Phải phạt cả người tiếp tay 'ma men' lái xe

Cơ quan chức năng cần nghiên cứu chế tài xử lý cả 'ma men' lái xe và những người cố tình bán rượu, bia cho lái xe uống tại chỗ rồi lái xe về.

Lượng rượu, bia bán ra mỗi ngày hiện vẫn rất cao. Ảnh: Khánh Linh

Lượng rượu, bia bán ra mỗi ngày hiện vẫn rất cao. Ảnh: Khánh Linh

Để ngăn chặn nguy cơ tai nạn liên quan đến rượu, bia ngay từ đầu, chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu chế tài xử lý cả “ma men” lái xe và những người cố tình bán rượu, bia cho lái xe uống tại chỗ rồi lái xe về.

Rượu vào người, nguy cơ gây TNGT tăng 40 - 50 lần

Rượu bia là chất kích thích không chỉ tác động xấu đến sức khỏe, khiến các phản ứng sinh học của con người chậm chạp, nó còn làm cho người sử dụng có những hành vi gây nguy hiểm đến xã hội, trong đó có việc điều khiển phương tiện, gây TNGT trên đường.

Theo nghiên cứu, một người uống quá nhiều rượu, xác suất xảy ra TNGT có thể tăng lên 40 - 50 lần so với bình thường. Một thống kê khác tại Việt Nam cho thấy, TNGT do phương tiện và hạ tầng, đường sá chỉ chiếm chưa đến 1%. Trong khi đó, 95% nguyên nhân TNGT xảy ra do lỗi của con người và người sử dụng rượu bia điều khiển xe gây tai nạn chiếm khoảng 1/3. Do vậy, chỉ cần ngăn chặn được “ma men” lái xe, số vụ TNGT hàng năm ở nước ta chắc chắn sẽ được kéo giảm đáng kể.

Thế nhưng, những năm qua, công tác kiểm soát người tham gia giao thông uống rượu, bia vẫn tồn tại không ít bất cập, chưa được đầu tư đủ nhân lực, vật lực, tài lực và chưa được phát hiện kịp thời. Có không ít lái xe từ quán nhậu trở về vẫn lưu thông trên đoạn đường dài một cách “bình an vô sự”, không vấp phải sự kiểm tra, xử lý nào từ phía lực lượng chức năng trên đường. Trong sự lơ là, mất kiểm soát đó, họ đã cướp đi sinh mạng của chính mình và những người vô tội khác. Minh chứng cụ thể nhất là hai lái xe gây hai vụ tai nạn thương tâm tại đường Láng (ngày 23/4) và hầm Kim Liên (ngày 1/5) vừa qua.

Đâu đó tại quán xá, từ quán bia vỉa hè đến nhà hàng sang trọng, “văn hóa nhậu” vẫn còn rầm rộ. Nhiều cán bộ, viên chức, đội ngũ đáng lý phải đi đầu trong việc “nói không với rượu bia” khi lái xe vẫn nâng ly, chúc tụng sôi nổi, không kể giờ trưa hay tối.

Thực tế đó cho thấy, chúng ta đã tích cực tuyên truyền với băng rôn, khẩu hiệu, hình ảnh, đã có những đợt cao điểm xử phạt “ma men” song những cách thức đó đều làm chưa tới để đủ sức răn đe, khiến người ta phải thay đổi hành vi khi tham gia giao thông.

Nghiên cứu xử lý cả người bán rượu, bia

Cùng với chế tài xử lý hành chính, công tác tuyên truyền, giáo dục cũng cần đẩy mạnh để cộng đồng thấy rằng việc uống rượu bia là một điều đáng trách. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần làm phép tính khoa học, xác định đặc điểm, con người như thế nào. Người làm tuyên truyền cũng phải có chiều sâu, hiểu được tâm tư tình cảm của từng đối tượng để đưa ra giải pháp phù hợp.

Chuyên gia giao thông
Khương Kim Tạo

Theo quy định tại Nghị định 46/2016, tài xế vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất sẽ bị phạt từ 16 - 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 4 - 6 tháng. Mức phạt này đang được đề xuất tăng từ 26 - 30 triệu đồng, tước GPLX 14 - 16 tháng. Tuy nhiên, vấn đề tăng 18 hay 30 triệu không quan trọng. Nhiều người cho rằng phải tăng mức phạt nhưng khung hình phạt hiện tại với một người thu nhập thấp đã là nhiều, kinh tế gia đình có thể bị ảnh hưởng tới 3 - 4 tháng. Việc đủ nặng hay chưa rất khó xác định.

