói.

Để được hưởng chế độ hộ nghèo, cụ Mơ nằm trong diện người già cô đơn, không nơi nương tựa. Song, bà cụ phân trần rằng, bà sinh được cả thảy 10 người con, nếu nhận mình thuộc diện không nơi nương tựa nghĩa là đang bêu xấu con cái. Cụ Mơ khẳng định, bản thân có chỗ nương tựa rất nhiều nhưng cụ chưa muốn làm phiền đến con cái, chưa phải nương tựa con cái. Bà cụ khẳng định: “Tôi còn đang giúp đỡ được những người khó khăn hơn tôi, tôi không thể nghèo được. Chứ còn có những gia đình tách riêng bố mẹ ra để ăn chế độ của Nhà nước, như vậy hèn lắm. Cha mẹ cần phải gương mẫu, lao động chăm chỉ, trung thực để cho con cái noi theo. Ngược lại, con cái có điều gì đó khiến cha mẹ chưa hài lòng cũng đừng mang đi nói chuyện với ai. Ví dụ, bà nói xấu con bà với cháu thì cháu sẽ đánh giá, bà có làm sao con bà mới thế, đúng không?”.

Cụ Mơ dạy con thông qua những vần thơ do chính mình sáng tác chứ không chửi bới, đánh đòn con cái bao giờ. Bài thơ mới đây nhất cụ làm được đánh máy, in ra sau đó photocopy gửi cho mỗi người con một bản để nghiền ngẫm. Qua đó, cụ Mơ mong muốn, đứa con nào nhập tâm, thấm được thì sửa được; đứa nào không sửa được thì đành phải chịu. Cụ bà nhớ lại: Cách đây 32 năm về trước, chồng cụ đột ngột qua đời để lại cho người phụ nữ 11 người con thơ dại, trong đó có 1 người con nuôi. Người con nuôi mới đây bị tai nạn nên cụ Mơ cũng đang hỗ trợ một phần kinh phí chữa vết thương. Ở thời điểm đó, còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực miền núi cao, song, cụ Mơ đã vượt qua tất cả để nuôi dưỡng các con khôn lớn nên người, ổn định cuộc sống. Cụ Mơ tâm sự bằng thơ: “Mẹ dù sức khỏe thế nào/ Tuổi già ắt hẳn dựa vào con thôi/ Mong con đáp chút nghĩa đời/ Mẹ muốn nghe được những lời thân thương/ Một đời dãi nắng dầm sương/ Đắng cay mẹ nhận, ngọt đường phần con”. Rồi cụ quả quyết: “Riêng tôi, tôi chưa ở chung và cậy nhờ đến đứa con nào, bởi tôi đang tự lo được cho mình từ việc bán rau ngoài chợ mỗi ngày”.

Nói như vậy để thấy, ở thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời, cụ Mơ còn vượt qua được, đến giờ khi tuổi già nhưng còn chút sức khỏe, cụ vẫn chưa muốn nương nhờ vào ai và cũng không muốn trở thành gánh nặng cho xã hội. “Tôi biết, ra khỏi hộ nghèo sẽ không còn được nhận thẻ bảo hiểm y tế, không nhận quà tết, không hưởng trợ cấp tiền điện...” - cụ Mơ khẳng định. Nhưng cụ Mơ suy nghĩ: Lòng tự trọng của con người không có gì có thể đánh đổi được. Với cụ, tuổi già cũng chả ăn tiêu gì nhiều, điện sáng không hết mấy đồng, sức khỏe của cụ khá tốt, chẳng mấy khi phải tới bệnh viện. Vậy cứ nhận bừa chế độ của Nhà nước là thiếu gương mẫu, không trung thực.

