Phải quan tâm đến đặc thù cấp học

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF), nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT), cho rằng: Lựa chọn sách giáo khoa (SGK) là công đoạn quan trọng trong lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021. Cần xác định đặc thù của từng cấp học để đưa ra quyết định lựa chọn SGK phù hợp.

Ông Đặng Tự Ân.

Ông Đặng Tự Ân.

Theo đó, việc lựa chọn SGK ở tiểu học sẽ khác lựa chọn SGK ở THCS và THPT. Nhấn mạnh điều này, Giám đốc Quỹ VIGEF làm rõ: Ở tiểu học, giáo viên dạy theo lớp, nên một giáo viên sử dụng cả bộ SGK của một lớp, do được phân công dạy. Ngược lại, ở THCS và THPT, giáo viên phân công dạy theo môn, nên một giáo viên chủ yếu sử dụng nhiều SGK của cùng một môn và nhiều lớp khác nhau. Giáo viên các cấp học có hình thức tác nghiệp khác nhau nên khác nhau về cách lựa chọn công cụ tác nghiệp, ở đây chính là SGK.

Theo Luật Giáo dục 2019, UBND tỉnh, thành phố quyết định lựa chọn SGK. Tuy nhiên, ông Đặng Tự Ân cho rằng, nên hiểu cấp có thẩm quyền ra quyết định là UBND tỉnh, thành phố; còn trong quá trình lựa chọn SGK để trình UBND quyết định, phải dựa trên cơ sở các trường, giáo viên được trực tiếp thực hiện các khâu trong quá trình lựa chọn. Nghĩa là chỉ thay đổi cấp ra quyết định còn quy trình và cách làm là giống nhau.

Từ quan điểm trên, ông Đặng Tự Ân cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Thông tư cần ghi rõ là hướng dẫn việc lựa chọn SGK lớp 1 bậc tiểu học. Về nguyên tắc lựa chọn SGK (Điều 2), nên quy định lựa chọn một SGK chủ đạo (chính). Các bộ SGK trong danh mục Bộ GDĐT duyệt cho lưu hành là bình đẳng và giáo viên vẫn cần các SGK khác để hiểu biết đầy đủ cách tiếp cận của từng SGK, qua đó xây dựng kế hoạch lên lớp có chất lượng hơn, sát đối tượng.

Mặt khác, sẽ hạn chế giáo viên chỉ quan tâm tới SGK được chọn mà bỏ qua các SGK khác. “Quy định mỗi trường (trong thư viện) có đầy đủ các bộ SGK đã được Bộ GDĐT phê duyệt. Điều này giúp giáo viên có điều kiện nghiên cứu tìm hiểu các cách tiếp cận bài học từ nhiều SGK khác nhau”, ông Đặng Tự Ân nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề biên soạn các bộ SGK mới tiếp theo đây, ông Ân phân tích: Hãy nhìn nhận một cách nghiêm túc về bộ SGK lớp 1 và tổ chức cho các cấp giáo dục đánh giá qua một học kỳ thay SGK mới. SGK mới, quả thực quá “lùm xùm”, nhiều chê bai thời gian qua. Người ta nói “Thất bại nhiều lần là lý do của thành công”.

Bộ GDĐT mới đây công bố 72 đầu sách của lớp 2 và lớp 6. Đây là cơ hội tốt để các địa phương sớm tiếp cận và tham giai góp ý, giúp Bộ sớm có quyết định ban hành bộ SGK chính thức, trước 5 tháng so với ngày khai giảng năm học mới 2021-2022. Ngoài Hội đồng Thẩm định của nhà nước, Bộ GDĐT còn tiến hành mời các chuyên gia giáo dục, chuyên gia đầu ngành ở nhiều lĩnh vực để đọc thẩm định, phản biện độc lập SGK.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GDĐT có nhắc lại: “Không buông lỏng, mà hãy giám sát chặt chẽ hơn quá trình làm SGK trong cơ chế thị trường” là những tín hiệu rất đáng mừng, chờ đợi cho sự ra đời những bộ sách có chất lượng tiếp theo.

SGK lớp 3,7 “tựa tựa” như SGK lớp 2,6, vì cùng thuộc giai đoạn giáo dục cơ bản. Tuy nhiên SGK lớp 10 lại khác cơ bản. Đây là bộ SGK đầu tiên của giai đoạn giáo dục nghề ở phổ thông. Mong muốn của những người tâm huyết với giáo dục nước nhà, sớm có bản thảo thô SGK lớp 3,7,10 để có thể dạy thực nghiệm 8 tháng, chí ít nhất là được một học kỳ của năm học 2021-2022.

Vi Cầm (lược ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phai-quan-tam-den-dac-thu-cap-hoc-555015.html