Theo tôi, phạt nặng không phải quan trọng nhất mà phải bằng nhiều hình thức khác. Trong đó có thể áp dụng hình phạt buộc người vi phạm phải lao động công ích, ví dụ như: Dọn cống, quét rác ngoài phố trong thời gian 1 - 2 tuần, thậm chí là 1 tháng để người ta phải cảm thấy xấu hổ trước cộng đồng và tự nhận thức, điều chỉnh lại hành vi của mình mỗi khi bước vào các cuộc nhậu nhẹt, hội họp. Như vậy, kinh tế gia đình của người vi phạm cũng không bị ảnh hưởng.

Đối với lái xe gây tai nạn chết người, theo khung hình phạt của Luật Hình sự hiện hành, mức phạt cao nhất cho hành vi này có thể bị phạt tù đến 15 năm. Mức đó có lẽ đã đủ, vì nếu mức phạt tù tăng hơn 15 năm, các cơ quan chuyên trách trong xử lý, thi hành án sẽ gặp nhiều khó khăn cả về không gian lẫn lực lượng.

Tôi cho rằng, mấu chốt hiện tại là phải phạt nghiêm những người đã uống rượu bia, chưa gây tai nạn nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu có nên phạt tù những đối tượng này không? (Một số nước trên thế giới phát hiện lái xe đã sử dụng rượu bia sẽ lập tức phạt tù 3 tháng). Dư luận đánh giá việc CSGT đứng cạnh nhà hàng để bắt người vi phạm là phản cảm, vậy chúng ta có cần bố trí mật vụ theo dõi những nhóm người nhất định, thường xuyên uống rượu, bia tham gia giao thông rồi “bắt tại trận” khi họ rời quán nhậu lưu thông trên đường hay không? Tất cả những điều đó dù khó cũng cần phải nghiên cứu thực hiện để ngăn chặn nguy cơ “ma men” gây TNGT ngay từ đầu.

Về luật pháp, các cấp thẩm quyền cũng cần cân nhắc có cần nâng cao khung hình phạt thêm nữa, ví dụ, thời gian tịch thu GPLX của người vi phạm nồng độ cồn tăng từ 6 tháng lên 2 năm hoặc tịch thu vĩnh viễn, sau này phải học lại. Thậm chí, có thể nghiên cứu, áp dụng hình phạt với cả các nhà hàng bán để người uống rượu bia xong vẫn lái xe tham gia giao thông.

Cách thức tổ chức kiểm tra, xử lý không nên làm theo từng đợt cao điểm, theo chiến dịch mà phải tổ chức lại toàn bộ lực lượng làm thường xuyên, liên tục. Chúng ta có thể đưa ra hạn mức sẽ tuyên truyền 3 tháng, sau đó tiến hành cưỡng chế, tuyệt đối không chỉ bằng hình thức phạt nóng mà có thể phạt nguội.

Theo tôi, các cơ quan chuyên trách cần thiết lập cơ sở dữ liệu những người đã bị phạt lỗi vi phạm nồng độ cồn để kết nối giữa các đơn vị trên toàn quốc. Người nào vi phạm quá nhiều lần sẽ phải đề xuất hình thức xử lý nặng hơn để nghiêm trị, tránh tâm lý “nhờn luật”, coi thường pháp luật.

Khương Kim Tạo - Chuyên gia giao thông

Báo Giao thông trân trọng mời bạn đọc gửi bài tham gia Diễn đàn Chặn ma men lái xe

Mỗi tuần trao 4 giải thưởng hấp dẫn

Bạn đọc có thể tham gia diễn đàn dưới nhiều hình thức như gửi bài, ảnh, video, chia sẻ câu chuyện của chính mình hoặc cung cấp ý tưởng, kinh nghiệm, giải pháp để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ngăn chặn hành vi sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Các tác phẩm đạt chất lượng, được đăng tải trên Báo Giao thông sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định của Báo. Nơi nhận tác phẩm tham gia diễn đàn: Trụ sở Báo Giao thông, số 2 đường Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội; Email: thang.nguyen@baogiaothong.vn; Điện thoại đường dây nóng: 0914799709.

Mỗi tuần Ban tổ chức sẽ trao: 1 giải Nhất tuần trị giá 2 triệu đồng + 2 mũ bảo hiểm đạt chuẩn có gắn logo Báo Giao thông; 1 giải Nhì trị giá 1 triệu đồng + 2 mũ bảo hiểm; 2 giải Khuyến khích: mỗi giải 2 mũ bảo hiểm.

Nam Khánh (Ghi)

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/phai-phat-ca-nguoi-tiep-tay-ma-men-lai-xe-d422611.html