Vẫn chưa được thoát nghèo

Cụ bà Đỗ Thị Mơ nhớ lại câu chuyện cách đây gần nửa thế kỷ về trước, khi được Nhà nước đưa đi vùng kinh tế mới, đóng đô tại xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân. Khi lên đây, bao la là rừng rậm, gần như mình cụ Mơ tần tảo, khai hoang mở rộng đất đai trồng trọt cây lúa, cây sắn để kiếm tiền nuôi hơn chục người con. Bao nhiêu ruộng đồng đó, khi con cái lớn lên, lập gia đình, cụ Mơ đều chia ruộng, chia đất, làm nhà và cho ra ở riêng. Có một người con trai của cụ Mơ khi trưởng thành đã thoát ly nhưng để đảm bảo tính công bằng, người mẹ gọi về chia cho một suất đất rồi anh bán đi lấy tiền phụ vào làm nhà tại nơi ở mới. Lý do cụ Mơ làm như vậy là để rèn giũa con cháu về tình yêu thương của cha mẹ đối với các con đều phải đảm bảo công bằng, không phân biệt đối xử, để sau này các thế hệ tương lai khi lớn lên cũng noi theo truyền thống đó của gia đình.

Năm nay đã 83 tuổi nhưng sức khỏe tốt, trí nhớ của cụ Mơ khá minh mẫn.

Bây giờ, trong cuộc sống, cụ Mơ phải tận mắt nhìn thấy những trường hợp sung sướng rõ ràng, con cái giàu có mà lại sống trong cảnh cô đơn, như thế không phải là cô đơn, con người cần phải có liêm sỉ. Con cái nỡ đành tách cha mẹ ra để hưởng chế độ trợ cấp sẽ tiêm nhiễm vào đầu trẻ thơ, thế hệ tương lai tính ỷ lại, sự dối trá. Nhưng thực tế trong xã hội hiện đang có không ít gia đình khá giả vẫn tham lam, núp bóng hộ nghèo để hưởng lợi khiến nhân dân rất bức xúc. Có cả những gia đình có người thân làm cán bộ cũng lợi dụng chức quyền để đưa người thân vào danh sách hưởng lợi từ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Chính vì những lẽ đó nên suốt hai năm qua, cứ thỉnh thoảng cụ Mơ lại đạp xe lên UBND xã Lương Sơn để hỏi về việc giải quyết đơn xin rút ra khỏi danh sách hộ nghèo của mình. Cụ Mơ cười rạng ngời niềm hạnh phúc: “Tôi không nghèo tại sao lại nói tôi nghèo. Tôi nói với các anh cán bộ xã rồi, tôi nhận tiền điện hết quý cuối của năm 2019 thôi, sang năm tôi không nhận nữa. Không cho tôi ra khỏi hộ nghèo là không được. Tôi không nghèo nữa, tại làm răng cứ để tôi trong hộ nghèo, tôi chống lại chứ. Các ông lãnh đạo địa phương có giải quyết không hay cứ để tôi mang tiếng nghèo mãi tới lúc chết? Chả nhẽ cứ để tôi nhận chế độ mãi như vậy là tôi sai, mà cán bộ cũng sai, vì chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Còn nói rằng, tôi cô đơn không nơi nương tựa cũng không đúng, vì tôi có rất đông con, chỉ là chưa đến lúc tôi phải cậy nhờ con cái thôi”.

Nói về sự việc trên, ông Lương Văn Thiêm - Chủ tịch UBND xã Lương Sơn - xác nhận: Trường hợp của cụ Đỗ Thị Mơ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo là rất hiếm đối với xã Lương Sơn. Bởi các hộ nghèo, được hưởng chính sách thì cứ muốn nghèo, nghèo mãi thôi. Hơn thế, thực tế xã Lương Sơn cũng thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên mọi điều kiện sinh hoạt, phát triển kinh tế của nhân dân cũng gặp nhiều hạn chế.

Vậy vì sao đến nay chính quyền xã Lương Sơn vẫn chưa giải quyết cho cụ Mơ ra khỏi danh sách hộ nghèo? Ông Thiêm nói: “UBND xã Lương Sơn sẽ cho kiểm tra thực tế và sẽ đồng ý cho cụ Mơ thoát nghèo trong năm 2019 này nếu đủ điều kiện”.

Thế nhưng, khi quyết định rời khỏi danh sách hộ nghèo, cụ Mơ cũng bày tỏ mong muốn: “Tôi ra khỏi hộ nghèo nhưng chính quyền cấp xã, huyện cũng cần “quét” sạch những trường hợp nghèo vớ vẩn, nghèo không đúng thực tế mà chỉ là giả nghèo để trục lợi”.

Anh Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/phai-quet-sach-nhung-truong-hop-gia-ngheo-tintuc448508