Phải quan tâm những vấn đề thiết thực với người lao động

Ngày 25-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đánh giá kết quả thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, kết luận phiên họp, Thủ tướng cho rằng các bộ, ngành đã nghiêm túc thực hiện 15 nội dung đã được Thủ tướng kết luận tại phiên họp trước, trong đó đã hoàn thành 10 nội dung. Thủ tướng yêu cầu đưa 5 nội dung còn vào văn bản nhằm thúc đẩy, đưa chủ trương đi vào cuộc sống, không để “nói mà không làm”. Thủ tướng đánh giá Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành đã tăng cường phối hợp trong việc tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, nhất là các chính sách liên quan đến người lao động như: xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Công đoàn 2012 sửa đổi, tham gia xây dựng thực hiện đề án của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội… Cơ chế phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được kết quả tốt, trong đó có việc giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến người lao động.

Mặc dù vậy, Thủ tướng nhìn nhận đời sống của một bộ phận người lao động vẫn còn khó khăn. Tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), nợ đọng, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT ở các doanh nghiệp vẫn diễn ra ở một số địa phương. Việc xây dựng 50 thiết chế công đoàn còn gặp những vướng mắc về Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công.

Đề cập định hướng phối hợp giữa các cơ quan trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục tham gia hiệu quả tích cực hơn nữa công tác xây dựng thể chế, thực hiện phản biện xã hội, nhất là đối với các chính sách liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn. Các bên tập trung nghiên cứu kỹ việc sửa đổi Bộ luật Lao động, nhất là những nội dung quan trọng có ảnh hưởng, tác động lớn đến xã hội như vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tăng số ngày nghỉ… Đồng thời phải quan tâm, lo những vấn đề thiết thực cụ thể với người lao động như bữa ăn hàng ngày, an toàn thực phẩm; bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể và doanh nghiệp dịch vụ cung cấp suất ăn, chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ tiếp thu đầy đủ, phối hợp tốt hơn với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách lao động và việc làm, tạo động lực mạnh mẽ nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống cho người lao động. Thủ tướng cũng đồng ý với chủ trương, đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 1.000 - 2.000 tỷ đồng để tập trung triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội tại 50 thiết chế của công đoàn. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, rà soát, tổng hợp phương án phân bổ ghi vốn trung hạn 2021-2025 để hỗ trợ cho những thiết chế công đoàn.

PHÚC HẬU

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phai-quan-tam-nhung-van-de-thiet-thuc-voi-nguoi-lao-dong-618958.html